Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những việc cấm kỵ với vùng kín phụ nữ

Mỗi người phụ nữ cần tự bảo vệ mình để phòng ngừa những hiểm họa khôn lường từ bệnh lý phụ khoa.

Vùng kín phụ nữ thường nhạy cảm, nếu không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách, dễ dẫn đến viêm nhiễm. Ảnh: Pexels.

TS.BS Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh liên quan phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15-27%, trong đó tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm âm đạo chiếm tỷ lệ cao nhất.

"Thực tế, nhiều nữ giới khi bị bệnh thường có tâm lý e ngại, dù có biểu hiện ban đầu, vẫn cố chịu, tự điều trị chứ không đi khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến viện, khi đó, việc điều trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian", TS.BS Anh Đào cho hay.

Dấu hiệu ban đầu của bệnh phụ khoa

Theo TS Đào, bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể chữa trị được bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu như không được phát hiện sớm và chữa kịp thời sẽ khiến bệnh trở nặng và chuyển biến xấu. Vì vậy, phụ nữ cần chú ý đến những dấu hiệu ban đầu để đi thăm khám sớm.

Bác sĩ Đào cho hay một người phụ nữ với sức khỏe sinh sản bình thường sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Nếu như kinh nguyệt bị rối loạn như ra kinh kéo dài, số lượng quá nhiều, kỳ kinh đến sớm thì cần phải đi khám.

Bên cạnh đó, bạn có thể nhận ra dấu hiệu khác như khí hư, ra huyết bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục. Đây là những dấu hiệu cần đi khám phụ khoa. Một dấu hiệu viêm âm đạo khác mà phụ nữ cũng hay gặp phải đó là tình trạng âm đạo có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, viêm nhiễm âm đạo còn có thể có biểu hiện đau, ngứa, rát, bị xót khi đi tiểu...

"Bệnh nhân có thể tự sờ ở phần bụng dưới để nhận ra khối u. Trong quá trình thăm khám, chúng tôi đã gặp những chị em để khối u rất to lên tới 2-3 kg. Đó là những trường hợp đã phát hiện muộn", TS.BS Anh Đào nói.

benh phu khoa anh 1

Nếu như không được phát hiện sớm và chữa kịp thời, bệnh lý phụ khoa thường sẽ trở nặng, từ đó dễ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Ảnh: RS.

Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa Khám chuyên gia sản phụ khoa và sơ sinh, cho rằng phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nhiễm âm đạo với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cụ thể, tình trạng viêm, nhiễm khuẩn tại vùng kín có thể xuất phát từ yếu tố vệ sinh, môi trường sinh hoạt không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, môi trường bên trong âm đạo cũng chứa rất nhiều vi khuẩn. Khi sức đề kháng của cơ thể kém, thay đổi nội tiết tố... tình trạng này cũng có thể xảy ra. Lý do này khiến nhiều phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh dễ bị viêm nhiễm.

Những việc làm nên tránh

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ mắc, tái nhiễm bệnh viêm nhiễm phụ khoa là nhiều chị em mắc phải một số sai lầm dưới đây:

Vệ sinh không đúng cách

Theo TS.BS Lê Thị Anh Đào, một trong những yếu tố dẫn tới tăng tỷ lệ viêm nhiễm âm đạo là do thói quen vệ sinh không đúng như ngâm âm đạo, hoặc rửa từ đằng sau ra trước. Cách chăm sóc vùng kín trong chu kỳ kinh nguyệt cũng cần đúng cách.

Việc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày không phù hợp, thảo dược tự pha như trà xanh, nước muối với nồng độ không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến môi trường âm đạo.

benh phu khoa anh 2

Bất kỳ trường hợp nào cũng có thể bị viêm nhiễm âm đạo với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: Pixabay.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, ngoài thói quen làm sạch vùng kín hàng ngày, phụ nữ cần đặc biệt lưu ý trong việc vệ sinh âm đạo trước và sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, phụ nữ cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm dung dịch vệ sinh ít tính axit.

Đặc biệt, bác sĩ Thanh nhấn mạnh một trong những sai lầm lớn nhất của phụ nữ khi vệ sinh vùng kín là đưa tay vào bên trong âm đạo để ngoáy rửa và làm sạch. Hành động này sẽ làm đảo lộn môi trường âm đạo, từ đó gây rối loạn vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm vùng kín.

Tự đặt thuốc

Một sai lầm phổ biến khác ở nhiều phụ nữ sau khi phát hiện bị viêm nhiễm là tự đặt thuốc cho vùng kín và chỉ tìm tới bác sĩ vào thời điểm bệnh đã diễn biến nặng.

Khi tự ý đặt thuốc tại nhà, bệnh nhân sẽ không thể xác định được liều lượng thích hợp. Do đó, nguy cơ đặt thuốc quá liều có thể xảy ra. Trên thực tế, không ít trường hợp còn bị dị ứng thuốc ngay sau khi đặt.

Việc tự dùng thuốc viêm nhiễm phụ khoa kéo dài có thể gây ra nhờn thuốc, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa, bác sĩ Anh Đào khuyến cáo phụ nữ nên giữ thói quen làm sạch âm đạo đúng cách. Bên cạnh đó, nhiều bệnh lý phụ khoa còn do một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, quan hệ tình dục chung thủy, an toàn là phương pháp rất hữu hiệu phòng ngừa viêm nhiễm.

Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non

Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

Người đầu tiên ở Hà Nội không qua khỏi vì liên cầu lợn

Người phụ nữ khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ, được đưa đến viện cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi.

Tuệ Anh

Bạn có thể quan tâm