Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ra trường sớm làm gì?

Nhiều sinh viên ra trường sớm nhằm tìm một vài tháng lợi thế so với bạn đồng trang lứa nhưng một số người đối mặt với thị trường việc làm nhiều khó khăn.

Hơn một tháng nay, mỗi ngày 4-5 tiếng, Lê Hạ (22 tuổi) ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại để tìm kiếm việc làm. Hàng chục CV được gửi đi, chỉ một nửa trong số đó được phản hồi, nhưng Hạ không tìm được công việc phù hợp, dù hoàn thành chương trình đại học trước các bạn cùng khóa nửa năm.

“Mình thấy mệt mỏi, thậm chí đôi khi không biết bản thân cần gì, muốn gì. Đối mặt với nhiều câu hỏi về việc làm từ họ hàng, hàng xóm, mình không tránh khỏi suy nghĩ bản thân yếu kém”, Lê Hạ, cử nhân ngành Quản trị kinh doanh một trường đại học tại TP.HCM, chia sẻ với Zing.

Không ít sinh viên muốn tốt nghiệp, ra trường sớm để ổn định công việc, hy vọng có nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp suôn sẻ. Lê Hạ là một ví dụ.

sinh vien tot nghiep anh 1

Lễ tốt nghiệp tại một đại học tại Hưng Yên. Ảnh: Duy Hiệu.

Áp lực bởi ra trường sớm

Năm 2 đại học, nhận thấy chương trình học còn nhiều thời gian trống, Hạ bắt đầu đăng ký nhiều tín chỉ trong một kỳ với suy nghĩ học xong sớm để nhanh ra trường tìm việc.

“Mình nghĩ nếu ra trường cùng một đợt, số lượng cử nhân lớn hơn, đồng nghĩa với cạnh tranh nghề nghiệp nhiều. Tốt nghiệp sớm có thể là ưu thế”, Hạ nói.

Trung bình mỗi kỳ, Hạ đăng ký học khoảng 24 tín chỉ. Cậu nhận thấy việc sắp xếp, dàn trải đều số tín giúp việc học không quá vất vả mà vẫn tiếp thu tốt kiến thức. Thậm chí, cậu vẫn có thời gian đi làm thêm vào buổi tối.

Sau khi hoàn thành chương trình học vào tháng 1/2022, Hạ bắt đầu đi thực tập và ra trường, sớm hơn nửa năm so với các bạn cùng khóa. Ngay sau đó, Hạ quyết định về Nha Trang sinh sống và làm việc để gần gia đình. Mọi kế hoạch dần đổ vỡ từ đây.

Dù vẫn tiếp tục làm trực tuyến với công ty tại TP.HCM, tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, lại không phải là công việc yêu thích, Hạ quyết định xin nghỉ vào cuối tháng 9 vừa qua để tìm kiếm công việc mới.

Tân cử nhân cho biết với nhu cầu tìm công việc hành chính - văn phòng, cơ hội việc làm tại Nha Trang không nhiều, thu nhập cũng thấp hơn so với các địa phương khác. Sau hơn một tháng không có kết quả, việc tìm kiếm công việc phù hợp dần trở nên khó khăn với Hạ.

“Mình nhận thấy bản thân có kiến thức ổn, tự tin với kỹ năng mềm, có lợi thế ra trường và đi làm sớm, nhưng để tìm việc phù hợp lại không hề suôn sẻ. Mình biết bản thân phù hợp và yêu thích công việc gì, tuy nhiên, mình lại không biết làm cách nào để đạt được nó. Nhiều lần muốn trở lại TP.HCM, nhưng mình chưa đủ can đảm vì không muốn xa gia đình”, Hạ chia sẻ.

Ngày ngày ở nhà tìm việc, nhìn sang bạn bè cùng lớp đại học, Hạ biết hầu như mọi người đều có công việc ổn định. Không ít người trong số đó hoàn thành chương trình đại học sau cậu. Áp lực từ người quen đến tự áp lực bản thân, hiện tại, Hạ chỉ hy vọng có việc làm và thu nhập, không nhất thiết phải là công việc yêu thích nữa.

sinh vien tot nghiep anh 2

Văn Phong tốt nghiệp 2 trường đại học sớm hơn quy định 2,5 năm. Ảnh: NVCC.

Tận dụng thời gian

Tương tự Hạ, Văn Phong (24 tuổi) cũng đặt mục tiêu tốt nghiệp sớm, thậm chí tốt nghiệp sớm 2 chương trình đại học. Hiện tại, Phong là cử nhân ngành Tâm lý học - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn và ngành Luật học - ĐH Luật (đều thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội).

