Xe đạp không phải là một phương tiện mới mẻ, thậm chí đã xuất hiện trong lịch sử từ rất sớm.
Khi phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày một nghiêm trọng, đồng thời mong muốn giảm thiểu tác động từ khí thải ôtô và xe máy, nhiều quốc gia đã triển khai hàng loạt chính sách khác nhau để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn.
Trong số đó, làn đường dành riêng cho xe đạp được xem như một yếu tố quan trọng.
Châu Âu - thiên đường của xe đạp
Là một trong rất nhiều sáng kiến nằm trong kế hoạch biến Paris thành một điểm đến thân thiện với môi trường, “Thủ đô xe đạp” mang lại nhiều lợi ích cho những người thích di chuyển bằng phương tiện này, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi.
Theo đó, Pháp đã chi đến 250 triệu euro (tương đương 250 triệu USD) để xây mới 180 km làn đường riêng biệt dành cho xe đạp tại Paris, song song với việc phát triển 450 km đường đi kết hợp.
Người dân Paris di chuyển bằng xe đạp trên phần đường riêng. Ảnh: Bloomberg. |
Các báo cáo cho thấy trong thời gian đại dịch Covid-19, quốc gia này đã hoàn thành 60 km đường mới dành cho xe đạp tại thủ đô.
Chính quyền Paris cũng cho biết sẽ sớm bổ sung thêm 130.000 điểm đậu xe dành cho những người đi xe đạp.
Anh Trung Quang (30 tuổi), Việt kiều đang sinh sống tại Pháp, cho biết nhiều tuyến đường tại Paris còn bị bóp nhỏ để tạo thành làn riêng cho xe đạp.
“Cá nhân tôi không thích điều này, vì việc cắt giảm làn ôtô sẽ dẫn đến gia tăng kẹt xe, từ đó khiến ô nhiễm có nguy cơ tăng cao hơn trước”, anh Trung Quang băn khoăn.
Một tuyến đường dành riêng cho xe đạp tại Pháp. Ảnh: Bloomberg. |
Trong khi đó tại quốc gia láng giềng Bỉ, chính phủ liên bang cũng như các chính phủ vùng cũng khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.
Theo tính toán của Tổng vụ Giao thông Brussels vào thời điểm năm ngoái, mỗi ngày có khoảng 2.000 người đi xe đạp tại quốc gia Tây Âu này.
Tại vùng Wallonia nằm về phía nam của Bỉ, chính quyền đã xây dựng một hệ thống rộng lớn mang tên RAVeL (viết tắt của mạng lưới đường giao thông không có xe động cơ tự hành) phục vụ riêng cho những người đi bộ, chạy xe đạp hay cưỡi ngựa.
Xe đạp và người cưỡi ngựa di chuyển trên một đoạn thuộc hệ thống RAVeL ở Bỉ. Ảnh: RAVeL. |
Với chiều dài lên đến hơn 2.000 km của RAVeL, người dân và khách du lịch có thể thư thái đạp xe khám phá các thị trấn, thành phố và những khu bảo tồn thiên nhiên tại vùng Wallonia.
Chính phủ Bỉ cũng đang tiến hành xây dựng “đường cao tốc” dành riêng cho xe đạp, kết nối vùng Wallonia với thủ đô Brussels.
Ở Hà Lan, chính phủ nước này cũng đã sớm bắt tay vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng đi xe đạp và quy hoạch đô thị.
Từ đó, một mạng lưới rộng lớn các tuyến đường và làn đường dành riêng cho xe đạp đã được hình thành trên khắp lãnh thổ Hà Lan. Những con đường này khá rộng, được đánh dấu rõ ràng bằng biển báo và màu sắc, đồng thời được cải tạo để trở nên phẳng và êm ái hơn cho người đi xe đạp.
