Lãng phí thời gian của học sinh
Theo Huffingtonpost, trên thực tế, nhiều học sinh, sinh viên đang mắc kẹt ở trường với lịch học dày đặc. Giáo viên nhầm tưởng rằng, họ sắp xếp thời gian của học sinh như thế nào không quan trọng vì dù sao, các em cũng chưa biết cách quản lý thời gian.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Thời gian của mọi người đều quý giá như nhau. Vì thế, thầy cô đừng phí phạm chúng hay buộc học sinh lãng phí thời gian vào những việc không giúp ích gì cho các em.
Bỏ qua những người học kém
Giáo viên thường chú trọng những học sinh năng động, học tập tốt hoặc cán bộ lớp và bỏ qua những bạn học yếu kém. Tuy nhiên, họ quên mất rằng, điều tồi tệ nhất đối với học sinh là các em trở thành "người vô hình" trong mắt thầy cô, bạn bè.
Đương nhiên, giáo viên không bắt buộc phải tương tác thường xuyên với tất cả học sinh trong lớp. Nhưng ít nhất, họ phải để các em cảm nhận được sự quan tâm từ thầy cô.
Yêu cầu quá nhiều và quá gấp
Sự ganh đua không chỉ tồn tại giữa các học sinh. Giáo viên vẫn thường nhìn vào thành tích từ lớp của đồng nghiệp để phấn đấu. Tuy nhiên, đây cũng là cơn ác mộng đối với học sinh khi giáo viên liên tục tạo áp lực, buộc các em phải học tập nhiều, tiến bộ nhanh để vượt qua học sinh lớp khác.
Thay vào đó, thầy cô nên tập trung cho lớp mình, động viên học sinh học tập vì chính tương lai các em. Thành tích của giáo viên cũng sẽ tự nhiên tăng lên.
Nhiều giáo viên bỏ qua các học sinh yếu trong lớp và chỉ quan tâm những em có học lực khá, giỏi. Ảnh minh họa: cyberseem |
Bỏ qua những nhu cầu xác đáng
Công việc của giáo viên tương đối bận rộn. Họ dễ dàng bỏ qua những nhu cầu xác đáng của học sinh vì chúng thường phát sinh tại thời điểm không thích hợp.
Tuy nhiên, là người chịu trách nhiệm dẫn dắt học sinh những bước đầu tiên trong đời, giáo viên nên cố gắng quan tâm đến nhu cầu của các em nhiều nhất có thể.
Đặt câu hỏi một cách đối phó
Đặt câu hỏi là một phần quan trọng trong quá trình giảng dạy. Thông qua đó, giáo viên có thể khám phá khả năng của học sinh và có cơ hội lắng nghe những gì các em muốn nói.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ đặt câu hỏi một cách đối phó và không quan tâm đến câu trả lời. Thực tế, những người làm nghề giáo thường có tâm lý bỏ qua những câu nói không đầu không cuối, không mang ý nghĩa rõ ràng.
Nhiều giáo viên đặt câu hỏi nhưng không quan tâm câu trả lời của học sinh. Ảnh minh họa: 14gaam.com |
Trong khi đó, chúng ta không thể trông đợi quá nhiều vào việc một đứa trẻ 6 tuổi biết cách diễn đạt rõ ràng suy nghĩ của bản thân. Các em thường nói theo cách mà người lớn vẫn coi là lộn xộn, phi tuyến tính. Việc giáo viên bỏ qua câu trả lời của học sinh sẽ khiến các em hình thành suy nghĩ ở bậc học cao hơn rằng, chúng không cần phải bày tỏ những gì đang nghĩ vì dù sao, không ai quan tâm đến nó.
Vì thế, giáo viên nên đặt câu hỏi phù hợp, xuất phát từ mục đích muốn nhận câu trả lời từ học sinh.
Đề cao cái tôi
Nhiều người tưởng chừng đây là điều nhỏ nhặt nhưng thực ra, nó tạo cho học sinh cảm giác bức bối mỗi khi đến trường. Giáo viên mắc sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ hoặc nói rằng: "Tôi là giáo viên, tôi có quyền chỉ đạo các em. Các em chỉ cần im lặng, tôn trọng và làm theo những gì tôi nói".
Cách suy nghĩ này hiếm khi mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt khi thầy cô áp dụng nó trong thời gian dài.
Không để học sinh phát huy
Năng động, nhiệt tình, sôi nổi là ưu điểm của giáo viên. Tuy nhiên, thầy cô nhiệt tình quá cũng khiến học sinh không thở nổi. Vì vậy, giáo viên nên dành lại không gian để học sinh phát huy hay thư giãn trong lớp học.
Đánh giá sai
Học sinh nhiều khi làm tổn thương bạn bè bằng những lời trêu chọc vô tâm. Bạn học béo không có nghĩa là các em có quyền gọi bạn ấy là "Mập ú". Đây không chỉ là lời khuyên đối với học sinh mà giáo viên cũng cần lưu ý điều này. Thầy cô nên đối xử tốt và rộng lượng hơn với học trò dù các em thậm chí đã bỏ mặc bản thân vì tự ti.
Giả khiêm tốn
Một số giáo viên thường không coi bản thân là người giảng dạy mà thích đóng vai trò học sinh thông minh nhất lớp. Điều này tạo cho họ cảm giác thần bí.
Họ tỏ ra khiêm tốn và không bộc lộ trực tiếp những ưu điểm của bản thân nhưng lại cố gắng tìm cách để học sinh phát hiện rằng họ rất tốt đẹp. Thực tế, học sinh sẽ có thiện cảm hơn với những điểm tốt của giáo viên khi các em tự phát hiện ra nó, theo Huffington Post.