Phong cho biết theo quy định, cậu phải hoàn thành 2 chương trình đại học trong 6 năm. Tuy nhiên, Phong chỉ mất 3,5 năm để hoàn thành mục tiêu và thêm 6 tháng chờ xét tốt nghiệp.

Mỗi kỳ, số tín chỉ mà Phong đăng ký lên tới 40-45 tín, bắt buộc phải học cả thứ 7, chủ nhật để đảm bảo thời gian.

“Đầu mỗi kỳ học, mình thường dành thời gian xem xét tiến trình học và thời khóa biểu của cả hai ngành. Từ đó sắp xếp lộ trình học cho cả kỳ, sao cho chương trình học của hai trường không bị trùng và thuận tiện đi lại”, Phong chia sẻ.

Đối với Phong, việc học không chỉ kiến thức, đó còn là trau dồi thêm kỹ năng mềm từ trải nghiệm của bản thân. Cậu vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động của lớp, trường, thậm chí đi làm thêm đúng ngành từ sớm để va chạm nghề nghiệp.

Nguyễn Quân (21 tuổi) cũng lựa chọn học song song 2 chương trình đại học giống Phong. Hiện tại, Quân đang học năm thứ 4, cậu dự kiến hoàn thành cả 2 chương trình vào tháng 1/2023, tức tốt nghiệp sau 3,5 năm.

May mắn, 2 ngành học có nhiều môn đại cương chung, Quân không quá vất vả để hoàn thành. Cậu xác định rõ điểm mạnh, yếu của bản thân, từ đó lên lộ trình rõ ràng cho việc học, hoàn thành chậm nhất trong 4 năm. Tương tự Phong, Quân cũng tham gia 2 câu lạc bộ tại trường và đi làm thêm đúng chuyên ngành từ đầu năm 3.

Cơ hội đều bằng nhau

Chia sẻ với Zing, Quân nhận định việc tốt nghiệp sớm giúp cậu có cơ hội tham gia vào thị trường lao động sớm hơn các bạn đồng trang lứa, giảm thiểu sự cạnh tranh nghề nghiệp, sớm có thu nhập để phục vụ bản thân.

Ngoài ra, hoàn thành chương trình học sớm, Quân có thêm 1-2 năm tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế bên ngoài, nắm rõ được tình hình chung và có cơ hội nâng cao kỹ năng, kiến thức trong công việc, điều đó giúp ích cho sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong khi đó, Văn Phong nhận định cơ hội nghề nghiệp sẽ giữa mọi người là như nhau, không có sự phân biệt giữa các bạn tốt nghiệp sớm và các bạn cùng khóa hoặc muộn.

Tuy nhiên, khi các bạn tốt nghiệp sớm biết tận dụng ưu thế về thời gian của mình, so với sinh viên tốt nghiệp sau, họ có một khoảng thời gian dài đi làm và tích lũy được kinh nghiệm làm việc nhất định.

Sau khi hoàn thành chương trình học, Phong có toàn bộ thời gian tập trung vào công việc mà không bị phân tâm bởi việc học tại trường, thay vào đó là học tập tại môi trường làm việc.

Thực tế, Phong nhận định việc tốt nghiệp sớm đem lại nhiều ưu thế như thời gian đi làm sớm hơn, mức độ trải nghiệm và kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức nhiều hơn.

Ngoài ra, việc dành toàn bộ thời gian cho công việc sẽ khác với việc đi làm thêm hay thực tập trước đây, đồng nghĩa hiệu suất công việc cao hơn.

“Những áp lực từ công việc khiến mình dần trưởng thành và chuyên nghiệp hơn trong công việc. Việc tốt nghiệp sớm giúp mình được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Đó cũng là một phần thể hiện năng lực của mình”, Phong chia sẻ.

Tuy nhiên, Phong nhận định tùy vào khả năng và mục tiêu mà mỗi cá nhân sẽ có lựa chọn của riêng mình. Tốt nghiệp sớm có thể lợi thế, nhưng để phát huy, người học cần nắm chắc các kiến thức và các kỹ năng của ngành mình đang theo học, chủ động tìm kiếm, lựa chọn các công việc phù hợp với năng lực của bản thân để đạt được những bước phát triển tốt nhất.

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

sinh vien tot nghiep anh 3

3 lần đàm phán lương thất bại và tiêu chí chi trả của nhà tuyển dụng

Đàm phán lương là kỹ năng không phải ai cũng thành thạo. Nhà tuyển dụng thường dựa trên khung lương nội bộ, cạnh tranh thị trường, năng lực ứng viên... để đưa ra mức chi trả.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm