Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thủ đoạn lừa đảo siêu dị nhằm vào người bán hàng, tài xế xe ôm

Công an cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi mua bán tài sản có giá trị cao, cần giữ tài sản trong tầm kiểm soát, rủ thêm người cùng đi giao dịch.

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ lừa đảo với thủ đoạn rất dị. Lợi dụng các tòa nhà văn phòng có nhiều lối ra vào hoặc các khu vực có nhiều đường ngang ngõ tắt, kẻ xấu "điều" bị hại đến giao dịch, hoặc mượn đồ rồi bất ngờ biến mất. Khi phát hiện, khổ chủ chỉ biết ôm cục tức.

Hàng loạt vụ lừa đảo tại một địa điểm

Tòa nhà Trung Yên 1 thuộc phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nằm tại điểm giao cắt của ba tuyến đường Trung Yên - Trần Duy Hưng - Trung Hòa, với khối đế 6 tầng thông nhau dành cho trung tâm thương mại và văn phòng, còn các tầng trên là căn hộ. Có lẽ bởi vị trí khá đặc biệt khi người dân có thể đi từ tòa nhà nọ thông sang bên kia, từ phố này đi sang phố khác, mà nó đã bị nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng để "hành nghề".

Bị hại Nguyễn Văn Đ. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) kể lại quá trình giao dịch đầy sơ hở của mình. Gần đây, anh Đ. có một chiếc máy tính xách tay muốn thanh lý. Đây là chiếc máy thuộc hệ cao cấp, với cấu hình mạnh và giá "đập hộp" cũng rất cao. Anh rao trên mạng xã hội với giá gần 50 triệu đồng. Sau nhiều ngày ế khách, chiều 22/4, anh Đ. bất ngờ nhận được lời đề nghị mua lại chiếc máy.

Gần như không lăn tăn về giá, người này yêu cầu anh mang máy đến tòa nhà Trung Yên 1 để giao dịch. Khoảng 17h cùng ngày, khi đến nơi, anh Đ. được hướng dẫn đi thang máy lên tầng 2 là văn phòng một công ty. Đón anh Đ. là một thanh niên mặc áo phông trắng, quần âu màu đen, đi giày da có vẻ khá là chỉn chu. Kiểm tra máy một lượt, người này nói anh Đ. ngồi ở ngoài để anh ta mang máy vào trong văn phòng cắm sạc check lại lần cuối trước khi giao tiền.

thu doan lua dao anh 1

Người đàn mang chiếc laptop vào tòa nhà Trung Yên 1 kiểm tra rồi biến mất.

Anh Đ. định đi theo thì người đàn ông nói khu vực này nghiêm cấm người lạ vào. Sau khi người này đi khuất, anh Đ. nghe thấy tiếng chân người chạy rầm rập ở cầu thang bên trong liền đuổi theo song không kịp.

Anh tìm khắp nơi mới phát hiện tòa nhà này như một mê cung với nhiều lối ra vào. Nhờ camera của tòa nhà, anh Đ. phát hiện kẻ xấu đã cầm máy tính chạy theo cầu thang thoát hiểm sang sảnh chung cư ở mặt phố Trung Kính rồi tẩu thoát. Anh Đ. chỉ biết đến cơ quan công an trình báo.

Anh T.A. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng dính bẫy y hệt. Cuối tháng 3, anh T.A. đăng bán chiếc điện thoại Iphone đời mới trên mạng. Sau đó, một người liên hệ với anh T.A và chốt giá gần 30 triệu đồng. Người này hẹn giao hàng vào trưa cùng ngày tại nơi làm việc của anh ta ở sảnh tầng 2 tòa Trung Yên 1.

Anh T.A đến nơi vào thời điểm nghỉ trưa nên tòa nhà văn phòng vắng người qua lại. Người mua lấy lý do sợ sếp nhìn thấy nên dẫn T.A. vào góc khuất của sảnh. Người này tỏ thái độ nhiệt tình, thân thiện, kiểm tra máy kỹ càng từ loa, đến pin, ngoại hình.... Kẻ gian còn xin mật khẩu điện thoại và nhờ thoát iCloud để kiểm tra.

