Lauren Keys (sinh năm 1990) và chồng Steven Keys theo đuổi phong trào FIRE. Dù đã độc lập tài chính và sở hữu khối tài sản ròng 1 triệu USD, họ vẫn làm việc chứ không hoàn toàn nghỉ hưu. Ảnh: @tripofalifestyle/IG. |
Jace Mattinson đã nghỉ hưu ở độ tuổi 36. Bốn năm trước, anh bán công ty khai thác gỗ của mình với mức giá 7 con số và đã có đủ tiền tiết kiệm để không bao giờ phải làm việc nữa. Đó là một suy nghĩ hấp dẫn sau 5 năm điều hành một doanh nghiệp “cực kỳ khó khăn”.
"Tôi chơi golf 3-4 lần một tuần. Tôi làm những gì mình muốn làm mà không có thời gian thực hiện suốt 10 năm qua vì quá bận", Mattinson nói với Business Insider.
Nhưng sau 8 tháng, Mattinson nhận ra việc nghỉ hưu sớm không trọn vẹn như anh tưởng tượng. Người đàn ông quay trở lại công việc phân phối gỗ và hồi sinh podcast tài chính của mình. Anh tiếp tục là tấm gương cho các con về việc lao động chăm chỉ.
Mattinson là hình mẫu lý tưởng của những người theo đuổi phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm). Những người theo đuổi lối sống này thường làm việc chăm chỉ, tối đa hóa nguồn thu nhập, đồng thời sống thắt lưng buộc bụng, đầu tư thận trọng sao cho có đủ tiền tiết kiệm để nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu trung bình là 64.
Nhưng thế hệ trẻ, bao gồm cả Mattinson, cho biết họ đã không còn quan tâm đến việc nghỉ hưu sớm nữa, ngay cả khi đã sở hữu khối tài sản triệu USD.
Chọn 'FI' bỏ 'RE'
Những người theo phong trào FIRE thường tiết kiệm hoặc đầu tư phần lớn thu nhập của mình. Một số người phải làm một lúc nhiều công việc hoặc trì hoãn các cột mốc quan trọng trong cuộc đời như kết hôn hoặc sinh con.
Jace Mattinson hối hận khi đã nghỉ hưu sớm. Sau đó anh quyết định làm việc trở lại để làm gương cho các con. Ảnh: @jacemattinson/IG. |
FIRE gồm 2 vế: FI (Financial Independence - Độc lập tài chính) và RE (Retire Early - Nghỉ hưu sớm). Với một số người trẻ hiện nay, họ quan tâm về FI nhiều hơn, trong khi đó RE trở nên kém quan trọng.
Những người về hưu sớm chỉ là một phần nhỏ trong dân số nước Mỹ. Theo phân tích của Business Insider về những người Mỹ đã nghỉ hưu, chỉ có 2,2% ở độ tuổi dưới 50. Dưới 1% là những người chưa đến 35 tuổi.
Để làm rõ vấn đề, Business Insider đã nói chuyện với hàng chục người thuộc thế hệ Millennials đã hoặc đang trên đà đạt được sự độc lập về tài chính.
Một số người đã nghỉ hưu và nói rằng họ thích cuộc sống này. Tuy nhiên, phần lớncảm thấy việc nghỉ hưu là vô nghĩa. Họ vẫn muốn xây dựng sự nghiệp hoặc đóng góp cho cộng đồng của mình.
“Ngày nay, nhiều người trẻ đang tập trung nhiều hơn vào việc đạt được tự do tài chính (FI) và ít quan tâm hơn đến việc nghỉ hưu sớm (RE). Tôi rất mừng, vì điều đó đã cho thấy độc lập tài chính là chìa khóa quan trọng. Nghỉ hưu sớm mà không có kế hoạch hoặc mục tiêu cụ thể có thể là một ý tưởng tồi", Scott Rieckens, nhà sản xuất của bộ phim Playing With FIRE, chia sẻ.
Làm việc để thể hiện giá trị
Mọi người cảm thấy công việc là cách để họ chứng minh bản thân có giá trị.
Theo nghiên cứu của Bill Schaninger, chuyên gia lĩnh vực quản lý và tư duy chiến lược, cho McKinsey, 70% người được khảo sát cho biết họ xác định mục đích của mình thông qua công việc.
Brad Barrett, người dẫn chương trình podcast ChooseFI, cho biết số lượng người có đủ điều kiện để đạt được tài chính độc lập và nghỉ hưu sớm thực sự là rất ít.
Đối với anh ấy, tự do tài chính cho phép một người sống cuộc sống mà họ mong muốn, nhưng nghỉ hưu sớm đồng nghĩa với việc họ đã từ bỏ những nỗ lực, công sức mà họ đã bỏ ra trong quá trình làm việc để đạt được mục tiêu đó.
Mitch (37 tuổi) cho biết anh sắp tạm bỏ công việc căng thẳng và nghỉ hưu một thời gian ngắn. Anh lên kế hoạch cho một chuyến đi dài ngày để tận hưởng khoảng thời gian này.
Sở hữu tài sản ròng khoảng 2 triệu USD nhưng Mitch cho biết mình chỉ dự định nghỉ phép vài tháng trước khi quay trở lại.
Mitch tình cờ gia nhập cộng đồng tài chính cá nhân trực tuyến khi mới ngoài 30 tuổi. Điều này đã truyền cảm hứng cho vợ chồng anh tăng số tiền tiết kiệm lên ít nhất bằng 75% thu nhập của họ bằng cách thắt chặt chi tiêu.
Lauren Keys và chồng có khoản tiết kiệm đủ sống đến cuối đời nhưng vẫn chọn làm việc từ xa. Ảnh: @tripofalifestyle/IG. |
Trong khi đó, Brian Luebben, một người thuộc thế hệ Millennial đã độc lập về tài chính, chia sẻ rằng anh trở nên lo lắng bỏ công việc bán hàng và tận hưởng cuộc sống về hưu sớm.
“Phần khó nhất là tìm hoạt động để thực hiện khi cả ngày không có gì để làm”, anh nói.
Thay vì nghỉ hưu truyền thống, nhiều người đã độc lập về tài chính đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và giải trí phù hợp với họ.
Đối với Sabina Horrocks, việc trở thành triệu phú là điều “khá nhàm chán”.
Cô và chồng làm việc ở vị trí cấp quản lý và có thu nhập sáu con số. Gần đây, họ đạt được tài sản ròng khoảng 2 triệu USD. Họ đầu tư tiền từ rất sớm, giữ chi tiêu hàng ngày ở mức thấp và cuối cùng là đầu tư vào bất động sản.
Horrocks đã nghỉ công việc kinh doanh nhưng không có ý định dừng làm việc. Người mẹ nội trợ dự định tiếp tục viết blog The Moneyaires của mình. Horrocks cũng muốn trở thành một chuyên gia tài chính hoặc người lập kế hoạch trong tương lai.
Lauren và Steven Keys (sinh năm 1991), những người đã độc lập tài chính và bỏ công việc toàn thời gian ở độ tuổi 20, cũng có quan điểm tương tự. Steven tiếp tục làm việc tự do cho công ty cũ, đồng thời dành phần lớn thời gian dạy kèm online. Vợ anh tiếp tục điều hành một blog độc lập tài chính và kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê bất động sản.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng làm việc và kiếm tiền”, Steven nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.