Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trường hợp bà bầu cần sinh mổ

Đa thai, chuyển dạ kéo dài, sa dây rốn, dị tật bẩm sinh là những trường hợp bắt buộc bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sinh mổ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và con.

Sinh mổ hay mổ lấy thai là phẫu thuật sinh em bé thông qua vết rạch ở thành bụng và tử cung của người mẹ. Sinh mổ có thể giúp phụ nữ có nguy cơ gặp sự cố tránh được các tình huống nguy hiểm khi sinh và là phương pháp cứu cánh trong trường hợp khẩn cấp.

Rủi ro khi sinh mổ

Theo Kid's Health, nói chung, mổ lấy thai ngày nay an toàn cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn luôn có thể xảy ra với bất kỳ loại phẫu thuật nào. Trong đó, rủi ro tiềm ẩn với sinh mổ bao gồm:

- Tăng chảy máu

- Nhiễm trùng

- Chấn thương bàng quang hoặc ruột

- Phản ứng với thuốc

- Cục máu đông

- Tử vong (rất hiếm)

- Có thể gây thương tích cho em bé.

Gây tê vùng được sử dụng trong khi sinh mổ và gây mê toàn thân đều an toàn cho em bé, nhưng có thể dẫn đến các vấn đề như buồn nôn và huyết áp thấp ở người mẹ.

Ai can sinh mo anh 1

Nhiều người chọn phương pháp mổ lấy thai để tránh các tình huống nguy hiểm khi sinh. Ảnh: Descubrir.

Trẻ sinh mổ đôi khi gặp vấn đề về hô hấp (thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh) vì quá trình chuyển dạ chưa bắt đầu đào thải chất lỏng ra khỏi phổi của chúng. Tình trạng này có thể cải thiện trong vòng 1-2 ngày đầu tiên sau khi sinh.

Sinh mổ có thể - hoặc có thể không - ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh nở trong tương lai. Nhiều phụ nữ có thể sinh con qua đường âm đạo thành công và an toàn sau khi mổ lấy thai. Nhưng trong một số trường hợp, những lần sinh nở sau này có thể phải sinh mổ, đặc biệt nếu vết rạch trên tử cung theo chiều dọc chứ không phải theo chiều ngang.

Sinh mổ cũng có thể khiến người phụ nữ tăng nguy cơ mắc các vấn đề xảy ra với nhau thai trong những lần mang thai sau này.

Lý do bà bầu bắt buộc phải sinh mổ

Theo Healthline, bác sĩ có thể lên lịch sinh mổ trước ngày dự sinh của bạn. Hoặc nó có thể trở nên cần thiết trong quá trình chuyển dạ vì trường hợp khẩn cấp. Dưới đây là một số lý do y tế phổ biến nhất cho việc mổ lấy thai:

- Chuyển dạ kéo dài: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chuyển dạ kéo dài hay khó sinh thường là lý do của gần 1/3 số ca sinh mổ tại quốc gia này. Điều này xảy ra khi phụ nữ mang thai lần đầu chuyển dạ từ 20 giờ trở lên hoặc 14 giờ trở lên đối với các bà mẹ đã từng sinh con.

Những em bé quá lớn so với đường sinh, cổ tử cung mỏng dần và mang đa thai đều có thể kéo dài thời gian chuyển dạ. Trong những trường hợp này, bác sĩ cân nhắc việc mổ lấy thai để tránh các biến chứng.

- Vị trí thai nhi bất thường: Để có ca sinh thường thành công, điều đầu tiên và cần thiết là em bé nên nằm ở vị trí gần ống sinh. Nhưng đôi khi trẻ lại hướng bàn chân hoặc mông về phía đáy của tử cung, thay vì phần đầu, được gọi là sinh ngôi mông, hoặc phần vai của thai nhi đi vào xương chậu trước phần đầu (ngôi ngang).

Sinh mổ có thể là cách an toàn nhất trong những trường hợp này, đặc biệt là đối với phụ nữ đa thai.

- Dị tật bẩm sinh: Để giảm biến chứng khi sinh, bác sĩ sẽ chọn sinh mổ khi bà bầu có thai nhi được chẩn đoán mắc một số dị tật bẩm sinh như thừa chất lỏng trong não hoặc bệnh tim bẩm sinh.

- Mang đa thai: Mang thai nhiều em bé có thể gây ra nhiều rủi ro khác nhau trong thai kỳ như gây chuyển dạ kéo dài, khiến mẹ gặp nguy hiểm. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến một hoặc nhiều em bé cũng có thể ở vị trí bất thường. Dù bằng cách nào, sinh mổ thường là con đường an toàn nhất để sinh khi mang đa thai.

Ai can sinh mo anh 2

Phụ nữ mang đa thai tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm khi sinh thường. Ảnh: Healthline.

- Lặp lại mổ lấy thai: Theo Hiệp hội Mang thai Mỹ, khoảng 90% phụ nữ đã từng sinh mổ có thể sinh thường cho lần sinh tiếp theo. Đây được gọi là sinh con ngả âm đạo sau mổ lấy thai (VBAC). Lúc này, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ để quyết định xem chọn VBAC hay tiếp tục sinh mổ là lựa chọn tốt và an toàn nhất.

- Tình trạng sức khỏe mạn tính: Phụ nữ có thể sinh mổ nếu họ mắc một số tình trạng sức khỏe mạn tính như bệnh tim, huyết áp cao hoặc tiểu đường thai kỳ. Sinh thường qua ngả âm đạo với một trong những tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho mẹ.

Các bác sĩ cũng sẽ đề nghị mổ lấy thai nếu người mẹ bị nhiễm HIV, mụn rộp sinh dục hoặc bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào khác có thể lây truyền sang con qua đường âm đạo.

- Sa dây rốn: Tình trạng dây rốn trượt qua cổ tử cung trước khi em bé được sinh ra được gọi là sa dây rốn. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu, gây nguy hiểm cho sức khỏe của em bé. Tuy hiếm gặp, sa dây rốn là tình trạng nghiêm trọng cần phải mổ lấy thai khẩn cấp.

- Tỷ lệ cân bằng xương chậu (CPD): CPD là khi xương chậu của bà mẹ sắp sinh quá nhỏ để có thể sinh con qua đường âm đạo hoặc đầu của trẻ quá lớn so với ống sinh. Trong cả hai trường hợp, em bé không thể chui qua âm đạo an toàn.

- Vấn đề về nhau thai: Các bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy thai khi bánh nhau nằm thấp che phủ một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung (nhau bong non). Việc mổ lấy thai cũng cần thiết khi nhau thai tách khỏi niêm mạc tử cung khiến em bé bị mất oxy.

Theo Hiệp hội Mang thai Mỹ, cứ 200 phụ nữ mang thai, một người bị nhau tiền đạo. Khoảng 1% phụ nữ mang thai bị bong nhau thai.

Lợi hại giữa sinh thường và mổ

Nhiều mẹ bầu, đặc biệt là mang thai lần một, ở tuần cuối của thai kỳ đều lo lắng không biết nên đẻ mổ hay đẻ thường.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm