Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thanh niên giã từ thời hư hỏng

“Nếu không đi giáo dục ở Cồn Cát hai năm chắc là giờ này em vẫn là thằng Mỹ xóm chùa, ai nghe cũng ghét, trừ cánh đàn em giang hồ", Mỹ nói về bản thân.

22 thanh niên ở các tỉnh ĐBSCL được chọn là những gương mặt hoàn lương tiêu biểu. Họ đã có dịp trở về Cơ sở giáo dục Cồn Cát (Sóc Trăng) giao lưu với các trại viên, kể về câu chuyện cuộc đời mình.

Trán toát mồ hôi, mặt đỏ ửng, Phạm Văn Mỹ phấn khích bước lên khán đài. Anh không ngờ cuộc đời hư hỏng tưởng chừng vứt đi của mình lại có ngày hôm nay. Cũng như nhiều trại viên khác ở Cơ sở giáo dục Cồn Cát (Bộ Công an, đóng tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), Phạm Văn Mỹ được ghi nhận là thanh niên hoàn lương, tiến bộ. Hôm đó (ngày 10-10), Bộ Công an, Cơ sở giáo dục Cồn Cát và Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức biểu dương 22 thanh niên hoàn lương, tiến bộ. Họ được nhận giấy khen, phần thưởng về thành tích đã rời bỏ con đường hư hỏng.

Phạm Văn Mỹ (giữa) và Võ Hùng Thiên (bìa trái) tại buổi giao lưu ngày 10/10 ở Cồn Cát, Sóc Trăng.

Quay đầu là bờ

Anh Mỹ (ở phường 8, TP Sóc Trăng) bẽn lẽn kể về bản thân. Sau khi rời Cồn Cát cách đây hai năm, anh đã tập trung giúp mẹ mình bán hột vịt lộn. Sự trẻ trung, nhiệt huyết của anh đã giúp việc mua bán của mẹ ngày càng mở rộng. Và một năm qua, anh không còn thời gian rảnh rỗi, anh quay như cái chong chóng với các công việc chở hột vịt, dưa muối các loại đi giao cho các tiểu thương ở nhiều huyện trong tỉnh.

Giọng đầy phấn khích, anh kể: “Tôi không còn thời gian để hư hỏng nữa. Tôi muốn chia sẻ với các bạn trại viên ở đây, hãy cố gắng cải tạo, không vi phạm thì sẽ được giảm thời gian chấp hành quyết định hành chính. Tôi khuyên các bạn khi ra trại, hãy lao vào công việc ngay. Rồi các bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc. Bây giờ tôi đã quyết tâm làm người hữu ích của gia đình mình, không ham làm người hùng của đám nhóc ở xóm Chùa nữa”. Mọi người cười rần trước cách nói chuyện vui tươi, dí dỏm của anh chàng hoàn lương bán hột vịt lộn này.

Còn Võ Hùng Thiên, 37 tuổi, giờ là một nông dân chân chất ở quê anh xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, mặt đã nám, tay đã chai, nụ cười hiền hậu. Nếu không được giới thiệu, không ai tin được anh từng có một quá khứ gây kinh hoàng tại quê Lịch Hội Thượng.

Anh chia sẻ với mọi người: “Tôi vừa mua thêm mấy công đất, cộng chung với số ruộng cũ được sáu công rồi. Tôi trồng lúa, trồng hoa màu. Đời sống bây giờ ổn quá trời”. Anh Thiên bỗng cất cao giọng, nói lớn: “Tôi xin nói riêng với các bạn trại viên vẫn còn đang cải tạo tại đây (Cơ sở giáo dục Cồn Cát - PV). Người ta vẫn nói quay đầu là bờ. Rất đúng. Ngày đầu tiên sau khi ra trại, tôi làm đất trồng rau đến tối mịt, vợ tôi mừng muốn khóc. Rồi vợ tôi nói: “Em biết em không chọn nhầm người”. Nghe mà xấu hổ nhưng vui lắm các bạn. Khi mình đem niềm vui đến cho người thân, mình thấy mình thực sự là đàn ông”. Không có tiếng vỗ tay nào sau phát biểu này, thay vào đó là sự im lặng, đến nỗi nghe cả tiếng gió xạt xào ở vườn cau của Cồn Cát. Ở những dãy ghế sau cùng, vài thanh niên là trại viên nơi đây cúi mặt, giấu đi những giọt nước mắt.

