Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những tai nạn nghề nghiệp của các bạn trẻ diễn xiếc

Trên sân khấu rực rỡ sắc màu, khán giả được thưởng thức những màn trình diễn mạo hiểm như đu bay, chèn đầu, thổi lửa.. nhưng để có được điều đó, các diễn viên xiếc đã gặp muôn kiểu tai nạn.

Những tai nạn nghề nghiệp của các bạn trẻ diễn xiếc

Trên sân khấu rực rỡ sắc màu, khán giả được thưởng thức những màn trình diễn mạo hiểm như đu bay, chèn đầu, thổi lửa.. nhưng để có được điều đó, các diễn viên xiếc đã gặp muôn kiểu tai nạn.

 Muôn kiểu tai nạn nghề nghiệp

Những động tác nhào lộn, đu dây trên cao, hoặc quay tròn nhiều vòng trên không trung vốn rất nguy hiểm. Vì vậy xiếc luôn là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo bởi chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ trong quá trình luyện tập hay biểu diễn sẽ khiến người diễn viên có thể gặp rủi ro, tai nạn bất cứ lúc nào.

Để có thể biểu diễn cho khán giả thưởng thức những tiết mục đầy thú vị, đặc sắc thì người diễn viên phải có thể lực tốt cộng với sự tập luyện trong suốt nhiều năm ròng. Và đương nhiên, việc gặp chấn thương trong khi luyện tập hoặc biểu diễn xảy ra hết sức thường xuyên.

 Tiết mục đu bay của Lan Hương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Nguyễn Lan Hương - diễn viên thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ: “Mình tham gia vào lĩnh vực này khá lâu nên từ khi bước chân vào nghề đến nay cũng gặp rất nhiều chấn thương khi tập luyện và biểu diễn. Lần gặp tai nạn gần đây nhất là năm 2009, khi đó mình đang tập tiết mục “đu dây trên không”. Tiết mục này không có lưới và dây bảo vệ vì sẽ ảnh hưởng đến kỹ thuật, chỉ có khóa an toàn ở chân.

Trong lúc đang đu dây thì bất ngờ bị đứt khóa an toàn, vậy là ngã cắm đầu xuống đất. Khi bị ngã xuống, mình chỉ kịp lấy tay che mặt. Kết quả là mình bị gãy tay, gãy mất 2 răng cửa và bị bất tỉnh. Cuối cùng mình phải nghỉ ở nhà 3 tháng để hồi phục lại sức khỏe. Sau khi nghỉ 3 tháng thì mình quyết định quay trở lại với nghề nhưng do tay bị gãy, phải đóng đinh vào xương nên mình chỉ tập được vài động tác nhẹ do tay vẫn còn rất đau. Lúc mình bị tai nạn, gia đình đã phản đối kịch liệt không cho theo nghề nữa, bố mẹ cũng khuyên nên chuyển sang làm nghề khác đỡ nguy hiểm hơn nhưng mình vẫn quyết tâm bám trụ với nghề vì đây là niềm đam mê của chính bản thân”.

 Mang đến sự hứng khởi cho khán giả, các diễn viên xiếc đánh đổi bằng sự mạo hiểm.

Tuy không bị những chấn thương nặng như vậy, nhưng các bạn sinh viên trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng gặp khá nhiều rủi ro khi luyện tập.

Nguyễn Hồng Ánh - năm 3 trường TCNT Xiếc và Tạp kỹ cho rằng: “Hầu hết những ai theo học môn nghệ thuật này đều phải chấp nhận rủi ro gặp chấn thương. Mình đang tập tiết mục dây căng cao, vì mới học nên ban đầu dây được căng khá thấp để cho học sinh có thể dễ dàng tập luyện đồng thời tránh khỏi những chấn thương, sau đó dây sẽ được căng cao hơn để tăng độ khó. Mỗi một tiết mục như vậy, trung bình bọn mình mất hơn nửa năm để có thể nhuần nhuyễn bài diễn đó. Và trong quá trình như vậy, bản thân mình đã phải ngã rất nhiều để đạt được kết quả như mong muốn. Hai tháng trước, khi mình đang tập đi trên dây thì bất ngờ bị ngã, tuy dây được căng không cao lắm nhưng mình cũng bị sái chân trái, vậy là đành phải nghỉ tập vài hôm”.

Trần Thu Nga - năm thứ 4 trường TCNT Xiếc và Tạp kỹ hiện đang tập tiết mục Patin và hình tượng đôi cho biết: “Trong tiết mục này, mình sẽ trượt patin xong quay người tạo hình hoặc mình làm động tác uốn dẻo. Có thể biểu diễn một mình hoặc với nhóm từ 2 đến 4 người. Với tiết mục này thì việc tạo hình tượng bọn mình chỉ mất 1 tháng để hoàn thiện, nhưng trượt patin thì lâu hơn rất nhiều. Ban đầu lúc mới tập thì sẽ đeo dây bảo vệ, còn về sau khi đã tháo dây ra để cho quen thì mình rất hay bị ngã. Đối với mình và các bạn diễn, chuyện bị đau cơ bắp hoặc bị ngã thì nhiều lắm, không thể nhớ hết được. Mình nhớ nhất là khi mới tháo dây bảo vệ, do chưa quen với việc vừa trượt vừa tạo hình nên hôm đấy mình bị ngã khá nhiều, cuối cùng là bị bong gân và đau ê ẩm khắp người”.

Chỉ cần được sống với niềm đam mê

Nghệ sĩ xiếc vốn là những người làm được những điều mà người bình thường không thể làm. Do vậy, họ phải luôn “khổ luyện” để ngày càng đem lại nhiều tiết mục đặc sắc hơn cho khán giả. Nhưng bao công sức khổ luyện đều tan biến khi người diễn viên gặp phải tai nạn khiến cho họ phải giã từ sân khấu.

