Dịp 30/4 năm ngoái, anh Khánh (32 tuổi, Nam Định) cùng mấy người bạn nướng cá liên hoan. Khi lửa đang cháy, thấy cá còn chưa chín, anh dùng khoảng 200 ml cồn còn lại trong chai đổ trực tiếp vào chảo cá. Một tiếng nổ phát lên, lửa bùng cháy và bén vào người anh.
Toàn bộ thân dưới của anh Khánh bị lửa bén. Do vướng dây thắt lưng, thêm hoảng loạn nên mất nhiều thời gian, anh mới cởi được chiếc quần bén lửa. Lúc này lửa đã cháy sâu vào hai chân của anh Khánh.
“Chúng tôi vẫn hay nướng cá, mực để ăn nhưng không ngờ lần đó lại xảy ra tai nạn như vậy. Do bất ngờ, ai cũng hốt hoảng, sơ cứu không đúng cách, nên bây giờ mới xảy ra biến chứng nặng như vậy”.
Hiện tại, hai chân của anh Khánh đều bị bỏng sâu, loang lổ. Trong lần điều trị trước anh đã được mổ ghép da.
Anh Khánh cũng chua xót tâm sự, vết bỏng đã biến đổi cả cuộc đời mình. Từ trụ cột gia đình, gần một năm nay, anh phải ở nhà điều trị. Nhìn đôi chân loang lỗ của bố, con trai anh ban đầu sợ không dám lại gần. Hiện tại, anh Khánh đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt đều phải cẩn thận.
Ngồi bên cạnh là anh Cương (40 tuổi, ở Thái Nguyên) bị bỏng do một lần đi kiểm tra lò đứng nung clinke tại nhà máy xi măng, không may lò bị sập, toàn bộ dung dịch nóng phụt ra dội thẳng lên người anh.
May mắn có mũ bảo hộ nên phần đầu anh Cương không bị bỏng, song dung dịch đổ thẳng vào lưng, hai tay và nặng nhất là hai bàn chân. “Ban đầu bác sĩ chỉ định phải cắt bỏ hai chân nhưng may mắn, cuối cùng tôi vẫn có thể giữ lại được đôi chân dù các ngón chân không còn nguyên vẹn”, anh nói.
Cũng suýt mất mạng do những lý do không ngờ, chị H. chủ một cơ sở dịch vụ câu cá (Hà Nội) bị bỏng nặng toàn thân. Một lần khi đang chạy ra nhắc nhở khách câu cá tránh đường dây điện cao thế, chưa kịp nhắc, người khách này bị luồng điện phóng vào người gây tử vong. Còn chị H. đứng gần cũng bị bỏng nặng, may mắn giữ được tính mạng.
Giữ được mạng sống, nhưng sau tai nạn, những di chứng còn lại trên khuôn mặt, thân thể và tinh thần những bệnh nhân này không nhỏ. Từ người lành lặn, trụ cột của gia đình, giờ họ phải chịu đau đớn hàng ngày, thậm chí sống như người tàn phế.
PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia cho biết, cồn, điện có thể gây cháy, nổ nguy hiểm nhưng không mấy ai đề phòng. Ông từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do những nguyên nhân ít ngờ nhất. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, thiếu kỹ năng sơ cứu càng làm cho nạn nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.