Thời hư hỏng của Võ Hùng Thiên không được nhắc đến trong buổi lễ tuyên dương ấy. Sau này anh mới kể với chúng tôi. Đó là một quãng đời anh đã lao vào rượu chè, bê bối. Anh bất cần điều gì ngoài rượu, bia. Những cơn say đã đẩy anh vào chỗ quậy phá lung tung, chửi bới xóm làng, người thân… “Mình thật xấu hổ khi nhắc về quá khứ. Mình đã lãng phí hết tuổi thanh xuân” - anh tâm sự.

Con đường lương thiện

Tiết mục cuối cùng của buổi lễ là trao giấy khen và tiền thưởng. Từ dưới khán đài, vài trăm đôi mắt hân hoan, bám sát từng cử chỉ của những người được tuyên dương. Đó là một buổi lễ hiếm thấy, bởi những người vinh danh lại là những người có cách ăn mặc, tác phong rất tự do. Dấu vết một thời hư hỏng còn đó, trên cánh tay vẫn còn những đường xăm chằng chịt, những mái tóc cũn cỡn…

Khi được bắt tay với Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục VIII, Bộ Công an, các anh chàng hoàn lương mắt sáng rực. Nét hân hoan, hãnh diện hiện rõ trên từng nụ cười hạnh phúc.

Sau buổi lễ vài ngày, chúng tôi đi tìm những người hoàn lương. Chúng tôi muốn tìm hiểu một điều khó tin trên báo cáo của Tỉnh đoàn Sóc Trăng và Cơ sở giáo dục Cồn Cát. Theo đó, các đơn vị này đều báo cáo, trong hai năm qua, khi có sự phối hợp giáo dục pháp luật, tiếp sức cho những người hư hỏng hoàn lương thì tỉ lệ người hoàn lương thành công đến hơn 99%.

Phạm Văn Mỹ, anh chàng hoàn lương bán hột vịt lộn ở gần chùa La Hán, phường 8, TP Sóc Trăng nói với chúng tôi: “Nếu không đi giáo dục ở Cồn Cát hai năm, chắc là giờ này em vẫn là thằng Mỹ xóm chùa, ai nghe cũng ghét, trừ cánh đàn em giang hồ. Em luôn nhớ ơn các anh cán bộ ở Cồn Cát, nhất là anh quản giáo Trí”. Mỹ không biết quản giáo Trí có họ tên đầy đủ là gì nhưng anh nhớ rõ những gì anh Trí đã nói khiến anh dần dà hồi tâm, chuyển ý.

Mỹ bị đưa vào Cơ sở giáo dục Cồn Cát cùng cái lý lịch màu xám, tổ chức băng nhóm, phá xóm, phá chùa. Ban đầu, Mỹ ghét những cán bộ quản giáo, anh cho rằng họ đã tước đoạt tự do của mình, cái gì cũng bắt theo khuôn phép. Mỹ từng tự dặn lòng, gắng nhớ mặt các quản giáo để khi ra trại sẽ “xử”. Anh cũng không có thiện cảm gì với quản giáo Trí cho đến một ngày… Anh nhớ lại: “Sáng hôm đó, như thường lệ, chúng tôi thức dậy sớm và tập thể dục. Anh Trí đã nói với tôi vài câu khiến tôi nhớ đời. Anh ấy nói tôi là người giỏi đánh đấm và thông minh nhất đội. Nhưng sức mạnh chỉ có ý nghĩa và đáng quý khi nó được dùng vào việc gánh vác. Anh ấy ví sức mạnh của những đứa hư hỏng giống như một tảng đá rơi xuống từ trên cao, nó chỉ khiến mọi người hoảng sợ và bỏ chạy”.

Rồi được Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức cho đi học pháp luật, đi dự những phiên tòa lưu động đó đây… Mỹ dần nhìn ra một con đường mới, con đường mà anh đang đi bây giờ, con đường lương thiện. Anh đã cảm nhận được giá trị của những giọt mồ hôi, nụ cười rạng rỡ của người mẹ già và người vợ sắp cưới.

Mỹ chỉ nói vội vã với chúng tôi được bấy nhiêu. Hôm nay, anh tải hột vịt lộn và dưa bồn bồn bỏ mối dưới huyện Mỹ Xuyên.

Không chỉ giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, chúng ta còn phải có quan hệ thường xuyên với trại viên khi họ ra trại. Cần tận dụng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên tại địa phương để giúp trại viên việc làm, ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ họ bị lôi cuốn trở lại con đường cũ. Tiếng nói của những người hoàn lương rất có giá trị trong việc vận động, giáo dục những thanh niên chậm tiến, hư hỏng tại địa phương…

Thiếu tướng Hồ Thanh Đình

Theo Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm