Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Dự luật bổ sung nhiều quy định mới, trong đó đáng chú ý là đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày khi tham gia giao thông.
Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Thực tế, quy định các phương tiện phải bật đèn sáng cả ngày đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt tại châu Âu, nơi thường xuyên có sương mù và các xe di chuyển với tốc độ cao.
Xe Volvo được trang bị đèn nhận diện ban ngày ngay từ thập niên 80. Ảnh: Wikipedia |
Quy định xe cần được trang bị đèn chiếu sáng ban ngày (daytime running light - DRL) bắt nguồn từ các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, nơi vào mùa đông, trời tối cả vào ban ngày. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên bắt buộc xe phải bật đèn định vị mọi lúc khi tham gia giao thông vào năm 1977. Cụ thể, Volvo và Saab đã nhanh chóng trang bị đèn DRL trên các mẫu xe của họ. Tiếp đó, từ năm 1986-1997, Na Uy, Iceland, Đan Mạch và Phần Lan lần lượt áp dụng quy định này.
Anh cũng là một trong số những quốc gia sớm yêu cầu các xe phải bật đèn vào ban ngày khi tham gia giao thông, do đất nước này thường xuyên có sương mù. Các thành viên của khối Liên minh châu Âu cũng có các quy định khuyến khích hoặc bắt buộc xe luôn bật đèn khi chạy trên đường.
Đức, Tây Ban Nha và Pháp yêu cầu xe dùng đèn chiếu gần khi lưu thông vào một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, Italy, Hungary hay Rumani quy định xe bật đèn khi chạy ở bên ngoài các khu vực đông dân cư. Đây cũng chính là lý do trên các mẫu xe máy nhập khẩu vào Việt Nam thời gian trước như Honda Spacy, Honda @, Honda SH hay Piaggio Liberty đèn luôn sáng và không có nút bật/tắt đèn.
Honda @ nhập khẩu từ Italy không có công tắt tắt/bật đèn trước. |
Tại châu Mỹ, Canada bắt buộc mọi mẫu xe sản xuất nội địa hoặc nhập khẩu sau ngày 1/1/1990 phải có đèn nhận diện ban ngày.
Không lâu sau đó, các nhà sản xuất ôtô Mỹ đã trình đề xuất áp dụng luật bắt buộc xe lưu thông phải bật đèn ban ngày lên chính phủ, tuy nhiên hiện vẫn chưa được thông qua. Lý do là bởi theo kết luận của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) năm 2008, những lợi ích về an toàn mà đèn nhận diện ban ngày mang lại không đủ lớn để trở thành luật quy định liên bang.
Tại châu Á, Nhật Bản đã ghi nhận lợi ích của việc bật đèn xe khi tham gia giao thông vào ban ngày ngay từ đầu thập niên 90. Đơn cử như những chiếc Honda Cub 82 sản xuất năm 1989 đưa về Việt Nam đều không có công tắc tắt đèn.
Thái Lan, quốc gia láng giềng trong khối ASEAN, cũng đã áp dụng quy định bật đèn xe ban ngày, dù đất nước này thường xuyên có nắng nóng. Nhờ bật đèn trước, tài xế dễ phát hiện ra xe máy và ôtô đi cùng chiều hơn thông qua gương chiếu hậu. Bên cạnh đó, khi đi đường đồi núi, đường quanh co và khuất tầm nhìn, người lái nhận ra có xe đi ngược chiều sớm hơn nhờ ánh đèn.
Tại Việt Nam, đa số những dòng xe được nhập khẩu cũng như lắp ráp trong nước thời gian gần đây cũng đã được trang bị đèn chiếu sáng ban ngày tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở một số dòng xe phổ thông trước đây không được trang bị tính năng này. Ở những phương tiện không được trang bị đèn chiếu sáng ban ngày tiêu chuẩn có thể sử dụng đèn cos. Tuy nhiên, công năng của đèn cos và đèn chiếu sáng ban ngày là khác nhau. Thế nên việc sử dụng đèn cos vào khi trời sáng đang nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.