"Ôtô chỉ là khách", nội dung trên biển báo chú thích phần đường cho xe đạp tại Hà Lan. Ảnh: Beyond the Automobile. |
Thậm chí tại những tuyến đường này còn có biển báo với ý nghĩa “Đường dành cho xe đạp, ôtô chỉ là khách”, ngầm khẳng định quyền ưu tiên của phương tiện này.
Ngoài ra, Đan Mạch cũng là quốc gia châu Âu nổi tiếng với lượng học sinh sử dụng xe đạp nằm trong nhóm đầu thế giới. Thành phố Odense của nước này có hơn 560 km đường được xây dựng dành riêng cho xe đạp, cùng hơn 81% số học sinh đi học bằng xe đạp mỗi ngày.
Người dân châu Á ưa chuộng xe đạp
Trung Quốc cũng là một quốc gia ưu ái cho xe đạp. Tại thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, người đi xe đạp có hẳn một tuyến đường riêng để di chuyển nhằm tránh tắc nghẽn.
Tuyến đường trải dài gần 8 km và được tuyên bố là đủ chỗ cho 2.023 xe đạp hoạt động cùng lúc.
Người dân di chuyển bằng xe đạp trên làn đường riêng tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Insider. |
Trong khi đó vào tháng 5/2019, Ủy ban Giao thông thành phố Bắc Kinh cũng khánh thành làn đường dành cho xe đạp dài 6,5 km với 2,7 km trên cao.
Làn đường này đã rút ngắn phân nửa thời gian đi lại giữa khu vực đông dân cư Hồi Long Quan (Huilongguan) và Thượng Địa (Shangdi) - nơi tập trung một lượng lớn công ty công nghệ.
Ở Singapore, cơ quan Giao thông đường bộ của nước này (LTA) đặt mục tiêu thúc đẩy việc đi bộ - đạp xe trở thành hệ thống giao thông xanh và bền vững hơn cho đảo quốc sư tử.
Hiện Singapore đang có khoảng 500 km đường dành riêng cho xe đạp. Quốc gia này hướng đến phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn đảo quốc lên 800 km trong 2 đến 3 năm tới, trước khi đạt mục tiêu khoảng 1.300 km vào năm 2030.
Làn đường dành riêng cho người đi xe đạp tại Singapore. Ảnh: ITN. |
Nhiều biện pháp đã được ứng dụng nhằm chia sẻ lối đi an toàn hơn cho cả người đi xe đạp và người đi bộ. Các dải điều chỉnh tốc độ, biển báo và vạch kẻ đã được cung cấp để nhắc nhở người tham gia giao thông giảm tốc độ và đi đúng phần đường của mình.
Đài Loan (Trung Quốc) từ lâu đã nổi tiếng với mạng lưới rộng lớn các tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Chỉ riêng thành phố Cao Hùng đã sở hữu hệ thống làn đường dành riêng cho xe đạp lên đến 150 km, giúp người dân và du khách ghé thăm có thể thong dong đạp xe mà không lo lắng tình trạng xung đột giao thông với các phương tiện khác.
Ở Philippines, chính phủ nước này đã phân bổ hơn 22 triệu USD cho việc xây dựng hạ tầng dành riêng cho xe đạp, với kỳ vọng có thể giảm tắc nghẽn, hạn chế khí thải và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Sau Covid-19, chính phủ Philippines đã chi tiền để xây dựng hệ thống làn đường dành riêng cho xe đạp. Ảnh: Philstar. |
Quốc đảo này đã tiến hành chương trình xây dựng làn đường xe đạp lớn nhất trong lịch sử, với gần 500 km xuyên Metro Manila (vùng thủ đô), Metro Cebu và Metro Davao. Riêng tại Metro Manila, đã có đến 313 km đường dành riêng cho xe đạp được hoàn thành chỉ trong vòng 9 tháng.
Tại khu vực Metro Manila, làn đường cho xe đạp có chiều rộng khoảng 1,5-3 m được trang bị cọc tiêu bằng bê tông hoặc bằng cao su để ngăn cách với các xe cơ giới.
