Xe
Những phương tiện di chuyển nhanh nhất hành tinh
- Thứ tư, 30/10/2013 10:12 (GMT+7)
- 10:12 30/10/2013
Dưới đây là danh sách những phương tiện di chuyển nhanh nhất ở trên mặt nước, mặt đất, trên không và trong vũ trụ mà con người từng chế tạo.
Trên mặt nước
|
Rain X Challenger (482,8 km/h)
Chiếc thuyền chạy nhanh thứ hai trên thế giới đã có một kết cục bi thảm. Trong khi cố gắng phá vỡ kỷ lục tốc độ của chiếc Spirit of Australia, chiếc Rain X Challenger được làm từ sợi carbon đã bị lật và khiến người điều khiển là ông Craig Arfons tử nạn. Chiếc thuyền gắn động cơ phản lực công suất 5.500 mã lực bị phá hủy hoàn toàn do dù khẩn cấp đã không bung lên khi tai nạn xảy ra.
|
|
Spirit of Australia (511,1 km/h)
Thiết lập kỷ lục tốc độ trên mặt nước là việc làm cực kỳ nguy hiểm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng sẽ dẫn đến thảm kịch. Chiếc Spirit of Australia được chế tạo bởi Ken Darby với động cơ có công suất 6.000 mã lực và thiết lập kỷ lục 511,1 km/h vào năm 1978. Đã có rất nhiều người bỏ mạng để phá vỡ kỷ lục đó và thất bại. Hiện tại, ông Darby đang cố gắng phá vỡ kỷ lục của chính mình bằng việc chế ra chiếc thuyền có công suất 9.000 mã lực.
|
Trên mặt đất
|
Sonic Wind 1 (1.017,1 km/h)
Vào năm 1962, John Stapp, người đàn ông nhanh nhất thế giới điều khiển chiếc xe trượt được gắn hỏa tiễn tăng tốc từ 0 lên 1.017,1 km/h chỉ trong vòng 5 giây. Stapp đã phải chịu trọng lực lên đến 20 g’s. Khi chiếc xe trượt giảm tốc từ 1.017,1 km/h xuống 0 km/h trong 1,4 giây, trọng lực mà Stapp phải chịu lên đến 46,2 g’s. Stapp ngay lập tức được đưa đến bệnh viện với đôi mắt bị xung huyết, tuy nhiên anh không có thêm chấn thương nào nghiêm trọng. Bài kiểm tra xe trượt trên đã giúp quân đội thiết kế ghế phóng an toàn hơn cho các phi công trong trường hợp thoát khỏi máy bay ở tốc độ cao.
|
|
Thrust 2 (1.047,5 km/h)
Chiếc Thrust 2 giữ kỷ lục phương tiện có tốc độ cao nhất trên mặt đất từ năm 1982 đến năm 1997. Thrust 2 được trang bị động cơ phản lực Rolls-Royce Avon và thiết lập kỷ lục tốc độ ở mức 1.047,5 km/h. Người lái chiếc xe là Richard Noble chưa hài lòng với kết quả đó và bắt tay vào việc chế tạo chiếc ThrustSSC.
|
|
ThrustSSC (1.240,8 km/h)
Vào năm 1997, ThrustSSC trở thành chiếc xe đầu tiên phá vỡ bức tường âm thanh (1.224,7 km/h) với tốc độ 1.240,8 km/h. Động cơ được sử dụng trên chiếc ThrustSSC là động cơ phản lực Rolls-Royce Spey công suất 110.000 mã lực, gấp 91 lần công suất động cơ của chiếc xe sản xuất nhanh nhất vào thời điểm đó. Với khối động cơ đó, ThrustSSC dễ dàng tăng tốc từ 0 lên 965 km/h trong vòng 16 giây. Bánh xe của ThrustSSC cũng được các kỹ sư thiết kế riêng với bộ mâm bằng hợp kim nhôm có tốc độ quay 9.500 vòng/phút. Hiện nay, một chiếc xe phản lực khác có tên Bloodhound SSC đang được chế tạo với mục tiêu đạt tốc độ tối đa lên đến 1.609 km/h.
