Cúm là bệnh hô hấp do virus gây ra, thường xảy ra vào những tháng lạnh nhất trong năm. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi bị nhiễm bệnh. Phần lớn người bị ảnh hưởng sẽ phục hồi trong vòng 1-2 tuần mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có các yếu tố nguy cơ có thể bị biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, nhiều người vẫn có các quan niệm sai lầm về cách ngăn ngừa và chữa bệnh cúm khiến tình trạng càng trầm trọng hơn.
Quan niệm 1: Người khỏe mạnh không cần tiêm phòng cúm
Sự thật: Theo Harvard Health Publishing, mặc dù việc tiêm phòng cúm đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh mạn tính, nhưng bất kỳ ai - ngay cả người khỏe mạnh - cũng có thể được hưởng lợi từ vaccine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho mọi người trên 6 tháng tuổi, kể cả phụ nữ mang thai.
Bạn có thể khỏi bệnh nhanh hơn nếu có cơ thể khỏe mạnh nhưng điều này không nhất thiết ngăn bạn bị nhiễm hoặc làm lây lan virus cúm. Những người khỏe mạnh có thể truyền virus cho những người đặc biệt nhạy cảm, bao gồm trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người khỏe mạnh. Ảnh: Psoriasis. |
Quan niệm 2: Không thể tiêm phòng cúm và vaccine Covid-19 cùng lúc
Sự thật: Các loại virus là khác nhau, và vaccine được sử dụng để ngăn ngừa chúng cũng vậy. Không có tương tác giữa vaccine Covid-19 và cúm, cả hai đều được CDC khuyến nghị tiêm phòng để giúp duy trì sức khỏe tối ưu.
Ngoài ra, nếu bạn không muốn phải đi tới bệnh viện nhiều và hạn chế lây nhiễm virus, bạn có thể tiêm phòng cúm và vaccine Covid-19 cùng lúc.
Quan niệm 3: Cúm chỉ là cơn cảm lạnh tồi tệ
Sự thật: Nhiều người thường nhầm lẫn giữa bệnh cúm với cảm lạnh. Cả hai đều có các triệu chứng tương tự và thường được điều trị bằng phương pháp giống nhau.
Tuy nhiên, cảm lạnh thường nhẹ. Các triệu chứng phổ biến của cảm lạnh là sổ mũi, đau họng hoặc ho trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, cảm cúm thường xảy ra đột ngột và kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Bệnh cúm cũng dễ lây lan và có thể nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng hơn, bao gồm cả sốt cao, ho, đau đầu, đau người và ngạt mũi. Điều này là do virus gây bệnh cúm tấn công cơ thể bệnh nhân bằng cách xâm nhập qua đường hô hấp trên và/hoặc đường hô hấp dưới. Khi bị nặng, người bệnh có thể phải nhập viện, thậm chí tử vong.
Một số trường hợp có nguy cơ mắc cúm diễn tiến nặng, bao gồm:
- Những người mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh phổi mạn tính.
- Phụ nữ mang thai.
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
- Người từ 65 tuổi trở lên.
Ngay cả đối với người không thuộc những nhóm này, các triệu chứng cúm có thể làm gián đoạn công việc, học tập, sinh hoạt trong vài tuần hoặc hơn.
Quan niệm 4: Bạn không cần tiêm phòng cúm hàng năm
Sự thật: Theo CDC, virus cúm thay đổi, có thể đột biến mỗi năm. Do đó, vaccine cúm cũng thay đổi theo. Vaccine cúm chỉ có hiệu quả trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn một chút.
Thêm vào đó, phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vaccine cúm suy giảm theo thời gian. Vì vậy, việc chủng ngừa hàng năm là điều quan trọng để đảm bảo bạn có khả năng miễn dịch đối với các chủng virus dễ gây bùng phát nhất.
Virus cúm biến đổi mỗi năm, vì vậy, bạn cần tiêm phòng hàng năm. Ảnh: Gov. |
Quan niệm 5: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên tiêm vaccine phòng cúm
Sự thật: Theo CDC, mang thai hoặc đang cho con bú không phải là lý do để không tiêm phòng cúm.
Trên thực tế, bà bầu có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do cúm cao hơn những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khác. Mặc dù vaccine cúm có 2 dạng, phụ nữ mang thai chỉ nên tiêm qua đường tiêm, không được xịt qua đường mũi.
Chia sẻ với Business Insider, Robert Jacobson, Giáo sư nhi khoa tại Mayo Clinic (Mỹ), cho biết tiêm phòng cúm khi đang mang thai còn bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm trong nhiều tháng sau khi sinh. Điều này đặc biệt quan trọng vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng không thể tiêm phòng cúm và có nhiều khả năng bị các biến chứng nghiêm trọng do căn bệnh này.
Vì vậy, phụ nữ mang thai nên được chủng ngừa - vào bất kỳ thời điểm nào khi mang thai - để bảo vệ bản thân và thai nhi trong những tháng đầu đời. Nếu một phụ nữ không được chủng ngừa khi đang mang thai, thì cô ấy nên chủng ngừa bệnh cúm sau khi sinh.
Quan niệm 7: Thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi cúm
Sự thật: Nhiều người cho rằng nếu bị sốt cao kèm theo bệnh cúm kéo dài hơn 1-2 ngày, có thể cần dùng đến thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thực tế thuốc kháng sinh hoạt động tốt chống lại vi khuẩn, nhưng không hiệu quả với bệnh nhiễm trùng do virus như cúm.
Thậm chí, khi thuốc kháng sinh không được sử dụng đúng cách, chúng có thể gây ra các phản ứng có hại và tạo ra sự kháng thuốc của vi khuẩn.