Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 30 (22/7-28/7), số ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều gia tăng.
Cụ thể, toàn thành phố ghi nhận 425 ca bệnh tay chân miệng, cao hơn 5,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay là 9.071 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.
Cũng trong tuần 30, thành phố ghi nhận 232 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 30 là 4.853 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn, có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí không qua khỏi.
Theo HCDC, dấu hiệu quan trọng nhất trong bệnh sốt xuất huyết là sốt. Bệnh nhân thường sốt cao 39-40 độ C liên tục, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có các dấu hiệu kèm theo như đau nhức cơ thể, đau đầu, đau sau hốc mắt, người uể oải, khó chịu, chán ăn, buồn nôn, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết…
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc tay chân miệng, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, xét nghiệm và hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.
Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ (như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng) đến nặng (tổn thương não, tim) và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Để phòng bệnh, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.
Cụ thể, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn/cho trẻ ăn, bế trẻ; sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà cần được lau rửa thường xuyên bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Hoạt động ăn uống cần đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Trẻ cần được hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Các bé có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần được đưa đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để phát hiện và điều trị sớm, tránh tiển triển các biến chứng nguy hiểm.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có một hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.