|
|
Rocket Sled (10.412,8 km/h)
Năm 2003, chiếc xe trượt hỏa tiễn không người lái này đã soán ngôi chiếc ThrustSSC để trở thành phương tiện nhanh nhất trên mặt đất. Trên đoạn đường ray dài 4,8 km, Rocket Sled đã đạt đến tốc độ Mach 8,5, tương đương với 10.412,8 km/h. Có được tốc độ khủng khiếp đó là nhờ vào một hỏa tiễn với 4 giai đoạn đốt cháy. Mục đích của cuộc thử nghiệm tốc độ này không chỉ đơn giản để phá vỡ kỷ lục mà để giả lập quá trình đánh chặn tên lửa.
|
Trên không
|
SR-71 Blackbird (3.675 km/h)
Chiếc SR-71 Blackbird có thể duy trì ở tốc độ Mach 3 (3.675 km/h) với quãng đường bay hơn 4.828 km. Với tốc độ đó, nó có thể bay ngang qua lục địa Bắc Mỹ trong vòng 90 phút. Chiếc Blackbird là một chiếc máy bay do thám xuất sắc, tuy nhiên do chi phí duy trì và vận hành đắt đỏ nên dự án phát triển SR-71 đã bị ngừng lại, thay vào đó là các công nghệ mới giúp cho việc do thám và trinh sát trở nên dễ dàng hơn.
|
|
North American X-15 (7.274,2 km/h)
Vào năm 1967, khi được thả xuống từ chiếc B-52 ở độ cao 12 km, chiếc máy bay North American X-15 được trang bị động cơ tên lửa đã đi được 108 km ở tốc độ 7.274,2 km/h. NA X-15 đã trở thành chiếc máy bay đầu tiên ở tốc độ siêu thanh (cao hơn Mach 5). Các dữ liệu sau chuyến bay giúp các nhà khoa học thiết kế các phương tiện bay ở tốc độ siêu thanh trong tương lai như tàu con thoi.
|
|
NASA X-43 (11.270,4 km/h)
Chiếc máy bay động cơ tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Sau khi được đưa lên độ cao 30 km bằng tên lửa đẩy, X43 tự động tách rời và động cơ tên lửa của nó được kích hoạt. Chỉ sau 10 giây chiếc máy bay không người lái này đạt đến tốc độ Mach 9,2 tương đương với 11.270,4 km/h.
|
Trong vũ trụ
|
Apollo 10 (39.937,5 km/h)
Những nhà du hành vũ trụ bên trong tàu vũ trụ Apollo 10 hiện vẫn giữ danh hiệu những con người di chuyển nhanh nhất thế giới. Sau chuyến bay thử nghiệm vòng quanh mặt trăng, mô-đun chỉ huy của Apollo 10 trở lại bầu khí quyển trái đất với tốc độ 39.937,5 km/h, nhanh hơn bất cứ phương tiện có người lái nào chúng ta từng biết. Toàn bộ chuyến hành trình của Apollo 10 chỉ kéo dài vỏn vẹn 54 tiếng đồng hồ.
|
|
Tàu thám hiểm Galileo (172.200 km/h)
Tính đến năm 2003, nhiệm vụ thăm dò Sao Mộc và các mặt trăng của hành tinh này được thực hiện bởi vệ tinh thăm dò Galileo đã kéo dài được vài năm. Đến lúc đó, nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch của Galileo đã cạn, thay vì để nó đâm vào mặt trăng Europa của Sao Mộc, các chuyên gia vũ trụ của Mỹ đã điều khiển Galileo đi về phía Sao Mộc. Với lực hút cao gấp 2,5 lần Trái Đất, Galileo lao vào bầu khí quyển Sao Mộc với tốc độ 172.200 km/h. Bất kỳ phương tiện nào có khả năng di chuyển ở vận tốc đó đều có thể đi từ Trái Đất lên Mặt Trăng trong vòng 2,2 tiếng đồng hồ.
|
|
Vệ tinh Helios 2 (247.388,36 km/h)
Bất cứ vật thể nào muốn thoát khỏi lực hút trái đất đều phải di chuyển ở vận tốc 40.233,6 km/h. Theo đó, vệ tinh chính là vật thể nhanh nhất mà con người từng chế tạo. Vào năm 1976, vệ tinh Helios 2 trở thành vật thể nhanh nhất từng được chế tạo với tốc độ di chuyển nhanh gấp hai lần tốc độ trái đất di chuyển quanh mặt trời. Vận tốc tối đa mà Helios 2 đạt được là 247.517,1 km/h.
|
Theo Autopro/Tri Thức Trẻ
tốc độ
máy bay
tên lửa