Khánh Ly được thông báo vị trí trước đây của mình đã có người thay thế, nhưng được cấp trên giới thiệu sang một phòng ban khác gần tương tự về chuyên môn.
Đến hiện tại, nhân viên truyền thông này vừa hoàn thành một tháng thử việc theo quy định, song có đến gần 3 năm gắn bó với công ty. Cô cho biết sẽ làm việc lâu dài hơn nữa bởi phù hợp với môi trường, đãi ngộ và đồng nghiệp tại đây.
"Giai đoạn sau Tết Nguyên đán, tôi xin nghỉ việc để chung vốn với bạn, mở một cửa hàng thời trang nhỏ. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mấy thuận lợi. Có mối quan hệ khá thân thiết với sếp cũ, tôi nhờ chị hỗ trợ để quay về làm việc", cô chia sẻ cùng Zing.
Nhân viên 'boomerang'
Boomerang, đó là từ lóng chỉ những nhân viên nghỉ việc, nhưng sau đó xin hoặc được mời quay trở lại công ty cũ.
Theo Forbes, nhóm nhân sự này là xu hướng tuyển dụng nổi bật nhất của năm 2022. Trước đó, vào năm 2021, nhân viên Boomerang chiếm 4,5% tổng tuyển dụng mới vào các công ty, tăng tương đối so với tỷ lệ 3,9% vào năm 2019.
Làn sóng nghỉ việc sau đại dịch càng là lý do thúc đẩy các công ty tuyển dụng lại nhân sự cũ của mình. Đồng thời, nhảy việc vội vàng khi bình thường mới, nhiều người cũng nhanh chóng nhận ra mình nên gắn bó với doanh nghiệp trước đây.
Kết quả nghiên cứu trên Monster cho thấy 61% nhân viên tham gia khảo sát sẽ cân nhắc cơ hội quay trở về công ty cũ. Trong đó, 72% sẵn sàng quay lại nếu được trả lương tốt hơn.
Làn sóng nghỉ việc sau dịch càng thúc đẩy các công ty tuyển dụng lại nhân sự cũ. Ảnh minh họa: Polina Zimmerman/Pexels. |
Như Hà Linh (30 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), cô chấp nhận đầu quân lại cho sếp cũ bởi được trả mức lương cao hơn 50% so với thu nhập cũ.
Con số hậu hĩnh cùng lời mời nhiệt tình từ cấp lãnh đạo thuyết phục cô quay về văn phòng quen thuộc sau gần một năm tạm biệt.
"Tháng 5/2021, tôi nghỉ việc vì có chuyện gia đình, sau đó vào làm tại một công ty mới. Gần đây, công ty cũ có hợp đồng với một đối tác quan trọng, trùng hợp đơn vị này từng do tôi phụ trách. Lương tốt, quen công việc và môi trường, tôi nghĩ không tội gì phải từ chối cơ hội", cô nói.
Theo Hà Linh, những ngày đầu trở lại làm việc, cô có phần ái ngại với đồng nghiệp. Dường như mọi người hiểu ý nên chủ động bắt chuyện và hỏi thăm. Đặc biệt, ở công ty vẫn còn nhiều người bạn thân thiết. Cô nhanh chóng bắt nhịp với văn hóa chung, đôi khi cảm thấy như mình chưa từng rời đi.
"Tôi nghĩ công ty mình thuộc số ít nơi khá cởi mở khi làm việc cùng nhân sự cũ, kể cả xin về hay được mời về. Hơn nữa, trước đây, tôi rời đi bởi tình huống chính đáng. Nếu ai đó từng có tranh cãi hoặc vấn đề tiêu cực, có lẽ không trở về dễ dàng như vậy", cô bày tỏ.
Thanh Nhàn (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng là một nhân sự boomerang. Cô đùa vui rằng mình "đi thật xa để trở về", ứng tuyển vào công ty cũ sau 1,5 năm nghỉ việc.
"Trước đây, tôi xin nghỉ bởi muốn thay đổi môi trường cho đỡ nhàm chán. Khi còn trẻ và chưa lập gia đình, tôi muốn thử sức mình ở những nơi mới và kiếm thêm kinh nghiệm", cô cho biết.
Tuy nhiên, công ty mới không đáp ứng được nguyện vọng của Thanh Nhàn. Cô làm công việc tương đương nơi cũ, nhưng thu nhập thấp hơn đáng kể.
Một lần, cô hay tin sếp cũ tuyển dụng lại vị trí của mình. Cô nhanh chóng liên hệ xin quay lại, đồng ý với vai trò và thu nhập giống trước đây.
"Tôi hài lòng với mức lương ở công ty cũ. Nơi này cũng có chế độ tương đối tốt so với thị trường, văn phòng lại khá gần nhà tôi", nhân viên marketing này bày tỏ.
Liệu có dễ dàng?
Nhưng khác với Hà Linh, Thanh Nhàn lại không mấy thoải mái về mặt tinh thần khi quay trở lại. Cô đánh giá quyết định này của mình "có quá nhiều rủi ro", cảm thấy bị cô lập trong chính môi trường tưởng như quen thuộc.
"Vài người nói tôi sang nơi mới không ăn thua nên mới trở về. Phần lớn đồng nghiệp thân thiết trước đây của tôi đều đã nghỉ việc. Xung quanh tôi toàn người lạ", cô thở dài.
Một lần, Thanh Nhàn biết được đồng nghiệp cùng phòng lập nhóm chat riêng, có tất cả thành viên nhưng ngoại trừ cô.
"Trong mắt nhiều người, nhân sự cũ xin quay về vẫn là một điều gì đó không hay ho", cô tâm sự.
Sau 3 tháng, cô một lần nữa nghỉ ngang.
"Bạn bè nói tôi trẻ con khi cư xử vội vàng, cảm tính như thế. Nhưng thật sự tôi rất mệt mỏi, mỗi ngày đi làm đều không có cảm hứng, lương thưởng hay chế độ lúc đó đều không còn quan trọng. Tôi nhận ra mình không hợp với công ty cũ như từng nhầm tưởng", cô nói, cho biết thêm hiện làm việc tại một doanh nghiệp mới.
Việc quay trở về công ty cũ không dễ dàng với tất cả. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Còn với Khánh Ly, cô cho biết mình may mắn thích nghi lại khá nhanh chóng với công việc và đồng nghiệp. Cô không phải nhân sự boomerang duy nhất. Trước đó, không ít người rời công ty một vài năm, sau đó trở về.
Tuy vậy, không phải là nhân viên cũ mà cô có thêm quyền lợi so với ứng viên mới. Để trúng tuyển vào vị trí hiện tại, cô cũng phải bắt đầu từ bước nộp hồ sơ, phỏng vấn, làm bài thi và thử việc.
"Thậm chí, biết tôi quen thuộc với công ty, trưởng phòng còn đặt ra yêu cầu cao và khắt khe hơn. Ở nơi làm việc, cấp trên chỉ quan tâm đến hiệu suất. Tôi phải cố gắng rất nhiều để quay trở về chính nơi mình từng dứt khoát rời bỏ", cô tâm sự.
Ngoài ra, công việc và thu nhập tương tự trước đây đôi khi làm cô buồn chán. Cô cho biết có dự định kinh doanh online nhằm có thêm thu nhập, tạo thêm thú vui cho cuộc sống.
Cần cân nhắc
Trao đổi với Zing, ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Thành Công, cho biết mình chứng kiến một số lượng không nhỏ nhân viên quay trở lại nơi làm việc cũ, còn gọi là nhân sự boomerang.
Theo ông, điều này là tín hiệu khá tích cực bởi chứng tỏ các công ty có môi trường và văn hóa tốt trên thị trường tuyển dụng nên mới thu hút nhân viên tiền nhiệm.
"Nhân viên cũ hiểu được điểm mạnh, yếu của doanh nghiệp cũng như văn hóa và quy trình. Nhờ thế, họ không mất thời gian làm quen, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo. Xét về khía cạnh này, nhân sự boomerang đem lại lợi ích cho cả bản thân và công ty", ông nhận định.
Không phải tất cả công ty đều cởi mở, sẵn sàng đón nhận nhân viên cũ. Ảnh minh họa: Fauxels/Pexels. |
Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng lưu ý nhân viên quay trở về cần hiểu rằng "lịch sử có thể lặp lại". Tức là nếu họ không giải quyết các vấn đề cũ trong quá khứ sẽ rất dễ rơi vào vòng lặp khúc mắc với công ty, sau đó lại tiếp tục muốn nghỉ việc.
"Trên thực tế, nhiều công ty e ngại khi tuyển dụng lại nhân viên cũ. Nhà quản lý cho rằng những người này sẽ tiếp tục nghỉ việc hoặc khiến tinh thần làm việc chung của công ty đi xuống. Do vậy, để gây dựng lòng tin với nhà tuyển dụng, nhân viên cũ cần thể hiện tinh thần tích cực và mong muốn hợp tác lâu dài", ông phân tích.
Trong khi đó, theo chị Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, khi mong muốn quay trở về công ty cũ, nhân sự cần đặt câu hỏi: Năng lực của mình đang ở đâu trên thị trường? Bản thân đang tìm kiếm điều gì trong công việc? Và điều gì giúp chính mình sống trọn vẹn?
Dù là công ty cũ hay mới, đó vẫn cần là môi trường phù hợp với tính cách, nguyện vọng của nhân sự. Nếu cảm thấy những vấn tồn đọng trước đây vẫn chưa được giải quyết, nhân sự cần xem xét lại quyết định trở về của mình.
Trong trường hợp đã suy xét kỹ lưỡng, họ cần chứng tỏ sự thiện chí và khả năng gắn bó của mình đối với công ty.
"Doanh nghiệp chào đón nhân viên trở lại, đồng nghĩa họ mở rộng cửa, tạo cơ hội cho bạn lần nữa. Nhân viên cũ nên tạo ra giá trị xứng đáng với sự mở lòng này. Bạn nên cho họ thấy được quyết định chọn bạn trở lại là điều chính xác", chị Linh cho hay.