Trên cương vị đệ nhất phu nhân, bạn đời của tổng thống Mỹ nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trên chính trường: Tham dự các nghi lễ chính thức, tổ chức hoạt động xã hội, trở thành hình mẫu cho phái nữ... Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, họ buộc phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt, thậm chí có phần kỳ lạ. Ảnh: Cosmopolitan. |
Dù phải bỏ ngỏ sự nghiệp riêng và đảm nhận nhiều trọng trách quốc gia, các đệ nhất phu nhân không được trả lương. Bà Michelle Obama đã từ chối mức lương 212.000 USD/năm với tư cách giám đốc bệnh viện, hay bà Hillary Clinton phải gác lại công việc tại văn phòng luật để chuyển vào Nhà Trắng phò tá chồng. Tuy nhiên, họ sẽ được chính phủ hỗ trợ một khoản ngân sách phục vụ cho chi phí thuê nhà, đi lại hay công du nước ngoài. Ảnh: AP. |
Phần lớn trang phục của các đệ nhất phu nhân đều do họ tự chi trả, số khác được các nhà thiết kế thời trang gửi tặng trong một vài sự kiện trọng đại. Song, họ chỉ là người đại diện cho chính phủ tiếp nhận những món quà này, sau đó trao trả cho Cục Lưu trữ Quốc gia bảo quản. Ảnh: AP. |
Bạn đời của tổng thống Mỹ không được phép nhận quà tặng của chính phủ nước ngoài. Tất cả vật phẩm mang tính chất ngoại giao đều do Cục Lưu trữ Quốc gia cất giữ. Tổng thống và đệ nhất phu nhân phải mua lại những món quà đó nếu muốn sở hữu chúng. Thế nhưng, họ có thể sở hữu quà tặng nội địa mà không cần trả tiền. Những vật phẩm này sẽ phải trải qua nhiều bước kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn trước khi đến tay các đệ nhất phu nhân. Ảnh: Getty. |
Tương tự tổng thống Mỹ và các thành viên trong gia đình, đệ nhất phu nhân cũng được hưởng chế độ bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Vì vậy, họ sẽ sở hữu một mật danh để tăng cường an ninh và bảo vệ hành tung cá nhân. Bà Michelle Obama, phu nhân cựu Tổng thống Obama, có tên là Renaissance và bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân đương nhiệm, được gọi là Muse. Ảnh: Getty. |
Xuất phát từ sự an toàn, các thành viên gia đình tổng thống không được phép tự ý mở cửa sổ trong nhà hay cửa kính ôtô. Bà Michelle Obama từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với Ellen DeGeneres: "Tôi nhớ những ngày hạ kính xe xuống để tận hưởng làn gió mát rượi. Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối tôi được làm điều đó. Đây sẽ là việc đầu tiên tôi làm ngay khi rời khỏi Nhà Trắng". Ảnh: AP. |
Đặc biệt, các nữ chủ nhân Nhà Trắng luôn gìn giữ truyền thống chọn chủ đề Giáng Sinh hàng năm. Không chỉ thể hiện tinh thần ngày lễ, việc làm này còn thể hiện khả năng tổ chức, sức sáng tạo và phong cách cá nhân của từng người. Năm 1961, phu nhân Jackie Kennedy, bạn đời Cố Tổng thống Kennedy, là người khởi xướng trào lưu này với chủ đề "Chú lính Kẹp Hạt Dẻ". Tiếp nối truyền thống, năm 1995, phu nhân Hillary Clinton trang trí cây thông Noel dựa trên câu chuyện "Đêm trước Giáng Sinh". Năm ngoái, Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã khiến Nhà Trắng bừng sáng với chủ đề "Tinh thần nước Mỹ". Ảnh: Getty. |
Là nhân vật chịu trách nhiệm chính về mặt giao tế xã hội của Nhà Trắng, song chính phủ và người dân xứ cờ hoa lại không hy vọng các đệ nhất phu nhân can thiệp quá sâu về chính trị, điển hình là trường hợp của bà Hillary Clinton. Dù có những sáng kiến tích cực và hoạt động năng nổ trên chính trường, cựu đệ nhất phu nhân thứ 42 của nước Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Trong thời gian tại vị, bà nhận về nhiều lời chỉ trích vì "lấn át chồng" và "quá cứng rắn". Ảnh: Getty. |
Thế nhưng, chính phủ và người dân Mỹ lại kỳ vọng các đệ nhất phu nhân tài trợ và công khai ủng hộ cho những chiến dịch phi đảng phái nhằm cải thiện đời sống xã hội. Hoạt động này gần như trở thành truyền thống của các nữ chủ nhân Nhà Trắng suốt hàng trăm năm qua. Bà Todd Lincoln đứng lên bảo vệ quyền lợi cho nô lệ da màu và thương binh; bà Michelle Obama tổ chức chiến dịch "Let's Move!" nhằm cổ vũ trẻ em hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và bà Melania Trump cũng tuyên bố ủng hộ việc giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội đúng cách qua tổ chức "Be Best". Ảnh: Reuters. |