Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phụ nữ ở Ấn Độ bị đấu giá trên mạng

Việc tình dục hóa phụ nữ Hồi giáo được nhiều người sùng đạo Hindu cực đoan thực hiện trên mạng xã hội qua hình thức "đấu giá".

Khi phát hiện mình bị đem ra "bán đấu giá" trên Internet, Nadia (tên nhân vật được thay đổi để đảm bảo an toàn) cảm thấy sốc và bị xúc phạm.

"Nhiều người nghĩ các 'thị trường ảo' như vậy không tồn tại. Nhưng với phụ nữ đạo Hồi như tôi, những hành vi quấy rối tương tự thường xuyên xảy ra", cô chia sẻ với VICE.

Là một nhà báo nữ theo đạo Hồi đến từ Kashmir (Ấn Độ), Nadia thường xuyên gặp cảnh phân biệt đối xử, quấy rối trên mạng xã hội và trong cuộc sống hàng ngày.

"Chúng tôi là nạn nhân của ham muốn mù quáng, nạn tình dục hóa xuất phát từ sự căm thù suốt thời gian dài. Từ khi còn nhỏ, phụ nữ đạo Hồi tại Ấn Độ đã nhận thức được sự thật cay đắng này", cô nói.

phu nu hoi giao o an do bi dau gia anh 1

Nhiều phụ nữ ở Ấn Độ trở thành nạn nhân trên các ứng dụng "đấu giá ảo" vì theo đạo Hồi. Ảnh: AP.

Trở thành "vật phẩm đấu giá"

Ở Ấn Độ, việc tình dục hóa phụ nữ Hồi giáo được nhiều người sùng đạo Hindu cực đoan thực hiện trên mạng xã hội qua hình thức "đấu giá".

Đây là cách thức hạ nhục 204 triệu công dân theo đạo Hồi - cộng đồng chiếm 15% trong tổng dân số hơn 1,4 tỷ người ở nước này.

Cụ thể, VICE cho biết khoảng 100 phụ nữ Hồi giáo có sức ảnh hưởng giống Nadia đã bị đăng ảnh lên một nền tảng có tên "Bulli Bai", cùng với đường link dẫn đến tài khoản mạng xã hội của họ để tạo thành buổi "đấu giá ảo".

Nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội, chính trị gia đã trở thành nạn nhân của hình thức này. Dẫu cuộc đấu giá không có thật, những kẻ đứng sau nền tảng "Bulli Bai" và người tham gia đã sỉ nhục, quấy rối tình dục các cô gái Hồi giáo.

phu nu hoi giao o an do bi dau gia anh 2

Các nền tảng như "Bulli Bai", "Sulli Deals" đăng ảnh, tài khoản mạng xã hội của các cô gái Hồi giáo lên để nhục mạ, tình dục hóa họ. Ảnh minh họa: The Print.

Năm ngoái, GitHub đã xóa sổ ứng dụng "Sulli Deals" - vốn dùng hình ảnh của phụ nữ theo đạo Hồi ở Ấn Độ vì mục đích tình dục hóa.

Nền tảng trên công khai hình ảnh của nạn nhân với tiêu đề "giao dịch trong ngày", coi họ như những "món hàng" được bày bán trên mạng xã hội.

Cả "Bulli Bai" và "Sulli" đều là các từ ngữ mang tính xúc phạm các cô gái theo đạo Hồi mà những kẻ sùng đạo cực đoan sử dụng.

"Những thuật ngữ ấy thực sự kinh khủng. Tôi thấy đau đớn thay cho những người phụ nữ từng phải đối mặt với sự quấy rối ở mức độ này", Nadia nói.

Suốt nhiều thập kỷ, phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đều phải chịu đựng sự quấy rối, bạo lực giới như vậy.

Họ thường bị quấy rối trong cuộc sống thường ngày và trên mạng xã hội, thậm chí đối diện với nguy cơ bị tấn công về thể xác.

Trong 4 năm qua, một nền tảng thống kê ghi nhận hơn 400 hành vi tấn công, phạm tội vì thù hận người Hồi giáo xảy ra ở Ấn Độ, theo VICE.

