Những dãy nhà cao chót vót chen chúc bên bờ sông Gan là minh chứng cho sự bùng nổ bất động sản từng thay đổi thành phố Nam Xương, miền Đông Trung Quốc.
Từ một trung tâm sản xuất thô sơ, Nam Xương đã trở thành một đô thị hiện đại của tỉnh Giang Tây.
Tuy nhiên, giờ đây, những tòa nhà chọc trời này lại cho thấy một vấn đề rất khác: Thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp khủng hoảng, quay cuồng sau nhiều năm xây dựng quá mức, theo New York Times.
Khủng hoảng
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển thịnh vượng trong hai thập kỷ qua, thành phố Nam Xương đã xây dựng các khu chung cư lớn và nhiều tòa văn phòng sang trọng để đáp ứng nhu cầu nhà ở và nơi làm việc.
Thành phố theo đuổi kế hoạch mở rộng đô thị với phương châm tăng trưởng bằng mọi giá: “Tiến về phía đông, kéo dài về phía nam, mở rộng về phía tây, hội nhập về phía bắc và phát triển ở trung tâm”.
Tuy nhiên, sự gián đoạn kéo dài trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã cho thấy vấn đề bất cập khi cung vượt quá cầu.
Theo báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Beike, gần 20% nhà ở tại Nam Xương bị bỏ trống - tỷ lệ cao nhất trong 28 thành phố lớn và vừa tại Trung Quốc. Beike đã xóa báo cáo sau đó vì thông tin “không chính xác” và “không phản ánh tình hình thực tế”.
Nhiều tòa nhà bỏ trống ở thành phố Nam Xương. Ảnh: New York Times. |
Song vấn đề ở Nam Xương chỉ rõ những thách thức lớn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi cố gắng vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.
Trong thời kỳ suy thoái trước đây, Bắc Kinh tập trung chi tiêu cho bất động sản và cơ sở hạ tầng để khởi động lại nền kinh tế. Nhưng lần này, biện pháp đó không dễ dàng.
Các chủ thầu đang gánh nợ, nhiều thành phố tràn ngập những ngôi nhà trống và tài chính địa phương cạn kiệt sau nhiều năm chi trả cho việc xét nghiệm Covid-19.
Trong năm 2022, chính quyền Trung Quốc và các địa phương đã tung ra nhiều biện pháp thu hút người mua nhà, thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ biện pháp kiểm soát dịch nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất đang quá nóng.
Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2022, đảo ngược đà trượt dốc kéo dài trong thời kỳ cao điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà phục hồi này đang dần suy yếu. Trong tháng 4, tốc độ tăng giá nhà ở tại nước này đã chậm lại.
Sự phục hồi cũng không diễn ra đồng đều. Giá nhà tăng mạnh trở lại ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong khi đó, tại các thành phố hạng hai như Nam Xương, quá trình phục hồi trì trệ hơn.
Theo nghiên cứu của ông Kenneth Rogoff - giáo sư Đại học Harvard và nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vấn đề nhà ở tại các thành phố nhỏ dễ nhận thấy hơn vì tình trạng xây dựng quá mức tại đây phổ biến hơn. Ông cho rằng nền kinh tế khu vực không theo kịp tốc độ xây dựng nhà.
“Trung Quốc đã xây dựng bất động sản và cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, lợi ích giảm dần”, ông nói.
Thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào cuối những năm 1990 tại các thành phố lớn nhất, trước khi lan sang các khu vực đô thị nhỏ hơn vào những năm 2000.
Nước này đã xây dựng khoảng 2 triệu căn hộ vào năm 2000 và hơn 7 triệu căn hộ/năm vào giữa những năm 2010.
Bất động sản nhanh chóng trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, giúp tạo việc làm, hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương thông qua chính sách cho thuê quyền sử dụng đất, đồng thời cung cấp lựa chọn đầu tư đáng tin cậy cho những người muốn tích lũy của cải.
Lưỡng lự
Tuy nhiên, ở những khu vực như thành phố Nam Xương, số lượng công trình xây dựng không phù hợp với mức tăng dân số. Trong thập kỷ trước năm 2021, số lượng nhà ở xây dựng hàng năm tại đây tăng gần gấp đôi, trong khi dân số chỉ tăng 25%.
Tính đến năm 2022, Nam Xương có số lượng tòa nhà cao hơn 200 m bằng với Bắc Kinh, song dân số Bắc Kinh đông gấp 3 lần thành phố này. Bắc Kinh cũng có sản lượng kinh tế đứng thứ hai Trung Quốc, trong khi Nam Xương xếp thứ 36.
Năm 2021, công ty bất động sản thương mại JLL cho biết tỷ lệ văn phòng trống ở Nam Xương là 40%.
Người dân lưỡng lự do thị trường bất động sản bất ổn tại Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Cinderella Fang, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Nam Xương. Suốt thời thơ ấu, khu vực xung quanh nhà cô đều chưa được quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đã biến thành một tòa chung cư 30 tầng.
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Bắc Kinh, Fang trở lại Nam Xương vào năm 2019 với hy vọng tìm được việc làm và mua một căn nhà giá phải chăng.
Nhưng chỉ một tháng sau đó, cô đã chuyển đến Thượng Hải. Công việc duy nhất cô có thể tìm được ở Nam Xương là nhân viên marketing với mức lương chỉ bằng 1/3 số tiền kiếm được ở Bắc Kinh.
“Thị trường việc làm ở Nam Xương không tốt”, Fang chia sẻ.
Andie Cao, cư dân Thượng Hải, cũng từng nuôi hy vọng chuyển đến Nam Xương với mong muốn tìm một ngôi nhà giá phải chăng.
Ngay sau khi con gái chào đời năm 2019, Cao đã mua một căn hộ chưa hoàn thiện ở Nam Xương và dự định chuyển đến thành phố này cuối năm 2021 - thời điểm dự kiến hoàn thành tòa nhà.
Tuy nhiên, chủ đầu tư gặp vấn đề tài chính và ngừng xây dựng từ tháng 7/2021. Sau một năm trả khoản thế chấp, Cao và các chủ nhà khác đã cùng khơi dậy làn sóng “tẩy chay thế chấp” vào tháng 7/2022.
“Việc tẩy chay dường như phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của khách hàng về khả năng giao nhà của những chủ đầu tư đang ngập trong nợ nần”, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định với Time.
Không những vậy, Andie Cao cũng cho biết người môi giới hứa hẹn căn hộ nằm khu vực có cơ sở hạ tầng tốt. Song trên thực tế, tòa nhà được quy hoạch tại khu vực kém phát triển hơn ở ngoại ô thành phố.
“Mọi người đều bị lừa dối. Nếu không, tại sao lại có nhiều người mua nhà ở vùng ngoại ô như vậy?”, cô nói.
Trong khi đó, ông Zou Shengji, nhà môi giới bất động sản ở Nam Xương, cho rằng dư luận tiêu cực đã khiến nhiều người mua nhà tiềm năng “sợ hãi và lo lắng”.
Trong kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua - thường là thời điểm bận rộn trên thị trường bất động sản, nhóm của ông Zou chỉ bán được chưa đến 20 căn hộ, tương đương 1/3 số lượng cùng kỳ hai năm trước.
“Nhiều người đang thực sự lưỡng lự”, ông Zou nói.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.