Những tình huống bất ngờ khi thuê chú rể trăm triệu
T. cho biết, nhiều người tìm đến công ty tỏ ý muốn tổ chức cả lễ ăn hỏi, lễ cưới chỉ trong... một ngày nên dẫn đến những tình huống bi hài.
Hôm đó, khi nhà chú rể hờ đến, bà con chòm xóm của cô dâu xì xào bàn tán rằng chẳng hiểu sao nhà trai lại làm sơ sài thế, khinh thường chòm xóm chắc vì con gái đã mang bầu nên người ta không làm to. Là người đã từng trực tiếp tham gia đám cưới giả, T. bảo thấy cũng có nhiều "nhạc phụ, nhạc mẫu" ngậm ngùi khi đám cưới của con gái mình diễn ra quá "nhanh gọn" nhưng vì chuyện đã rồi họ đành tặc lưỡi cho qua, miễn là lo xong việc "cả đời" cho con.
Tuy vậy, cũng có trường hợp phía nhà gái yêu cầu phải tận mắt nhìn thấy tờ giấy kết hôn thì mới cho đón dâu. Nhưng điều này cũng chưa "sợ" bằng khi đám cưới xong xuôi, nhà gái bắt "chú rể" ở lại buổi tối, để nói chuyện. Khi đó, chú rể hờ sẽ phải tự biết tiết chế, càng nói ít chuyện riêng tư càng tốt. T. còn tiết lộ một kinh nghiệm: "Buổi ra mắt nhà gái, "chú rể" chỉ nên đi trong ngày, tránh trường hợp ở lại qua đêm vì khi cả nhà ngồi ăn cơm, dễ bị hỏi nhiều, dù có chuẩn bị chu đáo, chú rể cũng khó tránh được sơ hở".
Ảnh minh họa. |
Thấy khách tỏ vẻ chưa yên tâm về mức độ "an toàn" của một đám cưới giả, về chú rể hờ, T. khẳng định: "Chưa một đám cưới nào do công ty tổ chức bị phát hiện là giả vì trước khi làm, công ty đã tính toàn kỹ lưỡng mọi tình huống có thể phát sinh. Do vậy, chị có thể yên tâm". T. bảo có một trường hợp phát sinh ngoài kịch bản mà đến giờ T. vẫn còn nhớ rõ. Đó là sau khi tổ chức "đám cưới" cho người phụ nữ trên Phú Thọ, vài ngày sau, cô chú của cô dâu ngỏ ý muốn đến nhà trai dưới Hà Nội chơi. May sao bác "thông gia" (đang là nhân viên của công ty) vẫn còn nhớ mặt hai người này nên đã ra mời nước, chào hỏi nên cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp. Sau đó, thi thoảng, họ hàng nhà gái vẫn gọi điện xuống Hà Nội thăm hỏi "nhà trai".
Được biết, hầu hết những người làm "diễn viên đóng thế" trong các đám cưới giả đều được sự ủng hộ của người thân. Có nhiều người ở Hà Nội đã nhiều lần "nhập vai" bố mẹ chồng, khi nhà gái xuống chơi vẫn mời cơm, nước chu đáo.
T. kể: "Đợt làm đám cưới cho một chị ở Ninh Bình cũng đã có sơ suất do làm quá sơ sài. Chị này không về ra mắt, cưới và ăn hỏi gộp luôn trong một ngày. Nhà trai cho "đoàn" xuất phát từ 3h sáng, đến Ninh Bình lúc 6h thì 7h ăn hỏi, chiều dựng rạp cưới luôn. Thấy đám cưới diễn ra quá gấp gáp nên họ hàng nhà cô dâu có bàn ra tán vào".
T. tâm sự hầu hết những người đóng vai chú rể đều qua nhiều vòng sơ tuyển. Khách có thể đến và chọn chú rể theo ý mình. Tuy nhiên, nghề nghiệp chú rể sẽ do phía công ty quyết định. Khi nói về cơ quan của chú rể, nhất thiết phải là một công ty không quá nổi tiếng, càng ít người biết đến càng tốt. Tuy nhiên, nghề nghiệp của mình thì "chú rể" phải nắm vững, đề phòng khi người nhà cô dâu hỏi. T. cũng cho biết, công ty hạn chế tuyển dụng "chú rể" người Hà Nội, để tránh những ồn ào không đáng có.
Khi chúng tôi viện lý do có việc phải đi nhưng lại muốn gặp T. ở công ty thêm lần nữa để "chốt giá", dường như lúc này đã yên tâm về khách hàng (là tôi), T. đồng ý cho tôi một địa chỉ chuyên cung cấp dịch vụ cưới hỏi trọn gói trên đường Láng (Hà Nội).
Giấy đăng ký kết hôn sẽ được làm giả? Theo lời T., rắc rối và khó nhất có lẽ là thủ tục làm giấy đăng ký kết hôn giả cho đôi trẻ. Trước ngày cưới, bao giờ T. cũng lấy đủ thông tin của chủ tịch xã, phường nơi cô dâu cư trú. "Chị sẽ phải ra phường xin giấy giới thiệu là công dân ở đó nhưng thông thường sẽ đăng ký ở nơi "chú rể" cư trú để tránh nghi ngờ. Sau đó, phía công ty sẽ liên kết với một cơ sở chuyên làm giả giấy đăng ký kết hôn với giá 100.000 đồng/giấy". T. còn nhắc các cô gái khi mang giấy đăng ký kết hôn về thì nên đưa cho bố mẹ và người nhà xem vào buổi… tối, để tránh bị phát hiện. |
Theo Người Đưa Tin