Tuy nhiên, sau khoảng 5 phút, người này nói anh T.A ngồi chờ để cầm điện thoại vào phòng riêng phần mềm iTunes. Nhận thấy có dấu hiệu không bình thường, anh T.A. đi theo nhưng kẻ gian "cắt đuôi" bằng cách quay lại để chiếc túi xách da nhờ anh trông giúp. Ít phút sau, anh T.A. nghe tiếng đóng cửa thoát hiểm nên chạy theo thì nghi phạm đã biến mất. Còn chiếc cặp da bên trong trống không.

thu doan lua dao anh 2

Do xảy ra nhiều vụ lừa đảo, tòa nhà Trung Yên 1 đã phải ra thông báo cảnh báo.

Một nạn nhân khác là anh H. cũng sập bẫy tại chính tòa nhà này. Ngày 11/2, anh H. nhận cuộc gọi đặt mua chiếc điện thoại Iphone Pro Max trị giá gần 30 triệu đồng, giao lúc hơn 13h. Vừa ngồi xuống bàn, cầm máy kiểm tra, người mua đã bỏ chạy theo lối cầu thang thoát hiểm. Anh H. la hét, đuổi theo song bất thành.

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra, truy bắt người gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tòa nhà trên. Theo một điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy, trước đây, cơ quan công an đã bắt giữ Phùng Văn Thảo (SN 1988, thường trú tại phường Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) sau khi người này gây ra vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự tại cùng địa điểm trên.

Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, Thảo đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách vào mạng xã hội Facebook và tham gia nhóm mua bán trao đổi điện thoại iPhone. Khi thấy anh P.V.M. đăng bài cần bán điện thoại iPhone 11 Pro max, Thảo đã liên hệ mua chiếc điện thoại này. Sau khi chốt giá, Thảo hẹn anh M. đến tòa nhà Trung Yên 1 để giao dịch.

Thảo đưa anh M. lên tầng 2 tòa nhà và giới thiệu rằng mình đang là nhân viên văn phòng tại đây. Thảo nói cần phải kiểm tra máy, kiểm tra sạc pin và được anh M. đồng ý. Lúc này, nghi phạm đi vòng xuống tầng 1 để bỏ trốn ra bến xe Mỹ Đình.

Thảo khai sau đó đón xe khách về Vĩnh Phúc rồi bán chiếc điện thoại với giá 21 triệu đồng. Người đàn ông này từng bị Công an quận Đống Đa xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh bác sỹ, lên mạng mua điện thoại để lừa người bán...

thu doan lua dao anh 3

Phùng Văn Thảo bị cơ quan công an bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Siêu lừa chuyên nhằm vào tài xế xe ôm

Nếu như vị trí tòa nhà Trung Yên 1 bị các kẻ gian lợi dụng để lừa đảo người bán hàng thì Phạm Văn Chiến (SN 1989, trú tại phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội) lại có mánh khóe "điều" các tài xế xe ôm đến khu vực đường ngang ngõ tắt rồi giở màn kịch chiếm đoạt tài sản. Hành vi của Chiến đã bị cán bộ chiến sỹ Công an phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chặn đứng.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, khoảng 10h ngày 4/5, tổ công tác Công an phường Tương Mai trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn đã phát hiện Chiến lảng vảng với bộ dạng nghi vấn. Vừa trông thấy bóng dáng lực lượng chức năng, người này định bỏ chạy nhưng không thoát. Chiến khai đang thực hiện hành vi phạm tội nhằm vào các tài xế “xe ôm” công nghệ.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an làm rõ ít nhất 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Chiến gây ra. Thủ đoạn của người này là thuê “xe ôm” chở về địa bàn phường Tương Mai, sau đó mượn điện thoại di động để gọi cho người thân rồi chiếm đoạt.

Chiều 25/2, Chiến đến khu vực cổng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) rồi thuê anh Đức chở về cầu Nguyễn An Ninh. Đến nơi, Chiến bảo anh Đức dừng xe và hỏi mượn chiếc điện thoại di động để gọi người quen ra đón. Lợi dụng lúc anh Đức mất cảnh giác, Chiến đi vào ngõ 160 Nguyễn An Ninh. Khu vực này vốn có nhiều đường ngang lối tắt, Chiến thông thạo địa hình nên nhanh chóng trốn thoát.

thu doan lua dao anh 4

Phạm Văn Chiến, người chuyên điều xe ôm đến ngõ vắng để chiếm đoạt điện thoại

Cũng với thủ đoạn này, cuối tháng 3, Chiến thuê anh Nguyễn Gia Phương chở về cầu Nguyễn An Ninh, rồi cũng trốn vào ngõ 160 Nguyễn An Ninh cùng chiếc điện thoại iPhone 11 Pro Max trị giá khoảng 11 triệu đồng.

Khoảng một tháng sau, Chiến lừa lấy được chiếc iPhone 11 của anh Ngô Xuân Trường, khi thuê nạn nhân chở từ ga Hà Nội về ngõ 160 Nguyễn An Ninh. Chưa dừng lại ở đó, ngày 21/4, Chiến tiếp tục thuê “xe ôm” của anh Đỗ Đức Cường từ Chùa Bộc (quận Đống Đa) về cầu Nguyễn An Ninh. Đến nơi, Chiến mượn điện thoại iPhone 11 Pro Max của anh Cường. Chỉ vài giây không để ý, anh Cường đã bị mất tài sản.

Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản của bị hại, Chiến mang bán rồi tiêu xài hết. Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Chiến về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án thuộc Phòng CSHS Công an Hà Nội, thủ đoạn vờ mua hàng, xem hàng rồi thừa lúc bị hại sơ hở chiếm đoạt tài sản nhiều năm trước đã từng xảy ra. Thậm chí có vụ việc bị hại bị chiếm đoạt số tiền lên đến cả tỷ đồng.

Như trường hợp anh H.V.N. được một đối tượng hẹn qua văn phòng trên phố Đội Cấn để giao dịch. Anh N. xách theo một túi xách, trong có chứa số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khi đến nơi, kẻ xấu nói anh chờ ở tầng 1, còn hắn sẽ mang tiền lên tầng 2 để đếm. Ít phút sau, anh N. lên tầng 2 để tìm thì phát hiện đối tượng biến mất theo lối thoát hiểm.

Cũng theo thượng tá Đáp, trong những vụ lừa đảo trên, kẻ xấu thường đánh vào sự thiếu cảnh giác của bị hại, khi giao dịch không kỳ kèo về giá cả. Do tâm lý chuẩn bị bán được món hàng với giá tốt nên bị hại ít nhiều tỏ ra sơ hở, không quản lý chặt tài sản của mình. Nhóm gây án thường đi từ 2-3 người, một người vào giao dịch, một người nổ xe máy chờ sẵn để tẩu thoát, còn một người cảnh giới để báo động hoặc ngăn chặn nếu bị đuổi bắt. Họ cũng thường chọn thời điểm gây án là ngày nghỉ, hoặc giờ nghỉ trưa khi các sảnh vắng người qua lại.

Cơ quan công an cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch mua bán tài sản có giá trị cao; Cần phải giữ tài sản trong tầm kiểm soát, hoặc rủ thêm 1-2 người bạn khi thực hiện giao dịch để có thể kịp thời hỗ trợ nhau. Các tài xế xe ôm khi cho khách mượn điện thoại cũng phải luôn để mắt đến tài sản của mình...

Cô gái bị giật điện thoại khi đi đường

Công an phường Ngọc Thụy đang phối hợp với Công an quận Long Biên, Hà Nội, điều tra vụ cô gái bị giật điện thoại ở đê Gia Thượng.

Bắt phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Cần Thơ

Ông Phạm Minh Nhựt biết giám đốc trung tâm đăng kiểm nhận tiền làm dịch vụ nhưng vẫn ký biên bản nghiệm thu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Va chạm bé trai 4 tuổi, người phụ nữ bị đôi vợ chồng hành hung

Công an xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng, đang tiếp tục củng cố, xác minh vụ người phụ nữ đi xe máy bị 2 vợ chồng hành hung.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/nhung-thu-doan-lua-dao-sieu-di-nham-vao-nguoi-ban-hang-xe-om-i693082/

Yên Chi/CAND

Bạn có thể quan tâm