Những thân phận phía sau bản án…
Trong ngôi nhà chật chội, nhếch nhác, bừa bộn, ông Hồ Duy Tùng (bố của Hồ Duy Trúc) có dáng người gầy xọp, buồn bã tâm sự: "Vợ chồng tôi vốn là những người ít học, quanh năm chỉ biết buôn bán lặt vặt, kiếm ăn qua ngày. Bản thân tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên lập gia đình, bà xã cũng mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn. Cuộc sống bao năm qua chật vật, từng đứa con lớn lên nheo nhóc đói khát, chưa một lần được mặc ấm, no giấc khiến bậc làm cha mẹ chúng tôi cảm thấy đau lòng. Cũng vì khó khăn túng quẫn mà chúng tôi không lo được cho các con ăn học đàng hoàng, bọn nhỏ phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp cha mẹ mưu sinh... Chúng tôi có 7 người con nhưng chỉ mỗi Trúc là con trai duy nhất, nay nó đang đối diện với án tử hình, càng khiến chúng tôi day dứt, khổ tâm".
Bà Nguyễn Thị Út trước khi lấy ông Hồ Duy Tùng cũng trải qua 2 lần đổ vỡ hôn nhân. Hồ Duy Trúc là con áp út, cũng là đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng (Trúc có một người anh cùng mẹ khác cha Nguyễn Văn Thành, 46 tuổi, từ nhỏ đã bị tật nguyền). Sáu chị em gái ruột của Trúc chỉ có một người là được cưới hỏi đàng hoàng; 5 người còn lại đều… theo không về làm vợ người ta, những đứa con ngoài giá thú cũng lần lượt ra đời. Nhưng thật trớ trêu, cả 6 chị em nhà ấy đều chung cảnh ngộ bị “chồng bỏ hoặc bỏ chồng” – để lại cho ông bà ngoại 12 đứa cháu, mẹ của những đứa trẻ ấy tiếp tục mỗi đứa một phương.
Hồ Duy Trúc cúi đầu nhận tội trước tòa. |
Hiện tại, để lo cho đàn cháu, vợ chồng ông Tùng ngày ngày dậy từ 3h chuẩn bị hàng hoa quả đem đi bán dạo. Nhiều năm qua, cuộc sống của hai vợ chồng chỉ biết trông vào xe hàng bán hoa quả lặt vặt, ở chợ Phan Rang, mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng, nuôi cháu nuôi con.
Ông Tùng cho biết, nhìn những đứa cháu, đứa con nheo nhóc, ăn đói mặc rách hai vợ chồng lại cố gắng cầm cự. Cũng vì gánh nặng mưu sinh, họ không có nhiều thời gian để dạy bảo đứa con trai nên người. Cả tuổi thơ của Trúc cùng các chị gái phải sống trong nghèo đói, thiếu thốn. Trúc vốn là một đứa trẻ có bản tính nhút nhát, tự ti, không biết từ khi nào đã trượt dài vào vòng tội lỗi, càng khiến vợ chồng ông Tùng bà Út đau đớn ân hận.
Hồ Duy Trúc cũng là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để hai vợ chồng ông tiếp tục sống, nuôi đàn con và cháu. Vì thế, khi biết tin con mình là thủ phạm của những vụ cướp táo tợn, bị công an bắt giữ, cả hai vợ chồng đều cảm thấy suy sụp vô cùng.
Ở phiên tòa phúc thẩm, bố mẹ Trúc đều chung vẻ gầy gò lam lũ, thảm thiết cầu xin cho đứa con ngỗ nghịch của mình một cơ hội sống để chuộc lại lỗi lầm. Họ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để kiếm được khoản tiền đền bù cho bị hại, với mong mỏi hội đồng xét xử sẽ xem xét cho con trai mình thoát án tử hình, nhưng những nỗ lực đó đã không thành – phiên tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình Hồ Duy Trúc.
Giờ đây, mỗi ngày trôi qua cũng có nghĩa rằng cuộc sống của con dần bị ngắn lại, hai vợ chồng vẫn tiếp tục những nỗ lực cuối cùng tìm kiếm cơ hội cứu con. Hiện ông Tùng đã làm đơn gửi Chủ tịch nước xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con mình.
Thủ tục pháp lý bắt buộc để được xét giảm án…
Đành rằng pháp luật vốn nghiêm minh, nhưng quả thật phía sau tử tù Hồ Duy Trúc là những mảnh đời, những thân phận rất đáng thương. Do vậy, tôi cứ ám ảnh bởi diễn biến xảy ra tại phiên tòa, tử tù bày tỏ sự ân hận, lý nhí cất lời xin lỗi các bị hại và mong có được cơ hội sống để chuộc lại lỗi lầm. Và thật bất ngờ, bản thân nạn nhân lại là người viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã lạnh lùng vung dao chém vào cánh tay mình hòng cướp chiếc xe SH.
Trước phán quyết của tòa, câu hỏi liệu rằng tử tù Hồ Duy Trúc đã hết khả năng cải tạo hay chưa, cũng là điều khiến nhiều người nghĩ tới.Đem thắc mắc trao đổi với luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật, Đoàn luật sư Hà Nội, người từng có thời gian 23 năm làm công tác điều tra tội phạm của công an Hà Nội, với hy vọng tìm kiếm lời giải đáp thấu tình đạt lý, tôi đã nhận được những lời phân tích, sẻ chia.
Theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, xét về lý, hành vi phạm tội của Hồ Duy Trúc là rất nghiêm trọng và mức án phải tương xứng để đảm bảo tính răn đe. Nhưng ở vụ án này, nếu xét về tình có thể thấy Trúc sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết nên đã phạm tội nghiêm trọng.
Trong việc này, trách nhiệm không chỉ là gia đình, mà còn có các cơ quan đoàn thể ở địa phương. Đáng lẽ ngay từ khi Trúc cùng đồng bọn gây ra những vụ cướp, thì cơ quan chức năng phải tích cực điều tra truy tìm, ngăn chặn ngay lập tức, theo tinh thần mọi hành vi phạm tội đều phải kịp thời được phát hiện xử lý, để ngăn chặn các hành vi phạm tội tiếp theo của hung thủ. Bởi các hành vi phạm tội sau thường nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn hành vi trước.
Rõ ràng, nếu Trúc bị kịp thời xử lý ngay từ đầu – cũng là cơ may cho anh ta được sự giáo dục, cải tạo từ các cơ quan pháp luật, để nhận thức được sai lầm và không có cơ hội để tiếp tục gây án tới 15 vụ như thế.
Việc Trúc và các đồng bọn bị tuyên án nghiêm khắc cũng là cần thiết để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa chung. Nhưng đối với vụ án này, phần nào đó cũng nên xem xem xét đến điều kiện hoàn cảnh gia đình Trúc. Bố mẹ già yếu, anh chị em khó khăn, các cháu nhỏ bơ vơ, vợ trẻ con thơ… mà Trúc là trụ cột, lại là con trai duy nhất. Nên gia đình mong muốn các cơ quan chức năng có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt để tử tù có cơ hội ăn năn hối cải, làm lại cuộc đời cũng là hợp lý. Nếu không được tòa án chấp thuận, thì gia đình và quan trọng hơn là bản thân Trúc phải làm đơn gửi Chủ tịch nước, xem xét giảm nhẹ hình phạt.
"Mặc dù ông Hồ Duy Tùng, bố Trúc cũng đã làm đơn gửi Chủ tịch nước xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng như thế chỉ là để xem xét. Quan trọng và có ý nghĩa hơn, phải là do chính bản thân Trúc viết đơn – đây là một thủ tục pháp lý bắt buộc để được xem xét. Vì như vậy, mới có cơ sở để xem xét bản thân tử tù có chuyển biến nhận thức như thế nào? Có ăn năn hối cải hay không? Có còn khả năng để cải tạo nữa hay không? Từ đó để có cơ sở đi đến quyết định tước bỏ tính mạng của tử tù hay không?
Trong trường hợp Trúc không viết được đơn (do không biết chữ, hoặc không đủ khả năng để viết) thì có thể nói để người khác viết hộ và có người làm chứng sau đó Trúc ký vào đơn thì cũng có giá trị pháp lý như trực tiếp Trúc viết đơn", luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói.
Theo dõi diễn biến vụ án, luật sư cũng cho rằng, ở phiên tòa phúc thẩm, Trúc có thái độ ăn năn hối cải, mong muốn được có cơ hội sống chuộc lại lỗi lầm. Phía gia đình Trúc cũng nỗ lực đền bù thiệt hại cho nạn nhân và nạn nhân cũng đã làm đơn xin giảm án tử hình cho Trúc. Đó đều là những căn cứ pháp lý được quy định tại Bộ luật hình sự, để xem xét việc giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Dẫu biết rằng, người ta khó có thể đem hoàn cảnh để biện minh cho hành động tội lỗi. Nhưng nghĩ về những đứa trẻ ngây thơ côi cút, nương nhờ vào sự cưu mang của hai ông bà già còm cõi bởi gánh nặng mưu sinh, đang tái mặt bởi những đòn nghiệt ngã của số phận, thật khó khiến tôi có thể tránh khỏi những ngậm ngùi chua xót. Đặc biệt, hình ảnh cậu con trai chưa tròn tuổi của Hồ Duy Trúc, nhoẻn miệng cười khi ngồi trong lòng ông nội, bé vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu được nỗi đau đang hiện hữu. Người viết, thực lòng mong mỏi một phép lạ sẽ xảy ra đối với gia đình khốn khổ ấy.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: "Ở phiên tòa phúc thẩm, Trúc cũng có thái độ ăn năn hối cải, mong muốn được có cơ hội sống chuộc lại lỗi lầm. Phía gia đình Trúc cũng nỗ lực đền bù thiệt hại cho nạn nhân và nạn nhân cũng đã làm đơn xin giảm án tử hình cho Trúc. Đó đều là những căn cứ pháp lý được quy định tại Bộ luật hình sự, để xem xét việc giảm nhẹ tội cho bị cáo".