 Với những người theo xiếc, thì điều lớn nhất khiến họ gắn bó với nghề là đam mê.
Tiết mục Chèn đầu.

Dương Văn Tạo - Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Hồi trước mình thường xuyên biểu diễn tiết mục Đu bay - một màn trình diễn được đánh giá là khó nên bao giờ cũng phải có lưới bảo vệ phía dưới. Khi đang biểu diễn tiết mục thì do sơ ý mình bị ngã từ trên cao xuống, tuy phía dưới đã có lưới bảo vệ nhưng vì ngã không đúng cách nên mình đã gặp phải chấn thương rất nặng. Do đó mọi người trong đoàn phải khiêng mình vào bên trong và đưa đi cấp cứu. Cuối cùng mình bị gãy ngón tay, gãy đốt sống cổ, từ đó mình phải giã từ sân khấu và chuyển sang công tác đào tạo”.

Trần Ngọc Dũng - diễn viên Liên Đoàn Xiếc Việt Nam nói về sự cố khiến bản thân không thể tiếp tục biểu diễn tiết mục cá nhân: "Trước đây mình biểu diễn tiết mục Đứng tay. Với tiết mục này, mình sẽ có đạo cụ là cái bàn tròn, trên đấy có 2 cái cột để mình có thể trồng cây chuối trên đó. Khi đã chống cả 2 tay lên thì mình biểu diễn bằng cách lần lượt đổi thành chống 1 tay, còn phần hông và chân thì uốn dẻo hoặc xoay ngang. Cách đây 2 năm, mình bị ngã khi đang luyện tập và bác sĩ chuẩn đoán mình bị gai khớp gối, giãn dây chằng đầu gối bên phải. Do lúc bị ngã thì phía má trong chân phải của mình đập ngang xuống mặt đất làm cho đầu gối bị lệch khớp, từ đó đến nay coi như mình bị hỏng chân phải.

Trong tiết mục Đứng tay của mình, có động tác chồng đầu lên đạo cụ. Đây là động tác mình tì đầu vào đạo cụ rồi chồng cây chuối kết hợp với thả hết tay ra, dùng đầu để giữ thăng bằng. Do tập luyện cũng như biểu diễn nhiều quá nên đầu bị ảnh hưởng khá nhiều. Vì phải thường xuyên chồng đầu nên dây thần kinh bị chèn, cộng thêm sức ép nên mình bị thoái hóa 2 đốt sống cổ.

Mình còn bị viêm khớp vai bên phải do trong quá trình luyện tập, bị đau bên vai nhưng mình vẫn cố làm nên dần dần dẫn đến bệnh viêm khớp vai. Hiện tại, mình vẫn đang theo đuổi nghề xiếc nhưng hơi buồn vì không thể tiếp tục bài biểu diễn cá nhân. Bởi những chấn thương là quá lớn. Bây giờ ngay cả nhảy từ chiếc bàn diễn xuống mặt đất cũng không được, vì như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chân bên phải. Do vậy mình chuyển sang diễn thăng bằng cho nhóm Làng Tôi. Tuy các động tác dễ hơn, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn nhưng miễn sao vẫn được hoạt động trong nghề là mình thấy vui rồi”.

 Tiết mục Đứng tay của Trần Ngọc Dũng.

Với sự mạo hiểm như vậy, nghề xiếc thực sự dành cho những người can đảm. Có chứng kiến tận mắt một buổi tập thì mới thấy sự gan dạ của các bạn nữ. Với tiết mục dây căng cao, 2 bạn nữ phải đứng chồng lên nhau trên đôi vai của một bạn nam đang đạp xe một bánh. Bạn nam sẽ phải đi lại trên sợi dây, tất cả mọi người đều cầm trên tay một cái sào để giữ thăng bằng. Phía dưới không hề có lưới bảo vệ, chỉ cần một sơ xẩy nhỏ cũng khiến cả ba người gặp tai nạn nghiêm trọng nên khi luyện tập cũng như biểu diễn các bạn đều phải hết sức cẩn trọng.

Đối với các bạn nữ khi tham gia lĩnh vực này, hầu hết đều gặp phải nhiều vấn đề hơn là các bạn nam. Đặc thù của nghề là luôn đi diễn về muộn, thậm chí thường xuyên diễn đến tận 12h đêm mới về đến nhà. Với lịch tập ban ngày ở trường, buổi tối đi diễn, gặp chấn thương khi tập khiến không ít các bạn nữ gặp khó khăn trong chuyện tình cảm.

 Để có một tiết mục xiếc, các diễn viên phải tập luyện rất căng thẳng.

Vũ Minh Châu - cô gái mới tốt nghiệp trường TCNT Xiếc và Tạp kỹ là một ví dụ. Hiện Châu biểu diễn tiết mục Cô hàng giải khát. Với tiết mục này, Châu sẽ đứng trên 5 tấm gỗ nhỏ, phía dưới những tấm gỗ là đạo cụ hình chai nước giải khát và tất cả được đặt trên một cái bàn.

Nhiệm vụ của Châu là vừa giữ thăng bằng vừa tung hứng, tuy nhiên để làm được điều này thì không ít lần cô bạn gặp chấn thương, mỗi lần cô bị sái tay hay bị đau khớp thì người yêu đều khuyên cô nên bỏ nghề vì tính chất công việc nguy hiểm. Nhưng cô gái trẻ vẫn quyết định sẽ theo nghề đến cùng.

  Tùng Trần

Theo Infonet

  Tùng Trần

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm