Nhiều người đổ tiền vào trung tâm luyện thi, hy vọng đạt chứng để ra trường. Ảnh: Latimes. |
Hoàn thành chương trình đại học từ tháng 6/2021, tuy nhiên, T.T. vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tại trường. Đầu tháng 10/2022, qua lời giới thiệu của bạn thân, T. quyết định chi tiền cho một trung tâm luyện thi chứng chỉ APTIS tại Hà Nội với cam kết “bao đỗ”.
Việc luyện thi chỉ diễn ra vỏn vẹn một tuần trước khi thi, hình thức học online. Một tuần này, T. học 6 buổi, mỗi buổi 2 giờ, học phí 2,3 triệu đồng. Ngoài ra, T. phải nộp thêm 2 triệu đồng phí đăng ký thi.
T. cho biết thêm cô chỉ cần đạt tương đương B1, tuy nhiên, thời gian này, lớp B1 không mở, cô phải đăng ký học cùng lớp B2, C1 để kịp xét tốt nghiệp tháng 9, dù học phí chênh 300.000 đồng và bạn học khác trình độ.
“Bạn mình từng học nên mình chọn trung tâm này, chủ yếu để nhanh có chứng chỉ chứ không quan tâm sẽ học gì. Ngoài ra, trung tâm này thường xuyên đăng quảng cáo theo hướng APTIS sắp đổi hình thức thi hoặc tăng phí thi, mình đăng ký nhanh không sau này tốn tiền, lại thi khó hơn”, T. chia sẻ với Zing.
Luyện thi kiểu học thuộc
Vốn tiếng Anh của T. là con số 0. Đã hoàn thành chương trình đại học và đi làm hơn một năm, việc học lại tiếng Anh từ đầu với T. là điều không dễ. Trước đó, T. cũng chưa từng học tiếng Anh do trường đại học tổ chức đào tạo bởi cảm thấy học không vào, đồng thời mất nhiều thời gian. Cô quyết định thi lấy chứng chỉ, nộp về trường cho nhanh gọn.
APTIS là bài thi kiểm tra tiếng Anh dựa trên các nghiên cứu về khảo thí tiếng Anh của Hội đồng Anh. Bài thi bao gồm 5 phần, Ngữ pháp và Từ vựng, kỹ năng Đọc, kỹ năng Nghe, kỹ năng Nói và kỹ năng Viết.
Theo lời T., trong 6 buổi ôn, học viên được phát 8 bộ đề để ôn tập phần Viết và Nói. Theo lời giáo viên, đề thi tháng 10 chỉ xoay quanh 8 bộ đề này (đề thi đa số chỉ được đổi một tháng/lần, mỗi tháng có nhiều đợt thi). T. cần ôn kỹ cả 8 đề bởi bài thi của cô có thể rơi vào một trong 8 đề đó.
“Quá trình luyện thi khá đơn giản, mình làm bài, giáo viên chữa, sau đó học thuộc phần đã làm và chờ đến ngày thi. Tuy nhiên, 8 đề là quá nhiều với một đứa mất gốc, vốn từ vựng không có như mình, nên mình chỉ học thuộc được khoảng 30%. Mình xác định ôn phần Nghe - Đọc để bù lại”, T. nói.
Khi được hỏi về trình độ giáo viên ra sao, T. thừa nhận do mình kém nên không biết trình độ giáo viên đạt mức nào, cũng không hỏi, “họ cho gì học nấy vì thấy nhiều người khác từng học như vậy cũng đỗ”.
Linh Giang - người từng học và giới thiệu trung tâm này cho T.T. - cho biết cô cũng đăng ký luyện thi vào tháng 2/2022. Thời gian này, phí thi chỉ 1,5 triệu đồng, học phí 2 triệu đồng cho lớp ôn B1.
Trung tâm này cam kết “bao đỗ” với điều kiện học viên đi học và làm bài tập đầy đủ. Nếu kết quả thi không đạt, Giang có thể quay lại trung tâm học miễn phí. Ngoài ra, trung tâm sẽ hỗ trợ 500.000 đồng cho lần thi tiếp theo. Với cam kết và ưu đãi kể trên, Giang quyết định tham gia.
