Sáng 25/5, thông tin với báo chí, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ bệnh viện đã trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn khi vừa bắt đầu chuyển đổi sang mô hình tự chủ hoàn toàn lại phải đối phó với đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi là bệnh viện duy nhất phải đóng cửa hoàn toàn trong khi vẫn chăm sóc người bệnh. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn. Hiện, dịch đã hạ nhiệt, bệnh viện vẫn thắt chặt các biện pháp để tránh lây nhiễm chéo như đeo khẩu trang, tầm soát nhiệt, rửa tay, sát khuẩn bên cạnh việc bắt đầu tiến hành các bước để đưa bệnh viện vào giai đoạn tự chủ hoàn toàn”, GS Tuấn cho hay.
Bệnh viện Bạch Mai cùng Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy là 4 bệnh viện đầu tiên chuyển đổi mô hình bao cấp sang tự chủ hoàn toàn.
Nữ điều dưỡng BV Bạch Mai bật khóc trong ngày được gỡ cách ly. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Phó giám đốc PGS.TS Dương Đức Hùng, hướng phát triển sắp tới của Bệnh viện Bạch Mai với nguyên tắc chủ đạo là chất lượng và công khai minh bạch. Trong đó, ưu tiên chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai hướng tới “xóa sổ” giường yêu cầu.
Ông giải thích trước tình trạng nằm ghép phổ biến ở các bệnh viện, giường dịch vụ đã ra đời do nhu cầu của người bệnh và được Bộ Y tế chấp nhận. Với dịch vụ này, trước mắt, Bệnh viện Bạch Mai sẽ xây dựng lại bộ tiêu chuẩn rõ ràng về giường yêu cầu, không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn phòng có điều hòa vốn đã được bệnh viện trang bị cho hầu hết phòng.
“Với việc lấy chất lượng làm cốt lõi, khoảng cách giữa giường yêu cầu và giường bình thường sẽ được xóa nhòa. Sắp tới sẽ không còn giường yêu cầu. Tại thời điểm này, tại viện, giường yêu cầu chỉ dưới 30% và cho phép tối đa 30%. Trước đây, con số này là 50-60%. Chúng tôi đang tiến tới mức chỉ có 20-25% giường yêu cầu và tiến tới không còn loại giường này”, PGS Hùng cho hay.
Trong giai đoạn đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 và hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai không còn tình trạng nằm ghép. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng đây mới là thời kỳ hậu cách ly, chưa phản ánh hết được tình trạng thực của bệnh viện như trước đây.
Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, chuyển lên từ tuyến dưới nên thường xuyên không thể chủ động.
“Đôi khi 10 bệnh nhân vào, chúng tôi chỉ có 7 giường. Bệnh viện đã có mô hình để hạn chế nằm ghép như nằm tạm cáng nhưng phải giải quyết xong trong vòng 24 tiếng. Số lượng bệnh nhân ở các khoa phòng phải được báo cáo hàng ngày lên phòng kế hoạch tổng hợp. Hiện chưa thể hết nằm ghép ngay. Chúng tôi vẫn cố gắng kiếm soát tình trạng nằm ghép nghiêm túc”, PGS Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, ngoài việc dừng hợp đồng với Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai đã dừng hoạt động của nhà tang lễ. Theo đó, trong khuôn viên bệnh viện này sẽ không thực hiện đám tang.
"Thực tế, việc tổ chức tang lễ với kèn trống trong bệnh viện có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người bệnh. Chúng tôi đã cân nhắc kỹ và theo yêu cầu thực tế, bệnh viện đã liên hệ với nhà tang lễ của thành phố để có thể tổ chức tang lễ theo cách văn minh. Trường hợp bệnh nhân không may qua đời, bộ phận giải phẫu bệnh của chúng tôi vẫn tiếp nhận bảo quản lạnh. Những điều chỉnh này đều xuất phát từ quyền lợi của người bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên y tế có điều kiện phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Chúng tôi cũng đã có khảo sát cho thấy, hầu hết bệnh nhân và nhân viên y tế đều ủng hộ chủ trương này", PGS Hùng nói.
Đây là một trong những thay đổi, sắp xếp lại của Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian vừa qua. Các dịch vụ khác như trông xe, vận chuyển bệnh nhân, bán báo, vệ sinh công cộng,... đa số cũng đã dừng.