Nhiều nhân viên chỉ làm việc theo đúng mức lương. Ảnh: Forbes. |
Theo Forbes, điểm chung của những nhân viên ủng hộ làn sóng "acting your wage" là không làm việc sau 17h hoặc cuối tuần. Họ chỉ làm những công việc tương xứng với mức lương được chi trả.
Nếu công ty không đồng cảm, thấu hiểu, khuyến khích và đền đáp xứng đáng với sự cố gắng của họ hoặc để họ an tâm thực hiện công việc thay vì lo sợ bị lạm dụng, la mắng, những nhân viên này sẽ không nỗ lực làm việc.
Điển hình cho xu hướng này, ở Trung Quốc, để chống lại văn hóa làm việc "996" (làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần) của tỷ phú Jack Ma, những nhân viên trẻ - đặc biệt gen Z - đã từ chối làm thêm giờ, hoàn thành công việc với chất lượng trung bình, đi vệ sinh thường xuyên (trong thời gian dài), nghịch điện thoại hoặc đọc tiểu thuyết tại nơi làm việc.
Chân dung nhân viên "acting your wage"
Forbes nhận định những nhân viên "acting your wage" thường không có xu hướng rời bỏ hoặc chán ghét công việc hiện tại. Họ chọn làm việc "vừa đủ" để không bị sa thải. Tuy nhiên, đối tượng này lại thiếu động lực hoặc năng lượng để cống hiến trong công việc.
Ở văn phòng, những nhân viên "acting your wage" thường tranh thủ thời gian làm việc để lướt mạng xã hội thay vì thực hiện công việc. Họ đến văn phòng lúc 9h45, ăn trưa trong hơn một tiếng đồng hồ và tan làm vào khoảng 16h35. Khi có việc cần thiết, không ai trong cơ quan có thể tìm thấy họ.
Làm việc từ xa, nhân viên "acting your wage" sẽ cố gắng để đảm bảo không bị sếp gọi trong các cuộc họp. Họ làm việc một chút rồi lại lướt mạng xã hội, xem phim, điện thoại cho một số bạn bè hoặc chợp mắt để cho qua thời gian.
Nhân viên "acting your wage" còn thiếu sự liên kết với công việc. Họ có thể nói xấu người quản lý sau lưng, buôn chuyện, tung tin đồ và đối xử thô lỗ với khách hàng. Thái độ làm việc độc hại này có thể lây nhiễm sang các nhân viên khác và trở thành mối nguy hiểm, gây bất lợi cho công ty.
Tuy nhiên, số lượng người ủng hộ làn sóng "acting your wage" đang ngày càng chiếm ưu thế trong thị trường lao động. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát của Gallup, 33% người lao động Mỹ đã tự đánh giá họ có trách nhiệm với công việc. Trong khi đó, hơn 50% đánh giá bản thân chỉ "làm việc cho có".
Theo Forbes, lý do nhân viên chọn ủng hộ làn sóng "acting your wage" xuất phát từ việc họ cảm thấy không được đánh giá cao, không có tiếng nói và bị bỏ mặc ở công ty. Số khác thấy thất vọng vì gặp phải sếp tồi tệ, hống hách. Nhiều người lại cho rằng công ty lợi dụng họ, bắt tăng thời gian làm việc (khác với quy định ban đầu), trả lương không đầy đủ và hạ thấp nhân viên.
Nhiều lý do khiến nhân viên ủng hộ làn sóng "acting your wage". Ảnh: iStock. |
Đừng bị cuốn theo tâm lý "ăn miếng trả miếng"
Với các nguyên nhân nêu trên, nhiều nhân viên đã chọn ủng hộ làn sóng "acting your wage" như một cách để họ nói "không" với sếp và khẳng định quyền tự chủ trong công việc. Họ khẳng định bản thân không cần phải làm thêm giờ khi không được đánh giá cao hơn hay trả thêm lương.
Về lâu dài, thái độ làm việc này có thể khiến nhân viên trở nên bảo thủ, sinh ra tâm lý "chống lại sếp" và dành nhiều thời gian để chiều chuộng bản thân hơn là cống hiến cho công việc.
Theo Forbes, thay vì để bản thân bị cuốn theo tâm lý "ăn miếng trả miếng", nhân viên nên trình bày suy nghĩ và cảm nhận "bị coi thường, không được trọng dụng" với lãnh đạo công ty. Qua đó, sếp và nhân viên có thể cùng nhau tìm ra giải pháp cải thiện tình hình.
Ngoài ra, thay vì nói suông, nhân viên nên chứng minh năng lực với ban lãnh đạo công ty bằng cách làm việc hiệu quả, "tăng tốc" và vượt qua tất cả đồng nghiệp. Khi đó, nhân viên sẽ được chú ý. Người lãnh đạo cũng muốn bạn vào nhóm và thực hiện các dự án của họ. Trong trường hợp này, đối với vị trí của bạn, nhà tuyển dụng sẽ phải lắng nghe và đề xuất mức lương cao hơn so với các công ty khác.
Ngược lại, nếu nhân viên đã cố gắng làm việc nhưng vẫn không nhận được mức lương tương xứng, Forbes khuyên họ nên từ bỏ và tìm kiếm công việc mới.
Theo Forbes, người lao động cần chọn các công việc có thể khiến bản thân hạnh phúc và được trả mức lương xứng đáng. Họ không nên lãng phí thời gian cho công việc mà bản thân không yêu thích. Khi nhân viên thích những gì mình làm và hiểu được trách nhiệm, họ mới có thể hoàn thành tốt công việc. Đồng thời, sếp, đồng nghiệp, khách hàng cũng sẽ đánh giá cao và biết ơn sự nỗ lực của họ.