Hình thức học tương tự lớp của T., tuy nhiên, Giang bất ngờ khi lớp học online cô đăng ký lên đến 70-80 học viên. Ngoài ra, do cách khá xa ngày thi, lớp học 5 buổi đầu trong vòng 3 tuần, buổi cuối cùng sát ngày thi mới "học tủ" phần Nghe - Đọc.
“Đương nhiên lớp đông, kể cả có trợ giảng cũng không thể sát sao từng bạn được. Tài liệu được gửi online nhưng bị khóa, mình cũng không thể in ra làm. Tuy nhiên, vì 'học tủ' nên mình đạt chứng chỉ mà không quá vất vả”, Giang kể lại.
Nhiều sinh viên chọn cách học thuộc, học mẹo thay vì lấy kiến thức. Ảnh: Besttravelplaces. |
Mất tiền để học mẹo
Bích Ngọc (23 tuổi, Hà Nội) cũng lựa chọn thi lấy chứng chỉ tiếng Anh bên ngoài. Ngọc cho biết thời điểm năm 2020, trường cô chưa chấp nhận chứng chỉ APTIS, vì vậy cô lựa chọn thi chứng chỉ VSTEP, có phần dễ hơn TOEIC hay IELTS.
Dù đã thi cách đây 2 năm, Ngọc vẫn không thể quên quãng thời gian chật vật luyện thi.
“Mình đăng ký luyện thi với một cô giáo gần trường. Buổi đầu tiên làm bài test, không đạt yêu cầu, cô tư vấn mình học lớp mất gốc, học phí 1,6 triệu đồng. Sau 2 tháng, mình thấy vẫn như không học bởi đa số cô chỉ cho làm đề và chữa. Nhưng cô nói ổn, có thể học lớp ôn VSTEP, vậy là mình tiếp tục đăng ký, đóng thêm 2,3 triệu đồng nữa”, Ngọc nhớ lại.
Chuỗi ngày học mẹo của Ngọc bắt đầu từ đây. Đa số học viên đều mất gốc hoặc ôn cấp tốc, vì vậy, giáo viên không đề cập đến kiến thức mới, chỉ đưa ra các dạng đề hàng năm để học viên làm. Thậm chí học theo hình thức đọc - chép, lan man, không lộ trình và “rối tung với hàng chục đề khác nhau”. Đôi khi, Ngọc không chắc kiến thức giáo viên đưa ra có chuẩn hay không.
Cô cho biết ở phần Viết, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cô học thuộc cấu trúc một số câu, gặp đề thi có dạng liên quan, cô viết y nguyên 2-3 câu đã học thuộc là có điểm, không cần quan tâm nội dung.
Điều này tương tự với kỹ năng Nói, chỉ cần học thuộc theo các chủ đề được dự đoán dễ gặp và học theo bài mẫu soạn sẵn. Đối với bài Đọc, Ngọc được dạy cách đọc lướt, tìm từ khóa, nhưng nếu gặp từ không biết, cô cũng “chịu”.
“Mình hay đa số học viên còn lại đều cảm thấy ném tiền qua cửa sổ, nhưng cũng phải chấp nhận cách học này thôi. Mất gốc, lại sát ngày thi, có người hạn cuối ra trường, nếu không học mẹo, học thuộc thì chẳng qua nổi”, Ngọc chia sẻ.
Ngọc đăng ký thi ngay sau khi kết thúc khóa học. Cuối cùng, cô “lệch tủ”, trượt và mất 1,8 triệu đồng phí thi, dù đi học đầy đủ, làm bài tập và thuộc kha khá mẹo làm bài đúng như cam kết "bao đầu ra" của giáo viên.
“Mình phải chờ gần 3 tháng sau mới có đợt thi lại, mất thêm 1,8 triệu đồng để thi qua. Mình cũng không quay lại lớp học của cô, quyết định tự học, tận dụng tài liệu đã có và xin thêm bạn bè bên ngoài, bài bản hơn, nhưng vẫn là học ‘vẹt’ vì ngày thi gần kề”, Ngọc kể.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.