Hình ảnh những ông bố, bà mẹ bế con trèo qua hàng rào sắt để vào Công viên nước Hồ Tây (ngày 19/4) lan tỏa mạnh. TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trẻ sẽ học được nhiều điều không hay từ hành vi của bố mẹ: “Thứ nhất, trẻ sẽ nghĩ rằng, khi người ta cho đồ miễn phí thì dù trù dập nhau cũng cố mà tranh giành. Thứ hai, lợi ích trước mắt quan trọng hơn mạng sống của mình và người thân. Thứ ba, danh dự là điều phù phiếm và không nhất thiết phải có. Trẻ sẽ nghĩ, một mảnh lợi ích dù bé tí ti cũng sẽ lao vào cướp giật”.
Bên cạnh câu chuyện đang được dư luận quan tâm, nhiều người giật mình nhận ra những thói quen hằng ngày của cha mẹ vô tình hình thành tính cách xấu cho trẻ.
Người lớn và trẻ em thi nhau trèo rào sắt vào công viên nước. Ảnh: Anh Tuấn. |
Chị Lữ Thị Mai (28 tuổi, Hà Nội) kể lại: “Con tôi hơn 2 tuổi, luôn đòi sử dụng các sản phẩm công nghệ. Lâu ngày, thói quen đó thành tật xấu. Để dụ con ăn tôi phải cho con dùng điện thoại, muốn con chơi một mình dứt khoát phải có máy tính bảng. Đến một ngày, chúng tôi cấm con dùng các vật dụng ấy, cuộc khủng hoảng tâm lý nhanh chóng diễn ra. Cháu bỏ ăn, bỏ chơi và khóc suốt đêm. Chúng tôi mất thời gian dài để định hướng con chuyển sang món đồ chơi khác".
Chị Yến Ngọc (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện này không hiếm gặp trong mỗi gia đình: “Khi ở nhà, chồng tôi hay nói chuyện công việc qua điện thoại. Con tôi học theo, suốt ngày cầm điện thoại để nói "giả vờ" với người này, người kia. Có lần chồng tôi nhỡ miệng nói tục, cháu không học theo ngay lúc đó. Vài ngày sau tôi thấy cháu phát âm lại, vợ chồng tôi rất choáng".
Nhận ra sai lầm từ phía bố mẹ, chị Yến Ngọc đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi của các thành viên trong gia đình, luôn cẩn trọng lời ăn, tiếng nói trước mặt con. Tuy nhiên, chị cho rằng sự tác động của môi trường bên ngoài khó lòng kiểm soát được.
Chị tâm sự: "Tôi thường dạy con “không được vứt rác ngoài đường, nếu có sẽ bị… ông ngáo ộp cắn". Tuy nhiên, khi thấy người lớn vất rác quanh nhà, cháu luôn thắc mắc: “Mẹ ơi sao bác kia không bị sao cả?”. Khi theo học trường mầm non, cháu rất nhay nói nhại giọng cô giáo. Có lần, khi cả nhà đang ăn cơm, bỗng dưng cháu lấy thước kẻ và gõ xuống bàn: “Ăn nhanh lên, tôi vụt vào miệng cho bây giờ”.
Rất nhiều cha mẹ luôn tự hỏi "Con học nói tục từ đâu?", "Con giống ai mà nhiều tính xấu vậy?"... nhưng không biết rằng, con trẻ bắt chước rất nhanh những việc làm của cha mẹ.
Mẹ Ong Bông – đồng tác giả cuốn sách Nuôi con không phải cuộc chiến cho biết, những hành vi xấu của phụ huynh có thể chia thành hai nhóm. Thứ nhất, họ là những người “thiếu ý thức” khi chen lấn khi xếp hàng, xả rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, cho con đi vệ sinh ở nơi công cộng. Thứ hai, phụ huynh có hành vi “xúc phạm người khác” như chửi bậy, cãi nhau, đánh nhau, chê bai, tranh giành trước mặt con.
Chị khẳng định, cả hai nhóm trên sẽ ảnh hưởng xấu đến thói quen và cách cư xử của trẻ sau này.
Điều đáng ngạc nhiên nhất với tác giả cuốn sách chính là cách suy nghĩ của bố mẹ. Họ cho rằng con còn bé sẽ không hiểu gì cả. Chị phân tích: “Chỉ cần cha mẹ làm một lần, trẻ con sẽ ghi nhớ và bắt chước theo. Nếu những hành vi đó kéo dài trong một thời gian, cha mẹ vô tình cổ vũ hoặc không để ý sẽ dẫn đến việc khó định hướng hành vi của con".
Đúc rút từ những kinh nghiệm bản thân, chị cho rằng, việc trẻ học được những điều không hay ngoài xã hội là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng, mỗi người làm cha, làm mẹ phải phát hiện kịp thời và điều chỉnh lời nói, việc làm của con sao cho hợp lý.