Ngày 31/8, chàng trai Trần Văn Sâm cầm tấm biển cầu cứu với nội dung “thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em”.
Sâm là thí sinh cao điểm nhất, được Sở y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông y đa khoa (khóa 2015-2019) tại Đại học Y dược Cần Thơ vào ngày 15/7. Thế nhưng, khi đến Đại học Y dược Cần Thơ làm thủ tục nhập học, nam sinh không thấy tên mình trong số 22 thí sinh ở Bình Thuận trúng tuyển. Sâm hỏi Sở y tế Bình Thuận, được thông báo, không phải viên chức nhà nước nên bị loại, dù thừa 2,5 điểm.
Trước sự việc này, Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gửi Đại học Y dược Cần Thơ xin đính chính thông tin của Trần Văn Sâm. Theo đó, Sâm chỉ là viên chức hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức vào biên chế nhà nước, nhưng do khi đăng ký dự thi, phía Phan Thiết đã cập nhật nhầm thông tin. Tuy nhiên, khi mang văn bản này và đơn xin chuyển sang diện thí sinh tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ và yêu cầu Sâm về khiếu nại với Sở y tế Bình Thuận.
Sự “nhầm lẫn” này khiến Sâm trượt đại học trong gang tấc. Bất lực, chàng cầm tấm bảng xin được giúp đỡ tại khu vực cạnh chợ Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận).
Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng GD&ĐT đã có chỉ đạo Đại học Y dược Cần Thơ nhận Sâm vào học vì lỗi không phải thuộc thí sinh.
Trước đó, mùa thi đại học năm 2013, nhiều người ấn tượng với thủ khoa Đại học Dược Hà Nội Lê Đức Duẩn và chiếc xe đạp tàn tạ. Chiếc xe “vá chằng, vá đụp” đã khiến Duẩn rất nhiều lần phải dắt bộ đến trường, là “tài sản” lớn nhất của nam sinh nghèo.
Dù thi cao điểm nhất Đại học Dược, nhưng khi ấy chàng trai học giỏi có nguy cơ không thể đến giảng đường, vì nhà quá nghèo. Bộ trưởng Quốc phòng đã quyết định đặc cách cho Lê Đức Duẩn vào thẳng Học viện Quân y (Hà Nội).
Hiện tại, Duẩn bước vào năm học thứ ba của Học viện Quân y. Từ chàng trai gầy còm 39 kg, Duẩn trở nên rắn rỏi khi tham gia những giờ học bơi giữa trời nắng nóng, bắn súng trên thao trường, những chuyến dã ngoại, huấn luyện dài ngày... Cậu thường xuyên là sinh viên khá, giỏi và luôn nằm trong top 10 của lớp.
Thêm một tấm lòng mơ ước chữa bệnh cho người nghèo, Lê Đức Duẩn hy vọng kết thúc 6 năm học sẽ được giữ lại trường để tiếp tục học Bác sĩ chuyên khoa, thỏa ước mơ từ ngày nhỏ.
Năm 2012, một câu chuyện khác gây xôn xao mùa thi là câu chuyện Ngô Văn Thuận (quê Yên Thành, Nghệ An) đạp xe hơn 300 km đi thi đại học. Thuận không trúng tuyển trường Sĩ quan Lục quân 1, nhưng được Bộ trưởng Quốc phòng ký quyết định đặc cách vào trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp.
Cùng ngày 31/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận không những chỉ đạo chàng trai Trần Văn Sâm vào đại học mà còn giải quyết câu chuyện “cộng nhầm điểm ưu tiên” cho những thí sinh trượt nguyện vọng 1.
Theo đó, những thí sinh ở trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa, Phú Yên) trong trường hợp này được tham gia dự tuyển lại nguyện vọng 1 bằng số điểm thực chất của mình.