Trên những tuyến đường có làn riêng cho xe đạp cũng được vẽ các vạch báo hiệu sơn màu trắng- xanh, biển báo xe đạp, đinh phản quang và trang bị nhiều giá đỡ xe đạp dọc tuyến.
Trong khi đó mặc dù có đến 85% dân số sở hữu xe đạp, thủ đô Tokyo của Nhật Bản chỉ mới xây dựng được 10 km đường dành riêng cho phương tiện này.
Không chỉ có màu hồng
Hồi năm 2007, chính quyền thủ đô Paris (Pháp) từng khởi động chương trình chia sẻ xe đạp mang tên Velib, với tổng cộng 14.500 xe đạp được bố trí khắp các trục giao thông trọng điểm của thành phố.
Với giá thuê chỉ 1 EUR/ngày, cư dân cũng như khách du lịch có thể thong dong chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kinh đô ánh sáng, trước khi trả xe tại bất kỳ điểm cho thuê nào trong lòng thủ đô Paris.
Rất nhiều xe đạp cũ thuộc chương trình Velib được trục vớt từ kênh đào Saint Martin. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên chỉ sau 5 năm, lượng xe đạp thuộc chương trình Velib sụt giảm dần, với tần suất cao nhất được ghi nhận là 20-30 xe mất tích mỗi ngày.
Chính quyền thủ đô nước Pháp sau đó phát hiện người thuê xe đã ném luôn những chiếc xe đạp xuống kênh đào Saint Martin, thay vì trả chúng về các điểm cho thuê như quy định.
Theo đó vào năm 2016, khi tiến hành nạo vét kênh đào Saint Martin nằm về mạn phải của sông Seine, các công nhân đã phát hiện hàng loạt xe đạp thuộc chương trình Velib bị vứt xuống đây.
Tính đến cuối năm 2019, công nhân tại Paris đã tìm thấy tổng cộng 6.420 chiếc xe đạp từ lòng kênh đào Saint Martin.
Trong khi đó tại Hàng Châu (Trung Quốc), sự bùng nổ của dịch vụ xe đạp công cộng vào những năm cuối thập niên trước đã dẫn đến việc hàng triệu xe đạp bị thải loại.
Rất nhiều xe đạp từ các chương trình cho thuê xe đạp công cộng bị thải ra, sau đó được gom lại tạo thành những "nghĩa địa xe đạp". Ảnh: AFP. |
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng được triển khai rộng rãi từ năm 2017 tại Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ một năm sau, loại hình này sớm cho thấy nhiều vấn đề tiêu cực.
Lượng xe đạp khổng lồ mà người dân sử dụng từ các dịch vụ chia sẻ nhanh chóng lấn chiếm và gây tắc nghẽn vỉa hè, khiến người đi bộ phải vật lộn với việc vượt qua những chướng ngại vật hình thành nên từ loại phương tiện thô sơ này.
Do vậy, chính quyền luôn phải bố trí đội ngũ sắp xếp lại những chiếc xe đạp dựng trên vỉa hè mỗi ngày, hoặc cử những đoàn xe tải đi thu gom lượng xe không người sử dụng hay trông giữ, trước khi tập hợp chúng lại thành những "nghĩa địa xe đạp" khổng lồ.
Tờ Bloomberg cho hay tình trạng cung vượt cầu đã khiến hầu hết công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe đạp công cộng sớm tuyên bố phá sản. Hậu quả là chính quyền địa phương buộc phải chi rất nhiều tiền để dọn dẹp mớ hỗn độn đến từ lượng xe đạp mà các dịch vụ này thải ra.
Chuyên trang Bloomberg cũng tiết lộ đã có hàng tỷ USD tiền mặt từ các nhà đầu tư được rót vào thời kỳ đầu của cơn sốt xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc.
Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn vừa được ban hành, Hà Nội lên kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, thành phố đang tính tới chuyện nghiên cứu thí điểm làn đường riêng dành cho xe đạp.