Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thứ độc hại nhất bạn sử dụng hàng ngày

Đó là những thứ vẫn được sử dụng hàng ngày nhưng bạn lại không hề biết đến sự độc hại của nó, hoặc có thể bạn đã biết nhưng vẫn cố chấp dùng vì cho rằng không có thứ khác thay thế.

1. Nước hoa

Một nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho thấy, các chất như camphor, ethyl acetate, benzyl acetate, acetone và methylene chloride… trong nước hoa có thể gây hại cho cơ thể con người. Với những người yếu hoặc mẫn cảm, khi hít phải các chất này sẽ bị chóng mặt, buồn nôn hoặc buồn ngủ, đau đầu, thậm chí nặng hơn sẽ bị sưng cổ họng, tổn thương mắt, da và phổi.

2. Nệm mút

Hợp chất PBDEs có trong nệm mút được cho rằng có khả năng gây hại cho não và gây ra các vấn đề về sinh sản như giảm chất lượng tinh trùng, thậm chí là vô sinh. Điều này thực sự rất đáng lo ngại vì hầu hết chúng ta đều dùng nệm mút khi ngủ với thời gian chiếm 1/3 ngày. Vì vậy nên kiểm tra thông số về lượng hợp chất có trong nệm nằm của bạn và mua cái mới nếu lượng PBDEs quá cao.

3. Các sản phẩm làm sạch

Dù bạn biết các sản phẩm làm sạch đều có hóa chất độc hại trong đó nhưng bạn cố lơ đi vì cho rằng không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, các sản phẩm tự nhiên như xà phòng bột, chanh tươi hoặc nước nóng vẫn có thể giúp bạn làm sạch được nhiều thứ.

Thời gian tới khi bạn muốn mua một sản phẩm làm sạch mới, hãy kiểm tra thành phần hóa học như chất phthalates trong sản phẩm đó. Nếu hàm lượng của chúng quá cao, hãy thay thế bằng một sản phẩm làm sạch tự nhiên như ở trên.

Thành phần phthalates trong các các sản phẩm làm sạch rất độc hại cho sức khỏe gia đình bạn.

4. Nước xịt phòng

Giống như các sản phẩm làm sạch, nước xịt phòng giúp giữ cho ngôi nhà của chúng ta luôn thơm tho, thoáng mát. Tuy nhiên một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley cho thấy, khi sử dụng nước xịt phòng quá mức hoặc xịt trong không gian bí bách, chúng sẽ phản tác dụng và giải phóng các chất độc hại như ethylene glycol ether-based và Paradichlorobenzene ra không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.

5. Hộp đựng thức ăn bằng nhựa

Nhiều hộp nhựa đựng thức ăn được làm từ hóa chất như phthalates - một loại chất có thể làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và thần kinh của con người. Khi sử dụng, loại hóa chất nguy hiểm này có thể ngấm vào thức ăn rồi đi vào cơ thể, vì vật bạn cần chuyển sang đựng bằng hộp kính cho an toàn.

6. Chai nhựa

Tất cả chúng ta đều biết chai nhựa là vật thể đang "đe dọa" nghiêm trọng tới môi trường nhưng lại không mấy người biết chất độc hại BPA từ nhựa vẫn âm thầm ngấm vào đồ uống của chúng ta. Dù đến nay công nghệ loại bỏ chất này được áp dụng rất tốt, tuy nhiên nó lại không phải là hóa chất độc hại duy nhất có thể tác động được đến đồ uống của bạn. Vì vậy bạn nên đựng nướ trong bình thủy tinh cho an toàn. 

7. Mỹ phẩm

Một người trung bình mỗi ngày sẽ sử dụng từ 6 đến 12 mặt hàng mỹ phẩm mà hầu hết chúng đều chứa các hóa chất độc hại có khả năng gây hại cho bạn. Vì vậy bạn nên kiếm những mỹ phẩm không chứa quá nhiều các chất và hương liệu tổng hợp. Thay vào đó bạn nên mua các sản phẩm được làm từ các loại dầu hoặc các loại khoáng chất tự nhiên. 

8. Chất khử mùi

Hầu hết mọi người sử dụng chất khử mùi để tránh mùi hôi, tuy nhiên "thành phần chính ngăn chặn mùi hôi" trong các sản phẩm này lại là nhôm. Vì vậy trong vài năm gần đây đã dấy lên nghi vấn rằng nhôm là một trong những tác nhân làm phát triển bệnh ung thư vú ở con người. Tuy nhiên đến nay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cùng chưa có một kết luận chính thức nào về điều này.

9. Chất làm mềm vải

Chất làm mềm vải cũng được xem như một loại hóa chất có khả năng chứa các thành phần độc hại không tốt cho con người, chẳng hạn như muối amoni quantenary. Đây là loại chất có thể gây kích ứng da, nhức đầu và các vấn đề về đường hô hấp.

10. Chảo chống dính

Trong khi chảo không dính có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian làm sạch, nó đi kèm với tiết kiệm chi phí và cho gia đình những bữa ăn hoàn hảo. Tuy nhiên ở nhiệt độ cao thì chất poly-tetrafluoro ethylene giúp chống dính sẽ sản sinh ra một loại khí độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và các vấn đề khác.

11. Các sản phẩm chăm sóc trẻ nhỏ

Đáng ngạc nhiên là chất chống cháy thường xuyên được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc trẻ nhỏ như bàn ghế, giường cũi và xe đẩy, có thể sẽ tạo ra những chất độc hại cho trẻ. Các chất hóa học từ chất chống cháy gồm có brom và clo là những chất có thể gây ra một số triệu chứng rối loạn tình dục và hệ thần kinh.

Các chất hóa học từ chất chống cháy được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc trẻ nhỏ như bàn ghế, giường cũi và xe đẩy có thể gây rối loạn tình dục và hệ thần kinh.

12. Rèm tắm

Phthalates là chất được sử dụng để làm mềm nhựa hãy cũng như để làm tấm rèm buồng tắm. Chất phthalates có thể làm ảnh hưởng đến chức năng não của trẻ nhỏ như về khả năng học tập và trí nhớ của các em.

13. Thuốc xịt côn trùng 

Các nhà nghiên cứu cho biết thuốc xịt sâu bọ có thể làm tổn thương hệ thần kinh ở trẻ em. Vì thế thay vì sử dụng loại thuốc xịt độc hại và có mùi khó thì các nhà khoa học cũng khuyên nên làm sạch sẽ không gian sống và cất hết mọi loại thực phẩm trong hộp hoặc tủ lạnh.

14. Thức ăn đóng hộp

Bisphenol A (BPA) là chất được tìm thấy trong các hộp đựng thức ăn đóng hộp, và nó là một loại chất hóa học có thể phá vỡ nội tiết tố liên quan đến hiện tượng vô sinh ở nam giới cùng với bệnh tim và tiểu đường. 

15. Ngô và đậu nành

Chất Glyphosate là thành phần hoạt chất có trong thuốc diệt cỏ Roundup và là một trong tác nhân dẫn tới căn bệnh tự kỷ. Những loại cây trồng biến đổi gen như ngô và đậu nành được cho là bị lạm dụng quá nhiều thuốc Roundup đã được các nhà khoa học cảnh báo rằng không nên sử dụng và chỉ nên dùng giống ngô và đậu nành thông thường.

16. Quần áo giặt khô

Dù biết giặt khô ngoài tiệm sẽ nhanh chóng hơn việc giặt ướt ở nhà, tuy nhiên người ta thường dùng một loại hóa chất có tên là perchloroethylene (còn gọi là PCE) để làm sạch khô. Nó được xếp vào hàng những chất có thể gây ra bệnh ung thư hoặc các bệnh liên quan về gan, thận và làm tổn thương tới hệ thần kinh trung ương.

17. TV và máy chơi game

Chất Phthalates ở dây điện và chất chống cháy (BFRs) trong các bảng mạch và vỏ ngoài của các thiết bị chơi game được cảnh bảo sẽ làm suy giảm sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ.

18. Máy tính để bàn và máy tính xách tay

Trường điện từ có khả năng gây hại (EMF) phát ra từ màn hình và máy tính của bạn sẽ rất dễ làm tổn hại tới sức khỏe của bạn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận về việc này nên bạn không cần lo lắng vì đã trót dành quá nhiều thời gian cho máy tính. Tuy nhiên bạn cũng nên bớt thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày để cho mắt và bộ não được nghỉ ngơi.

19. Điện thoại di động

Sóng cao tần RF - dải tần giúp liên kết các thiết bị không dây như di động, máy tính bảng... được cho là có liên quan tới một loạt các bệnh như ung thư, rối loạn chức năng miễn dịch, bệnh thần kinh và rối loạn sinh sản. 

Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa có kết luận nào về sự liên quan này. Mặt khác điện thoại của bạn vẫn có chứa chì, thủy ngân, asen và cadmium - đều là những chất có thể gây hại với liều lượng lớn nên đừng sử dụng điện thoại quá nhiều.

20. Những lời nói cay độc

Có lẽ đây là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của bạn đọc, nhưng rõ ràng trong mỗi chúng ta ai cũng ít nhiều đã nói ra những lời cay độc với người khác. Hãy cố gắng sử dụng những từ làm "đẹp lòng" người khác nhiều hơn, dù đó là người bạn không thích hoặc là người đang dùng những từ cay độc nhất để nói với bạn. Việc làm này có thể không làm bạn khỏe lên hoặc khiến bạn yếu đi, tuy nhiên nó lại giúp bạn được sống thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.

http://vtc.vn/nhung-thu-doc-hai-nhat-ban-su-dung-hang-ngay.321.546129.htm

Theo Huyền Trân/VTC

Bạn có thể quan tâm