TS.BS dinh dưỡng Hồ Thu Mai, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, có nhiều năm kinh nghiệm tham gia tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn, triển khai các hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở, tư vấn:
Bác sĩ Hồ Thu Mai - Ảnh: NVCC. |
Trứng vịt lộn giúp tăng cân?
Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân nhưng bổ dưỡng ở Việt Nam. Một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gram protein; 12,4 gram lipid; 82 mg canxi; 212 gram photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều trứng vịt lộn với mục đích tăng cân mà không ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng khác và khẩu phần thiếu cân đối thì việc tăng cân là khó thực hiện.
Trẻ em ăn nhiều gây vàng da, bong tróc biểu bì
Theo tôi, trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của các bé còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, rất có hại cho sức khỏe. Trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ (1/2 trứng vịt lộn tương đương 4-5 trứng cút lộn).
Ngoài ra, ăn trứng lộn thường xuyên khiến lượng vitamin A dư thừa. Vitamin A được hòa tan trong dầu mỡ nên khi dư thừa, chúng tích lũy dưới da, gan làm vàng da, bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương làm cho trẻ phát triển không toàn diện.
Ăn như thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, tránh ăn vào buổi tối vì hàm lượng dinh dưỡng trong đó cao, do vậy, là món ăn khó tiêu. Nếu bạn ăn trứng vào buổi tối, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được.
Vì là món ăn rất bổ, giàu dinh dưỡng nên việc ăn trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Mỗi người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 trứng vịt lộn mỗi tuần.
Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút... nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn, tránh tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Phụ nữ có thai ăn trứng vịt lộn không nên dùng với rau răm vì dễ gây chảy máu, sảy thai.
Khi ăn trứng vịt lộn thường kèm với rau răm và gừng. Bởi theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Rau răm còn có tác dụng làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, tránh lạnh bụng, say nắng… Do vậy, điều mà ai cũng thấy đó chính là rau răm sẽ giúp cho người ăn trứng vịt/cút lộn không bị lạnh bụng, đầy hơi, tránh được các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, ăn kèm rau răm với trứng vịt/cút lộn có khả năng giảm bớt ham muốn tình dục, đem tới sự cân bằng âm dương cho cơ thể.
Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hoá, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục… dùng ăn để kích thích tiêu hoá, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi đau bụng, kém ăn, co gân (chuột rút), tiêu chảy.
Trứng vịt lộn là chư vị, có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, sáng mắt, giúp cơ thể mau tăng trưởng. Do vậy, ăn trứng vịt lộn với rau răm và gừng là một sự kết hợp tài tình trong dân gian và được coi như là vị thuốc dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý...