Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trái tim đập thổn thức trong lồng ngực người xa lạ

Khi thấy hình ảnh thùng đựng tim của anh Khiêm trên máy bay, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!".

Khi được đưa vào cơ thể người xa lạ, trái tim được hiến tặng ấy đã đập mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sự sống được tiếp nối một cách kỳ diệu.

Trái tim đi nửa vòng đất nước

Đầu tháng 6/2018, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (xã Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, nằm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch.

Sau 10 ngày, bác sĩ gọi vợ anh là chị Nguyễn Thị Thu Hằng vào cho biết chồng chị đã bị chết não, không thể sống lại được.

“Bây giờ có rất nhiều người cần nội tạng để tiếp tục sống. Gia đình có thể hiến được không?”, bác sĩ đặt vấn đề.

Lúc đầu, chị Hằng không đồng ý bởi nghĩ đến điều đó đã khiến chị đau xót. Chị gọi điện xin ý kiến của mẹ chồng và nhận được sự đồng ý từ bà. Bà cho rằng “đó là việc làm phúc”.

Hien tang anh 1
Cuộc gặp gỡ giữa vợ anh Khiêm và người nhận tim. Ảnh: TA

Ngày 18/5, trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống một bệnh nhân bị suy tim đã 2 năm. Khi thấy hình ảnh thùng đựng tim của anh Khiêm trên máy bay, cháu ruột anh đã không nén được đau thương, thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!".

Cùng lúc đó, chuyến xe đưa anh Khiêm về với đất mẹ đang chuyển bánh đều. Ở quê nhà, gia đình lo hậu sự cho anh Khiêm chu toàn. Nhưng ở nơi cách quê hơn 600 km, trái tim anh Khiêm đang được đưa vào cơ thể một người đàn ông xa lạ.

Sau hơn 2,5 giờ phẫu thuật cấy ghép, đội ngũ y bác sĩ trong phòng mổ vỡ òa sung sướng, hạnh phúc bởi trái tim đã được đặt vào cơ thể bệnh nhân và bắt đầu đập trở lại trong lồng ngực. Ca phẫu thuật ghép tim thành công và một sự sống mới được bắt đầu.

Cuối tháng 11, lần đầu tiên gia đình anh Khiêm gặp người được nhận trái tim của anh - chú Trần Tuấn.

“Nhịp thở của tôi do cháu Khiêm mang lại. Giờ đây, tôi không còn sống cho bản thân mình nữa mà còn sống cho hai người, sống thay cả phần cháu Khiêm”, ông Tuấn tâm sự.

Trái tim của thanh niên chết não đập kỳ diệu trong ngực cậu bé 15 tuổi

Năm 12 tuổi, Cơ bất ngờ bị phát hiện mắc bệnh giãn tim. Trước đó, anh trai Cơ cũng qua đời vì căn bệnh này nên gia đình rất lo lắng.

“Chồng tôi qua đời vì ung thư cách đây vài năm. Tôi một nách nuôi các con khôn lớn, khi nghe Cơ lại mắc căn bệnh này, tôi thật sự suy sụp”, bà Huỳnh Thị Ánh, mẹ Cơ tâm sự.

Mẹ Cơ đã vay mượn khắp nơi, trong suốt 2 năm, tháng nào hai mẹ con Cơ cũng vào TP.HCM để đặt máy tạo nhịp tim cho cậu. Hy vọng con trai có thể khỏe mạnh trở lại ngày một vơi đi.

Hien tang anh 2
Phạm Văn Cơ hồi tỉnh sau khi được ghép tim. Ảnh: Bệnh viện TƯ Huế.

Sau đó, Cơ được mẹ đưa tới Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Lúc này, Cơ đã bị suy tim giai đoạn cuối, trái tim giãn to gấp 3 lần bình thường khiến lồng ngực cũng bị nhô cao, thời gian sống không còn nhiều.

Nhiều ngày chờ đợi, ngày 13/6, bà Ánh nhận được cuộc gọi của bác sĩ thông báo đã tìm được người hiến tim phù hợp để ghép cho Cơ. Bệnh viện cũng cho biết, gia đình chuẩn bị 300 triệu đồng để phẫu thuật. “300 triệu với gia đình tôi là con số khổng lồ, tôi biết đào đâu ra. Nhưng lúc ấy, tôi đánh liều ký mổ thôi. Nếu nó sống thì cả hai mẹ con cùng sống. Nếu chết, cả hai mẹ con cùng đi với nhau”, bà Ánh chia sẻ.

Khi nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức phù hợp với bệnh nhân Cơ, GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, xin dừng họp Quốc hội, chạy thẳng đến Bệnh viện Việt Đức để tham gia lấy tạng.

Hien tang anh 3
Các bác sĩ ở Bệnh viện TƯ Huế tiến hành ghép tim cho Phạm Văn Cơ. Ảnh: Bệnh viện TƯ Huế

Sau khi lấy tạng thành công, GS Hiệp cùng các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trực tiếp vận chuyển vào Đà Nẵng bằng máy bay, rồi tiếp tục chuyển vào Bệnh viện TƯ Huế. Đêm 13/6, ca ghép tim được thực hiện. Đến 4h ngày 14/6, ca mổ thành công.

9 giờ ngày 14/6, Cơ tỉnh dậy, bà Ánh òa khóc, nắm chặt tay con. “Mẹ ơi, vợ con đâu rồi?”. Đó là câu đầu tiên Cơ thốt ra với mẹ khi tỉnh dậy sau ca ghép tim. Bà Ánh chết lặng, “Thôi, thế là con bị mất trí nhớ rồi”. Một tháng sau, Cơ mới hoàn toàn tỉnh táo.

Hơn 6 tháng sau ngày được ghép tim, Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Đà Nẵng) đã tăng 10 kg và khỏe mạnh. Cơ cho biết hiện tại sức khỏe của em đã ổn định, sinh hoạt đã trở lại bình thường.

Sự kiện bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) hiến giác mạc đã gây xúc động cho toàn xã hội. Từ tấm gương của cô bé, hàng ngàn người đã tự nguyện đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để ghi tên mình vào danh sách những người sẵn sàng hiến tặng mô/tạng khi chết/chết não.

Chỉ 10 ngày sau khi bé Hải An qua đời và hiến giác mạc nhường ánh sáng cho người khác, đã có tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng. Sau hơn 5 năm Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đi vào hoạt động, đến nay cả nước đã có 19.300 người đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não.

Người phụ nữ hơn 40 năm chung sống với hàng trăm khối u

Từ khối nhỏ li ti, chúng lớn dần, dày đặc, đủ kích cỡ khắp cơ thể khiến người phụ nữ này phải chung sống với những khối u xơ thần kinh hơn 40 năm qua.



Phạm Anh

Bạn có thể quan tâm