Ghép từ tiếng Việt: Đây là thử thách nằm trong vòng chơi “Phản xạ” tại game show Vua Tiếng Việt. Theo đó, người chơi phải sắp xếp các chữ cái thành từ có nghĩa. Dù đều là từ ngữ quen thuộc được sử dụng thường ngày, nhiều câu đố vẫn làm khó người chơi phải tìm ra đáp án trong khoảng thời gian ngắn. Từ những tập phát sóng đầu tiên, chương trình nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, khi cho thấy sự phong phú của kho tàng từ vựng Việt Nam. Ảnh cắt từ clip. |
Trò chơi cũng tạo ra trào lưu tìm hiểu ngôn ngữ với thế hệ trẻ. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ hưởng ứng trend này bằng cách sáng tạo những câu đố có độ khó cao nhằm thử thách bạn bè tham gia. Ảnh cắt từ clip. |
Check-in tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Sau 10 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 11, thu hút người dân tới tham quan, trải nghiệm. Khu vực sân ga nhanh chóng trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của giới trẻ. Từ đó, trào lưu check-in tàu điện xuất hiện và lan tỏa trên mạng xã hội. Ảnh: Phạm Thắng |
Các bức tường màu sắc ở sân ga, cầu thang hay góc ngắm thành phố từ trên cao… đều trở thành bối cảnh cho các tấm hình “sống ảo” của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, trào lưu này nhanh chóng hạ nhiệt. Dù vào ngày cuối tuần, lượng người đến chụp ảnh, trải nghiệm các chuyến tàu điện trên cao khá ổn định, không còn cảnh đông đúc như những ngày đầu dự án đi vào hoạt động. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tách kẹo đường: Sau khi loạt phim sinh tồn Squid Game ra mắt vào giữa tháng 9, món kẹo đường nhanh chóng trở thành cơn sốt của giới trẻ. Trong phim, người chơi phải dùng cây kim để tách chiếc kẹo giòn, dễ vỡ theo đường viền định sẵn gồm hình tròn, tam giác, cái ô hoặc ngôi sao. Sau đó, không ít bạn trẻ chế ảnh hộp kẹo thành đủ hình thù phức tạp với nhiều chi tiết. Trào lưu này được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Netflix. |
Tại Hàn Quốc, kẹo đường dalgona hay ppopgi (được làm từ đường và baking soda) là món ăn vặt phổ biến trên đường phố những năm 70, 80. Sau bộ phim, cơn sốt tự làm kẹo đường nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhiều bạn quay video chia sẻ cách làm món ăn vặt này tại nhà và hưởng ứng trò tách kẹo. Các bộ dụng cụ làm dalgona cũng được rao bán trên nhiều trang thương mại điện tử lớn. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người phải chôn chân trong nhà, kẹo đường từng gây sốt cộng đồng mạng thế giới dưới dạng đánh kem bông xốp, cụ thể là món cà phê dalgona Hàn Quốc. Ảnh: Netflix. |
“Chị ong nâu thất tình”: Đầu tháng 7, Hwang Cho, nhóm chuyên thực hiện các clip hài trên mạng, đăng tải video thể hiện “phiên bản thất tình” của ca khúc Chị ong nâu và em bé (cố nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác). Khác xa với giai điệu vui vẻ gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều bạn trẻ, “chị ong nâu thất tình” da diết, u sầu hơn khi được phối lại dưới nền nhạc ballad. Điểm nhấn của bản phối này nằm ở đoạn ngân dài, nhấn nhá chữ “nâu”. Giọng ca thật đằng sau bài hát là Soi Nguyễn (23 tuổi) - khi đó là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh cắt từ clip. |
Sau khi nghe bản cover, nhiều người thừa nhận quên luôn bài hát gốc. Cũng từ đây, một số bạn trẻ thử áp dụng lối hát mới trên nền nhạc khác nhau, tạo ra nhiều phiên bản như Chị ong nâu và em bé Kpop, Nhật, Trung, Âu Mỹ, thậm chí là bolero, rap. Tương tự, các ca khúc thiếu nhi khác như Một con vịt, Cháu yêu bà cũng được phối lại dưới nền nhạc ballad. Tuy nhiên, sự lan tỏa mạnh mẽ của Chị ong nâu và em bé trong thời gian ngắn đã tạo nên ý kiến trái chiều. Dù đa số đều cảm thấy trào lưu này vui vẻ và giải trí, một số ý kiến cho rằng các biến thể này nhảm nhí, thảm họa, ảnh hưởng giá trị của ca khúc gốc và không phù hợp để mang ra đùa giỡn như vậy. Ảnh cắt từ clip. |
Đóng góp quỹ vaccine: Đầu tháng 6, hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, nhiều bạn trẻ đồng loạt chia sẻ tin nhắn chuyển khoản, kêu gọi người thân tham gia, tạo nên trào lưu đẹp trong cộng đồng. Bên cạnh lan tỏa trong nước, hoạt động ý nghĩa này còn được bà con kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc xa quê hương hay tổ chức của người Việt ở nước ngoài hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhiều bạn trẻ còn nghĩ ra cách riêng để kêu gọi mọi người đóng góp cho quỹ vaccine. Nhờ mở phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật và được người thân quyên góp thêm, Phạm Thiệu Bảo (17 tuổi, Hà Nội) (ảnh trái), hiện là du học sinh Mỹ, gửi 43 triệu đồng vào quỹ. Hay 3 anh em Phạm Gia Đức Minh (17 tuổi), học sinh Trường Quốc tế Anh Việt TP.HCM, hái xoài trong vườn bán để ủng hộ quỹ vaccine cũng khiến nhiều người ấm lòng. Ảnh: NVCC. |