"Đối với phụ nữ, những hành vi thù địch không chỉ dừng lại ở bạo hành thể xác, mà còn là quấy rối tình dục, cưỡng hiếp hay tra tấn. Nỗi sợ ấy còn lan rộng ra trong gia đình tôi, những người cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự", Nadia kể.

Nhiều nạn nhân bị "đấu giá ảo" khác cũng có chung nỗi sợ. Nữ nhà báo Quratulain Rehbar, người đã tố cáo nền tảng "Sulli Deals" cho VICE, cho biết hậu quả từ hành vi lạm dụng trực tuyến bao gồm nạn đổ lỗi nạn nhân.

"Tôi bị phán xét, đàm tiếu vì thông tin và ảnh của mình bị đem ra 'đấu giá'. Ít người nhận thức được vấn nạn này, điều đó khiến tôi rất khó chịu", Rehbar nói.

Hy vọng mong manh

Giới chức Ấn Độ đang ráo riết truy tìm những kẻ đứng sau các ứng dụng "đấu giá phụ nữ" này.

Ứng dụng "Bulli Bai" bị phát giác vào ngày 1/1 vừa qua, dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp đất nước. 4 sinh viên đại học đã bị bắt giữ vì nghi ngờ đứng sau sự việc này.

Ngày 9/1, cảnh sát cũng bắt giữ nhà phát triển web Aumkareshwar Thakur (25 tuổi) tại bang Madhya Pradesh, với cáo buộc là "cha đẻ" của ứng dụng "Sulli Deals".

phu nu hoi giao o an do bi dau gia anh 3

Ông Hemant Nagrale, đại diện Sở cảnh sát Mumbai, thông tin về vụ bắt giữ liên quan tới các nền tảng đấu giá phụ nữ Hồi giáo trực tuyến vào ngày 5/1. Ảnh: AP.

Sau khi điều tra, đại diện cơ quan chức năng cho biết Thakur đã tham gia nhóm có tên "TradMahaSabha" trên Twitter vào đầu năm ngoái

"Các thành viên nhóm đã đề cập tới việc bôi nhọ phụ nữ Hồi giáo trong nhiều cuộc trò chuyện, thảo luận", KPS Malhotra, Phó ủy viên Sở cảnh sát Delhi, trả lời truyền thông địa phương.

Cơ quan chức năng cho biết thêm rằng Thakur đã lập hơn 7 tài khoản Twitter suốt 2 năm qua, tham gia nhiều nhóm thù ghét phụ nữ Hồi giáo trên Twitter, Telegram.

Cảnh sát hiện điều tra các thiết bị của Thakur để khôi phục tất cả mã và hình ảnh liên quan đến ứng dụng "Sulli Deals".

Bất chấp hàng loạt vụ bắt giữ gần đây, Nadia không mấy lạc quan về việc giành lại công lý cho mình và các nạn nhân.

"Chúng tôi đã sống trong cảnh bị quấy rối, xúc phạm trong hơn 2 thập kỷ qua mà không có sự viện trợ từ bất cứ ai. Tôi không có nhiều hy vọng trong chuyện này", cô nói.

Nữ nhà báo nói rằng những nỗ lực của chính quyền chỉ là "giọt nước nhỏ" so với hàng loạt hành vi độc hại mà họ phải chịu đựng.

"Thực tế, có những website, cuộc thảo luận trên mạng xã hội được lập ra chỉ với mục đích thỏa mãn dục vọng, cảm giác xúc phạm phụ nữ theo Đạo hồi. Vì không có chung lý tưởng, tôn giáo với họ, chúng tôi bị coi như những 'vật phẩm' để 'đấu giá'. Những nền tảng như vậy cần bị dỡ bỏ, nhưng chúng có quá nhiều để có thể xử lý hết", cô nói.

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của 'văn hóa sưu tầm' ảnh nóng

Với sự phổ biến của "văn hóa sưu tầm" - hành động phát tán, trao đổi ảnh nhạy cảm, nhiều phụ nữ phải gánh chịu những hậu quả tâm lý, xã hội nặng nề mà không được pháp luật bảo vệ.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm