Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những thủ khoa suýt không thể vào đại học

Không đủ điều kiện kinh tế, học xong cấp 3, Lô Thị Nga và Chẩu Thị Diễn - người đi làm công nhân, người làm nông phụ giúp cha mẹ - lấy ngắn nuôi dài, ấp ủ thực hiện ước mơ đại học.

Lô Thị Nga (19 tuổi, Nghệ An) lớn lên trong một gia đình thuần nông. Điều kiện kinh tế khó khăn, chị gái cô dù đã đỗ đại học cũng phải gác lại đi làm công nhân. Năm 2021, sau nhiều năm tích cóp vất vả, căn nhà cấp 4 của gia đình Nga được sửa sang lại. Niềm vui chưa được bao lâu, bố Nga bất ngờ phát hiện mắc bệnh ung thư, số tiền tích góp đã dùng cho việc sửa nhà, gia đình Nga ngày một khó khăn hơn.

Gia cảnh Chẩu Thị Diễn (21 tuổi, Tuyên Quang) cũng không khá hơn. Năm lớp 12, mẹ Diễn bất ngờ đổ bệnh, đau đầu và thường xuyên lên cơn co giật đột ngột. Bà được chẩn đoán u màng não, tay trái và chân trái bị liệt, vận động khó khăn, gần như mất khả năng lao động. Bố Diễn phải nghỉ làm công việc thời vụ, ở bên cạnh chăm sóc mẹ. Không ít lần Diễn chứng kiến cảnh bố phải chạy vạy, lo tiền viện mỗi lần mẹ lên cơn co giật hay tiền học phí của 2 chị em.

di lam de di hoc anh 1

Chẩu Thị Diễn là một trong những sinh viên nằm trong top thí sinh có điểm cao đầu vào của trường đại học được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa. Ảnh: Ngọc Bích.

Đi làm để nuôi giấc mơ đi học

Thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Diễn cũng đăng ký nguyện vọng vào đại học. Tuy nhiên, do đã xác định đi làm, Diễn không xác nhận nguyện vọng dù có nhiều tiếc nuối.

Không ít người bất ngờ trước quyết định đi làm công nhân của Diễn. Trước đó, cô từng là một trong những học sinh học tốt nhất khóa, tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi.

Chân ướt chân ráo đến Bắc Ninh, xa nhà, lại ở môi trường mới nhiều vất vả, nữ sinh 18 tuổi không tránh khỏi chông chênh, mất cân bằng. “Mình cảm thấy nhớ nhà và tủi thân, lại thương mẹ bị bệnh mà không thể ở gần để chăm sóc”, Diễn kể.

Sau này, khi được thăng chức lên làm tổ trưởng, trách nhiệm cao hơn, Diễn đối mặt với việc tăng ca liên tiếp. Có ngày, cô đi làm từ 8-23h đêm, nhiều buổi trưa nhịn đói để làm cho kịp đơn hàng. Tuy nhiên, thu nhập nhiều hơn nhờ tăng ca, có thêm tiền gửi về nhà, Diễn lấy đó làm động lực để cố gắng.

Guồng quay cuộc sống của một công nhân không kéo trôi giấc mơ đến trường của Diễn. Gửi tiền về cho gia đình, chi trả chi phí sinh hoạt, Diễn không quên để lại số tiền ít ỏi để mua sách vở. Xác định nếu có cơ hội sẽ học ngành Điều dưỡng để chăm sóc mẹ tốt hơn, Diễn mua sách tiếng Anh và Hóa tự học.

Cô tranh thủ học mỗi ngày, dù đi làm về muộn, nữ sinh cũng cố gắng học 10-20 phút. Diễn sợ khi vào đại học sẽ quên kiến thức, thụt lùi so với các bạn.

Đi làm được gần một năm, Diễn tính đến chuyện thi lại đại học. Tuy nhiên, thời điểm đó, mẹ cô vẫn đau ốm liên miên, em trai còn chưa học xong phổ thông. Diễn quyết định lùi ước mơ đại học thêm 2 năm nữa, đợi em trai ra trường rồi tiếp tục.

Tháng 9/2022, Diễn trúng tuyển vào ngành Điều dưỡng, ĐH Tân Trào, với số điểm 27,95. Hiện tại, gia đình thuộc hộ nghèo, học phí và chi phí sinh hoạt của Diễn được hỗ trợ. Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng, sợ em trai đi làm công nhân không đủ tiền nếu bệnh của mẹ nặng hơn.

di lam de di hoc anh 2

Lô Thị Nga (bên trái) là một trong những thủ khoa đầu vào được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa. Ảnh: Ngọc Bích.

Lo sợ ước mơ bị bào mòn

Lớn lên tại mảnh đất Quỳ Hợp (Nghệ An), Lô Thị Nga cho hay nhiều người trong làng vẫn còn tư tưởng học xong phổ thông rồi đi làm công nhân. Nga thì khác, nhìn sang những anh chị được học đại học, nữ sinh luôn ước mình cũng được phát triển, tự tin, trưởng thành như vậy, chỉ có học mới giúp gia đình cô thoát nghèo.

Nga từng là một học sinh rất tự ti. Tuy nhiên, khi giảng bài cho bạn bè hay các em nhỏ, Nga tự nhận thấy đó là lúc cô tự tin và vui vẻ nhất. Ước mơ làm cô giáo cũng từ đó mà hình thành.

Năm 2021, nữ sinh thi đại học, đỗ ngành Giáo dục Tiểu học, Đại học Vinh, với số điểm 26,65. Biến cố ập đến, bố mẹ không thể lo cho Nga đi học, chị gái dù rất muốn hỗ trợ em nhưng tiền lương công nhân ít ỏi cũng khó mà gồng gánh.

“Chị từng nói nếu mình muốn đi học, chị vẫn cố gắng hỗ trợ, nhưng cả gia đình phụ thuộc chính vào thu nhập của chị, mình không muốn tạo thêm gánh nặng”, Nga nói.

Dù rất buồn vì phải từ bỏ, Nga quyết định theo chân chị ra Bắc Ninh, dự tính làm công nhân trong một năm, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ và tích cóp để năm tới thi lại đại học. Đi làm 12 giờ/ngày, Nga trở về phòng trọ chật hẹp, cô không khỏi rơi nước mắt khi nghĩ đến tương lai.

“Đầu tắt mặt tối, thu nhập bấp bênh, không trải nghiệm, không phát triển không phải là cuộc sống mà mình mong muốn. Mình cảm thấy ngột ngạt, sa sút tinh thần, sợ rằng chưa kiếm đủ tiền đi học, cuộc sống đó đã bào mòn ý chí và giấc mơ đại học của mình”, Nga tâm sự.

Chỉ sau một tuần, dù gia đình ngăn cản, Nga quyết tâm về quê, vừa làm nông phụ giúp cha mẹ, đồng thời ôn thi lại đại học.

“Bố mẹ mình ngăn cản dữ lắm, nhiều người lại nghĩ mình đua đòi theo bạn bè, không chịu khó làm việc. Không một ai ủng hộ, mình khóc rất nhiều. Không ít lần, mình nghĩ bản thân là đồ vô dụng, là gánh nặng cho cả gia đình”, Nga xúc động.

Quãng thời gian khó khăn càng thôi thúc Nga thực hiện giấc mơ. Ban ngày, cô phụ giúp bố mẹ làm công việc đồng áng, chăn nuôi, tranh thủ buổi trưa và tối học bài. Dần dần, thấy con chăm chỉ, quyết tâm, bố mẹ Nga cũng ủng hộ, tạo điều kiện cho con học tập.

Mùa tuyển sinh năm 2022, Nga đăng ký thi lại, đạt 28,5 điểm khối C, trở thành thủ khoa đầu vào của trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Còn nhiều lo lắng về chi phí sinh hoạt, nhưng có sự ủng hộ của bố mẹ, hỗ trợ từ chị gái, Nga phần nào yên tâm, tiếp tục theo đuổi con đường của bản thân. Nữ sinh hy vọng 4 năm nữa, cô sẽ trở thành giáo viên tiểu học, giảng dạy và nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ nhỏ.

“Mình tiếc vì mất đi một năm trải nghiệm và học tập. Tuy nhiên, nhờ đó mà mình mới có thành quả như hôm nay. Mình biết ơn bố mẹ và chị gái, chị đã hy sinh bản thân vì cả gia đình”, Nga nói.

Ngày 1/12, Báo Tiền Phong và quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh và trao học bổng Nâng bước thủ khoa 2022. Chẩu Thị Diễn và Lô Thị Nga là 2 trong 140 sinh viên được nhận học bổng này.

Nâng bước thủ khoa là hoạt động thường niên, có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, trao học bổng cho các tân thủ khoa đầu vào có hoàn cảnh khó khăn của trường đại học, học viện trong cả nước.

Hồ sơ xét chọn dựa trên giới thiệu của các các trường đại học về thành tích học tập, kết quả thi, hoàn cảnh (chứng nhận hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn của chính quyền địa phương) và tâm thư bày tỏ khát vọng, vượt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của các em.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Ra trường sớm, lợi thế nhiều, áp lực cũng không kém

Tốt nghiệp sớm có thể mang lại lợi thế cho sinh viên. Tuy nhiên, việc học dồn để ra trường và đi làm toàn thời gian sớm khiến nhiều người áp lực, khủng hoảng.

Ra truong som lam gi? hinh anh

Ra trường sớm làm gì?

0

Nhiều sinh viên ra trường sớm nhằm tìm một vài tháng lợi thế so với bạn đồng trang lứa nhưng một số người đối mặt với thị trường việc làm nhiều khó khăn.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm