Những pha 'tỏ tình' hài hước của trẻ mẫu giáo
Tính cách ngây thơ, nhiều con trẻ tỏ tình như người lớn. Điều này đã khiến không ít bậc phụ huynh phải dở khóc dở cười.
Tính cách ngây thơ, trẻ con, nhiều con trẻ tỏ tình như người lớn. |
Một ngày, chị Mỹ (đường Tống Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) thấy bé Sơn, 4 tuổi hớn hở, tung tăng, vui trông thấy khi đi học về. Bé lại còn hay nhìn vào gương lẩm bẩm câu gì đó rồi ngượng ngùng đỏ bừng mặt. Hỏi thì Sơn đỏ mặt thủ thỉ với mẹ: “Con đang tập nói trước gương để ngày mai tỏ tình với bạn Nana”.
Sơn là một cậu bé tình cảm, bé rất thích xem chương trình hài hước như Gặp nhau cuối tuần, Mr. Bean, hoạt hình... Nhưng hôm ấy, bé ít xem phim hơn mà hay tìm tới gương để bầu bạn.
Suốt cả tối hôm đó, bé cứ hí hửng, hồi hộp đi ra đi vào phòng khách, miệng lẩm bẩm câu gì đó. Ghé sát tai vào, vợ chồng chị Mỹ lăn ra đất cười nghiêng ngả khi nghe thấy đoạn tập tỏ tình của cu cậu: “Yêu anh đi, anh dắt em chơi, lên tầng tư, hai đứa mình đều lắc lư, lên tầng tư, la lá la la là la”…
Sáng hôm sau trước khi đi học, bé cũng chạy ra trước gương lẩm nhẩm lại lời tỏ tình, vừa lẩm nhẩm cu cậu cũng lắc lư theo lời hát. Anh chị đứng từ xa bấm bụng cười với nhau: “Đúng là trẻ con. Đến mai nó lại quên ngay ấy mà”. Chiều đó, chị hỏi han, dò la tin tức: “Sơn à, thế hôm nay con đi học thế nào?”. Cậu bé tủm tỉm: “Bí mật ạ”.
Không như Sơn, bé Hoài Linh có gì mơi mới là kể ngay với mẹ. Kể cả việc bé vừa mới tỏ tình với cô bạn cùng lớp mẫu giáo. Hôm đó, nhà chị Thủy được một trận cười bò lăn bò càng vì câu chuyện cười rung rốn của cậu con trai mình.
Hoài Linh nghêu ngao kể: “Con rất thích bạn Trâm ở lớp. Hôm qua đúng giờ ra chơi con hỏi bạn ấy là “có yêu anh không”, rồi con chốt hạ ngay: “Không yêu tớ hơi bị phí đấy”. Chờ mãi nhưng bạn Trâm chưa nói gì cả. Đúng là đàn bà thật phức tạp”. Nhìn cậu con trai thộn mặt ra thắc mắc, kể lể về chuyện tình của mình mà anh chị không nén được những tràng cười. Chị còn trêu con: “Đúng là bố nào con nấy mà”.
Nhà chị Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) dở khóc khi bỗng dưng cô con gái 4 tuổi khóc lóc, về nằng nặc đòi mẹ “Mai con không đến trường”. Chị Ngọc hỏi kiểu gì bé cũng không chịu nói. Gọi điện hỏi cô giáo, chị giật mình khi Linh thất tình.
Chuyện là, cô bé “yêu thầm” bạn Tú cùng lớp. Sau khi Linh thì thầm với Tú: “Sau này em muốn lấy anh”. Cậu bé kia khóc thét vì không hiểu gì, cô bé này cũng thất vọng rấm rứt suốt cả buổi.
Cứ tưởng hôm trước, hôm sau con quên, ai dè sáng hôm sau, Linh nhất quyết không chịu đến trường. Ban đầu chị còn buồn cười vì “đúng là cái tụi trẻ con”, sau thấy con bướng bỉnh, chị cầm roi phát cho mấy cái vào mông.
Kể về những mẩu chuyện tỏ tình hài hước của các bé, cô giáo Sâm, trường tiểu học Chim họa mi ở Tân Ấp (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) kể: “Bắt chước trên tivi, hay người lớn nói chuyện, nhiều trẻ con cũng có những màn tỏ tình rất bạo. Có em bé nói dõng dạc trước lớp một đoạn dài khi tỏ tình với một cô bé cùng lớp, như “Dù chúng mình chưa nói chuyện nhiều với nhau nhưng từ cái nhìn đầu tiên, trái tim anh đã rung rinh vì hình ảnh của em, mái tóc có cái nơ hình con chó của em đã khiến anh thổn thức”.
Hay đó là lời con trẻ tỏ tình của bé Lâm (4 tuổi) dành cho bé Mai cùng lớp: “Cả lớp ai cũng xấu như gà, có một mình cậu xinh bần bật với những cái răng như con thỏ. Cậu yêu tớ đi. Yêu đi, yêu đi”.
Đứng trước vấn đề này, cô giáo Sâm cho biết, nhiều cha mẹ thấy con như vậy nghĩ rằng con quá hư, nên quát nạt, mắng mỏ, thậm chí đánh con.
Tôn trọng thế giới của trẻ
Đứng trước chuyện thích, yêu mến, yêu quý, thổ lộ tình cảm, hay những lời con trẻ tỏ tình, người lớn cần bình tĩnh, tôn trọng con. |
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho hay: Đứng trước chuyện thích, yêu mến, yêu quý, thổ lộ tình cảm, hay những lời con trẻ tỏ tình, người lớn cần bình tĩnh, tôn trọng con. Hãy coi đó là chuyện bình thường, thậm chí là đáng mừng bởi có như vậy, con mình là đứa trẻ tình cảm, đáng yêu, biết quan tâm tới người khác. Thái độ dọa nạt, quát mắng của cha mẹ là hoàn toàn sai lầm.
“Việc cần làm là phụ huynh nên thường xuyên nói chuyện cho con, để nắm bắt được tâm tư, tâm lý của trẻ. Từ đó dần định hướng uốn nắn cho trẻ đi tới chân, thiện, mỹ. Giúp con hiểu rằng việc chia sẻ tình cảm thế nào là hợp lý. Có thể thông qua những bài hát, câu chuyện, hoặc cha mẹ có thể phân tích, nói chuyện với con bằng chính những câu chuyện đang diễn ra trước mắt”.
Theo Tri Thức Trẻ