Sáng 26/5, khoảng 3.000 học sinh đầu tiên của TP.HCM bước vào kỳ thi lớp 10 của trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Kỳ thi năm nay, trường tổ chức thi ở 3 điểm là trường Phổ thông Năng khiếu (quận 5), trường THCS Hồng Bàng (quận 5) và Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5). |
Tại điểm thi trường Phổ thông Năng khiếu (quận 5), từ 5h45, nhiều học sinh đã được phụ huynh đưa đến trường để chuẩn bị cho kỳ thi, nhiều em tranh thủ đứng trước cổng trường ăn sáng, kiểm tra lại giấy tờ thi và dụng cụ làm bài. Khi con đã vào trường thi, phụ huynh vẫn nán lại để chờ con. |
Sáng ngày 26/5, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn (không chuyên) và Tiếng Anh (không chuyên). Buổi chiều, các em làm bài thi môn Toán (không chuyên). Ngày 27/5, thí sinh tham dự bài thi môn chuyên tự chọn trong số các môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Toán và Ngữ văn. |
Hai thí sinh đi thi nhầm điểm thi nên được bảo vệ chở đi bằng xe máy để kịp giờ làm bài tại điểm thi trường THCS Hồng Bàng (quận 5). |
Quỳnh Anh (trái), học sinh trường THCS Lê Văn Tám, tranh thủ ôn lại bài cùng bạn thân trước giờ thi. Trong khi bạn bè lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì thi chuyên, Quỳnh Anh khá thoải mái vì em thấy tỷ lệ chọi của khối chuyên Hóa không quá cao và em xác định bản thân thi để thử sức. Nếu không đậu khối chuyên trường Phổ thông Năng khiếu hoặc THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, em chuyển hướng học tại trường công lập gần nhà. |
Khánh An, học sinh trường THCS Trường Chinh, đăng ký vào khối chuyên Hóa của trường. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, nữ sinh đã ôn tập từ đầu năm lớp 9. Khi nghe tin về tỷ lệ chọi trung bình 1/5 tại trường Phổ thông Năng khiếu, nữ sinh không quá lo lắng, ngược lại cảm thấy khá thoải mái vì tỷ lệ chọi không quá cao như dự đoán. |
Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 môn chuyên trong bài thi môn chuyên tự chọn. Đối với các thí sinh dự thi 2 môn chuyên, hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ chọn môn thi có điểm số cao hơn làm căn cứ xét tuyển theo từng lớp chuyên. |
Trước giờ thi, Trúc Giang (trái), học sinh trường Trung học Thực hành Sài Gòn, vẫn cầm cuốn tài liệu môn Ngữ văn tự viết để trao đổi cùng bạn. Đầu năm lớp 9, nữ sinh không có ý định thi chuyên nhưng sau đó, em nhận thấy Ngữ văn là môn học thú vị, bản thân em đủ khả năng để thi nên quyết định thử sức và kiểm tra khả năng học tập của mình. Trúc Giang không cảm thấy quá lo lắng. Để chuẩn bị cho kỳ thi, em dành nhiều giờ học ở trường, học thêm và tự học tại nhà. |
Một phụ huynh động viên con gái trước giờ vào phòng thi. Đây là kì thi tuyển sinh vào trường chuyên nên khối lượng kiến thức các em học sinh phải chuẩn bị rất lớn. |
Dù con gái đã vào trường thi, chị Thanh Thúy (áo đỏ) vẫn tranh thủ nán lại trước cổng trường chờ con. Người mẹ cho biết con gái đăng ký vào khối chuyên Anh của trường Phổ thông Năng khiếu và trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Con xác định sẽ thi vào trường chuyên từ sớm nên luôn tự giác học tập. Vị phụ huynh nói nếu con gái đậu cả hai trường chuyên, gia đình sẽ cân nhắc cho con học trường Phổ thông Năng khiếu vì 4 anh trai của em từng học tại đây. |
Trường Phổ thông Năng khiếu quy định ở mỗi buổi thi, thí sinh cần có mặt tại phòng thi đúng thời gian trong giấy báo thi; đồng thời, các em phải chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Nhà trường lưu ý thí sinh đến cổng trường thi chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, sẽ không dự thi buổi thi đó. |
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 của trường là 3.092 học sinh. Tỷ lệ chọi vào trường là 1 chọi 5. Trường xét tuyển vào mỗi lớp chuyên được xác định dựa trên tổng điểm bài thi không chuyên và bài thi môn chuyên tương ứng với tổ hợp xét tuyển của lớp chuyên tương ứng. Trong đó, điểm bài thi không chuyên được tính hệ số 1, bài thi môn chuyên tính hệ số 2 (cả 2 đều tính trên thang điểm 10). |
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.