Những phát minh đáng ngưỡng mộ của giới trẻ Việt
Giấy thân thiện từ lá cây, hay xe lăn cho người không tay, thiết bị chống cận thị... là những phát minh hữu ích từ những người còn rất trẻ.
Giấy từ lá cây
Cô nữ sinh lớp 12A2 trường THPT Tam Giang, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Đặng Thị Ngọc Ánh đã phát minh ra giấy từ lá cây khô, lá chuối, tre... rất thân thiện với môi trường sống.Ý tưởng giấy thân thiện này của cô bắt đầu từ hình ảnh những người quét rác. Khi thấy các bác lao công vất vả gom lá cây rụng đầy ngoài đường em đã nghĩ phải làm cái gì đó có lợi từ những thứ rác này.
Công thức chế tạo “giấy xanh” của Ánh đơn giản, bao gồm: Lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%), các nguyên liệu phụ như hồ dán, nước vôi trong (2%).Sản phẩm “giấy xanh” được làm từ lá và vỏ cây của Ánh đã được đánh giá rất cao tại cuộc thi Khoa học và kĩ thuật INTEL ISEF 2011-2012. Loại “giấy xanh” do Ánh chế tạo có thể tự phân hủy được, độ xốp cao nên dùng để hút ẩm trong các linh kiện điện tử, tạo hình nghệ thuật, viết thư… và đặc biệt rất thân thiện với môi trường sống.
Xe lăn cho người không tay
Đặng Thu Hiền, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thiết kế chiếc xe lăn không gắn động cơ mà điều khiển bằng việc đạp và chuyển động của cơ thể. Nguyên lý hoạt động của xe vô cùng thuận tiện cho người sử dụng.
Chiếc xe dành cho người bị khuyết tật tay, họ dùng chân để di chuyển. Đồng thời phương thức bẻ lái dựa trên quán tính nghiêng người của người lái. Khi muốn rẽ trái chỉ cần xoay người sang trái, làm ngược lại khi muốn rẽ phải. Hệ thống đề giúp xe chạy phù hợp với mọi địa hình và tiện ích cho người sử dụng.
Ngoài ra, dây curoa giúp giữ an toàn cho người đạp khi vị trí đạp cao so với xe thông thường. Xe dùng cho người bị liệt tay, cụt tay, thậm chí là cụt hẳn tay...
Tắt mở máy bơm từ điện thoại... cùi
Anh nông dân Nguyễn Thái Toản chưa học hết lớp 6 (xã Đắk Gằn, huyện Đăk Mil, Đăc Nông) với phát minh ra thiết bị tắt bật máy bơm bằng chiếc điện thoại rẻ tiền thực sự làm nhiều người thán phục.
Cơ chế cực đơn giản, gồm có hai chiếc điện thoại, một bộ cảm biến ánh sáng và một động cơ quay để đóng - ngắt cầu dao. Bộ điều khiển đóng - ngắt điện bằng điện thoại hoạt động theo nguyên lý khi có cuộc gọi đến, chiếc điện thoại lắp chỗ cầu dao sẽ phát sáng, bộ phận cảm biến ánh sáng tiếp nhận và phát ra một luồng điện tác động lên động cơ quay làm đóng hoặc ngắt cầu dao điện.
Thiết bị này có thể đóng - mở nguồn điện ở cự ly không giới hạn chỉ cần có sóng điện thoại. Bộ điều khiển này còn có khả năng phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môtơ bơm nước rất hiệu quả.
Robot biết nhảy theo nhạc
Nguyễn Tấn Việt Tuyến quê An Giang là sinh viên năm 2 trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM. Tuyến rất hâm mộ hình ảnh chú mèo máy Doreamon biết làm mọi động tác và giống như người và trên hết là giống như một người bạn, nên Tuyến ấp ủ sẽ làm ra một chú robot như vậy.
Người máy được Tuyến sáng chế được điều khiển bằng phần mềm Mathlab và phần cứng Robot có 16 bậc tự do (sử dụng động cơ RC) và hệ vi điều khiển DSPIC30F6014A.
Chú người máy này có khả năng nhảy theo điệu nhạc, thực hiện một số động tác đơn giản giống người như cúi đầu chào, vẫy tay…
Sinh viên với thiết bị ngừa cận thị
Mai Thanh Tín và Nguyễn Tiến Trung, SV Khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã cho ra đời thiết bị phòng ngừa cận thị sử dụng cảm biến siêu âm. Sản phẩm được tích hợp cảm biến ánh sáng, đo khoảng cách với chức năng cảm biến siêu âm.
Bộ cảm biến siêu âm có các chế độ tương ứng để điều chỉnh khoảng cách ở một số trường hợp mà con người hay mắc phải dễ dẫn đến cận thị. Đó là khoảng cách từ mắt đến sách vở, từ chỗ ngồi đến màn hình xem ti vi, chỗ ngồi đến màn hình máy vi tính…
Khi chúng ta mặc định khoảng cách để khi xem ti vi hoặc đọc sách báo sao cho mắt nhìn vật rõ nhất nếu khoảng cách đó bị dịch chuyển thì bộ cảm biến sẽ bị kích hoạt, truyền tín hiệu cho bộ phận xử lý thông tin báo động bằng cách rung hoặc đổ chuông để chúng ta biết mình đang ngồi sai cự ly, từ đó điều chỉnh tầm mắt lại cho đúng”.
Theo Đất Việt