Những thầy cô giáo 'tí hon'
Có chiều cao không quá 1,2 m, các thầy cô giáo này khiến học sinh và phụ huynh ban đầu hơi e ngại nhưng họ hoàn toàn tự tin với tình yêu và năng lực của mình.
Thầy giáo chỉ cao bằng... học sinh mầm non
Chiều cao không quá 1,2 m, thân hình chỉ tương đương với một học sinh mầm non nhưng thầy giáo Guo Xing, 40 tuổi đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề dạy học. Thầy là giáo viên tiểu học ở vùng nông thôn xa xôi của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Kể từ năm 3 tuổi, thầy Guo đã phải vật lộn với bệnh bại liệt. Việc đi lại vô cùng khó khăn và thầy luôn phải dùng đến đôi nạng được thiết kế đặc biệt. Thầy Guo vui đùa về cơ thể của mình “bên trên của tôi là hình chữ S nhưng bên dưới lại giống hình chữ X”.
Thầy Guo trong một buổi lên lớp. |
Tốt nghiệp 1 trường trung học cơ sở, không qua bậc đại học nhưng thầy Guo vẫn xin đi giảng dạy trong trường tiểu học của địa phương. Ban đầu các giáo viên, phụ huynh và học sinh rất “e ngại” vì thân hình bé nhỏ của thầy, thậm chí có người còn cười nhạo thầy. Các bậc phụ huynh đặt câu hỏi liệu người đàn ông khuyết tật ấy có khả năng giảng dạy hay không? Để chứng tỏ năng lực và sự tâm huyết của mình, thầy Guo sử dụng tất cả thời gian để chuẩn bị lên lớp.
Thầy học hỏi kinh nghiệm giảng dạy từ cha đẻ của mình - cũng là một giáo viên đã nghỉ hưu. Thầy tham gia giảng dạy các môn Toán, tiếng Anh, Âm nhạc. Đến cuối học kỳ, lớp học của thầy Guo đạt thành tích xuất sắc. Nhờ đó, thầy đã thuyết phục được các bậc phụ huynh rằng mình là một giáo viên tốt và tiếp tục công việc giảng dạy cho tới ngày hôm nay.
Thầy Guo đã hơn 20 năm trong nghề dạy học. |
Trong 20 năm qua, thầy Guo đã giảng dạy tại 4 trường tiểu học khác nhau, tất cả đều là những ngôi trường làng nhỏ. Nhưng thầy Guo yêu công việc của mình, thầy nói: “Tôi sẽ không bao giờ kết hôn. Thay vào đó tôi dành tất cả cuộc sống của mình cho các học sinh”.
Thầy giáo nặng 27 kg
Thầy giáo Chu Quang Đức sinh năm 1984, là con trai của cựu chiến binh Chu Quang Chiến (Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội). Do nhiễm chất độc màu da cam nên thầy chỉ cao 1,1 m và nặng 27 kg. Bà con trong làng ngoài xã vẫn thường gọi là "thầy giáo tí hon".
Thầy giáo Chu Quang Đức. |
Sinh ra không may mắn, nhưng ở thầy lại có một thứ mà nhiều người bình thường không có. Đó chính là sức mạnh của lòng quyết tâm. Chính nhờ sự quyết tâm này mà thầy giành cho mình những thành tích mà nhiều người bình thường cũng phải kính nể.
Năm nay thầy Đức 29 tuổi và là giáo viên bộ môn Tin học Trường THPT Mê Linh. Mặc dù công việc dạy học hao tổn rất nhiều sức lực về cả trí óc lẫn tinh thần nhưng với thầy Đức thì nghề giáo chính là niềm vui và lẽ sống. Nhiều năm qua, rất nhiều học sinh dưới sự dẫn dắt tận tâm của thầy Đức mà trở nên ham học, đỗ đạt trong thi cử và đậu vào nhiều trường đại học, cao đẳng.
Nói về sự thành công của các học sinh, thầy không giấu niềm vui: "Hạnh phúc của tôi là được thấy các em đặt chân vào giảng đường đại học, để sau này thoát cảnh lam lũ".
Cô giáo da màu tí hon
Tháng 2/2012, cô giáo trẻ LaToya Latty (người Jamaica) nhận bằng Thạc sĩ Văn học từ trường Cao đẳng Sư phạm Shortwood và bắt đầu tham gia giảng dạy tại trường Tiểu học Công giáo Preparatory (Jamaica). Ở tuổi 35 nhưng cô sở hữu một thân hình nhỏ bé với chiều cao 3.7 inch (khoảng 94 cm).
Cô giáo LaToya Latty |
Tuy thân hình “siêu nhỏ” nhưng cô LaToya Latty đã đạt điểm trung bình là 3,8 và được công nhận là một trong những học viên tốt nghiệp hàng đầu. Cô còn được nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ danh dự.
Hiệu trưởng của trường Cao đẳng Shortwood (giáo viên của cô LaToya Latty) cho biết: “Đừng bị đánh lừa bởi chiều cao của cô ấy, cô ấy hiện là một học viên xuất sắc và đang làm việc rất chăm chỉ”.
Latty luôn nói với những học sinh của mình rằng thân hình nhỏ bé của cô không bao giờ là một trở ngại: “Tôi không cho phép chiều cao làm phiền đến công việc giảng dạy, nó chỉ là một thách thức. Tôi thực sự có niềm đam mê với lớp học, với trẻ em và tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để cải thiện bản thân mình. Tôi tin rằng giáo dục là một công việc rất quan trọng và nó là nền tảng cho cuộc sống thành công sau này của mỗi con người”.
Theo Tiin