Người bệnh điều trị sốt xuất huyết ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các bác sĩ Viện Lâm sàng Các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.
Cụ thể, bệnh nhân V.T.P. (nam, 17 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện với các biểu hiện sốt cao ngày thứ 4 không giảm, tức ngực, khó thở. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue giảm tiểu cầu, tràn dịch màng phổi, màng bụng. Hiện tại sau 3 ngày nhập viện, bệnh nhân không sốt, không chảy máu cam chân răng, ban xuất huyết rải rác dưới da, đỡ chóng mặt, khó thở.
Dấu hiệu người mắc sốt xuất huyết cần nhập viện ngay
Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm B, bất cứ ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cao nếu không được phát hiện, điều trị tốt.
"Người bệnh thường có diễn tiến rất nhanh, biến chứng xuất hiện đột ngột, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng, nâng cao miễn dịch và sức khỏe chống lại bệnh", bác sĩ Mạnh nói.
Do vậy, người bệnh có các dấu hiệu sau cần đến ngay bệnh viện trên địa bàn để được thăm khám và điều trị:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Nôn ói nhiều, kéo dài, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh.
- Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này, người bệnh sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như: Đại tiện phân đen, đi ngoài phân lẫn máu.
- Nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Những xuất huyết này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
- Một số bệnh nhân còn bị tràn dịch màng phổi, màng bụng.
- Ngoài ra, vào giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp do máu bị cô đặc khi không bù đủ dịch. Nặng hơn, bệnh nhân có thể suy tạng như viêm não, viêm gan nặng, viêm cơ tim.
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có những dấu hiệu như đau bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, không đi tiểu trên 6 giờ, vật vã, li bì hoặc xuất huyết... người nhà cần đưa ngay tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Nhiều phòng bệnh kín người mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Trương Hiếu. |
Bác sĩ Mạnh lưu ý ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế đi lại, chỉ nên nằm nghỉ tại giường, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol. Ăn lỏng, dễ tiêu, đảm bảo dinh dưỡng, thức ăn nên để nguội, không quá nóng.
Người bệnh cũng không nên ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa. Bệnh nhân không được đánh răng, có thể súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng.
Ngoài ra, khi đi vệ sinh, bệnh nhân không nên chốt cửa, thay đổi tư thế cần có người trợ giúp. Khi điều trị ngoại trú, người bệnh cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện. Lúc này, gia đình cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất
Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh, để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và vật dụng chứa nước...
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, có thể thành dịch lớn với số lượng người mắc cao, đặc biệt là các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ngày một gia tăng. Cộng dồn trong năm 2022, thành phố đã có tổng cộng 10.716 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (3.020). Cũng từ đầu năm tới nay, 12 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Các ca bệnh được phát hiện tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, 539/579 xã, phường, thị trấn. Loại virus Dengue xuất hiện chủ yếu trong cộng đồng vẫn là DENV1, DENV2 và DENV4.
Cộng dồn từ đầu 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Trong đó, còn 143 ổ dịch vẫn đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (200); Phượng Trì, thị trấn Phùng, Đan Phượng (73); Ngọc Đình, Hồng Dương, Thanh Oai (53).
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc đã tăng 4,8 lần, lượng người tử vong cũng tăng tới 89 trường hợp.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.