Đối với những bạn du học tự túc hoặc có học bổng một phần, ngoài học phí, sinh viên sẽ phải tốn thêm tiền ăn, tiền nhà, bảo hiểm, mua dụng cụ học tập và nhiều chi phí khác.
Những nước có đông sinh viên Việt Nam hầu hết đều có mức sống cao, đồng nghĩa với sinh hoạt phí đắt đỏ. Để đủ tiền trang trải, sinh viên phải tìm việc làm thêm, thậm chí làm 2-3 việc cùng lúc.
Anh: Làm thêm chỉ đủ trả tiền sinh hoạt
Hà Trang - đang học tại Đại học Hull, Anh - chia sẻ du học sinh tại Anh có rất nhiều lựa chọn làm thêm như giúp việc ở các cửa hàng làm móng (nail) của người Việt, nhà hàng Việt hay Trung Quốc, thậm chí là làm các công việc liên quan chuyên môn.
“Mình xin giúp việc cho tiệm nail của người Việt. Công việc không quá vất vả, chỉ là chào khách, cho khách chọn màu và thanh toán. Số tiền kiếm được chỉ đủ để trả tiền sinh hoạt ở mức bình thường vì mọi thứ ở Anh rất đắt đỏ. Sinh viên chúng mình khi tự lập sẽ phải hạn chế việc ăn ở ngoài hay la cà hàng quán”, Trang nói.
Hầu hết du học sinh đều làm thêm để kiếm tiền chi trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Ảnh: Alamy. |
Cũng theo cô gái 21 tuổi này, du học sinh Việt thường gặp bất lợi về ngôn ngữ, cho dù tiếng Anh tốt cũng sẽ có chút khó khăn khi giao tiếp với người bản xứ.
“Tiếng Việt ở mỗi vùng miền còn khác nhau thì tiếng Anh cũng vậy. Thích nghi, nghe, hiểu và sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành riêng của từng công việc càng không phải chuyện dễ dàng. Mặt khác, chúng mình bị giới hạn về thời gian làm việc được quy định trong visa nên sẽ gặp khó khăn hơn so với các du học sinh châu Âu hoặc học sinh Anh đi làm thêm”, nữ sinh bày tỏ.
Tuy nhiên, lợi thế là du học sinh Việt rất chăm chỉ, cố gắng, dễ thích nghi hơn khi làm việc trong cửa hàng. Nhiều sinh viên làm tại tiệm bánh hay các nơi khác thường được đánh giá cao nhờ tính chăm chỉ, chịu khó.
Ở Anh, các quy định về số giờ làm của du học sinh được thực hiện rất nghiêm túc. Vì thế, số giờ được quy định rõ trong visa là bao nhiêu, du học sinh nên tuân theo. Hơn nữa, việc học tại trường của sinh viên được quản lý rất chặt nên khả năng một người làm thêm nhiều việc cùng lúc là không khả quan.
Tất nhiên, ở các tỉnh nhỏ, công việc cho sinh viên sẽ hạn chế hơn tại thành phố lớn như London, Manchester. Theo Trang, những bạn mới đến muốn tìm việc thường nhờ anh chị trong hội sinh viên người Việt tại Anh giúp đỡ, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ họ.
Ngoài ra, nếu muốn làm việc trong trường, mọi người có thể tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc hội sinh viên tại trường để được tư vấn, tìm giúp.
Australia: Du học sinh Việt bị trả lương thấp
Australia quy định ở bậc đại học, du học sinh được làm 20 giờ/tuần trong kỳ học và 40 giờ mỗi tuần vào thời gian nghỉ. Mức lương tối thiểu được quy định là 14-20 AUD/giờ. Tuy nhiên, sinh viên làm thêm thường nhận lương thấp hơn, phổ biến từ 8-12 AUD/giờ, đặc biệt là những bạn trẻ đến từ châu Á.
Thanh Cẩm, 26 tuổi, đang học tại đất nước chuột túi, cho biết lương của du học sinh Việt thường được trả thấp hơn so với người định cư, giờ làm việc ít, bị hạn chế theo visa.
“Công việc phổ biến là làm bán thời gian tại cửa hàng, quán ăn. Nhiều trường hợp, những người học cao học hay tiến sĩ vẫn chấp nhận dọn vệ sinh, rửa bát. Hầu hết người sang đây du học đều xác định làm để trang trải cuộc sống đắt đỏ nên không mấy ai kén chọn hay nề hà bất cứ công việc gì”, Cẩm thông tin.
Để có việc, các bạn trẻ thường tự tìm qua mạng, được người khác giới thiệu hay người làm trước đã nghỉ chuyển lại. Mức lương tăng theo độ tuổi. Riêng những người chưa học đại học mà muốn làm thêm thì phải có người bảo lãnh.
Nhật Bản: Sinh viên Việt bị hạn chế về ngôn ngữ
Chính phủ Nhật quy định du học sinh có thể làm việc tối đa 28 giờ/tuần.
Linh, học tại thành phố Nagoya, kể: “Tìm việc làm thêm ở Nhật khá dễ, thường qua bạn bè giới thiệu, tìm qua mạng hoặc thấy ở đâu treo biển tuyển người thì đến hỏi. Tiếng Nhật càng tốt thì càng dễ được nhận. Mọi người chủ yếu làm ở quán ăn, nhà hàng hay cửa hàng tiện lợi”.
“Trung bình, mỗi sinh viên có thể kiếm được khoảng 40 triệu đồng/tháng nếu làm cùng lúc 2 việc. Chỉ cần làm một việc cũng có thể đủ chi tiêu và học phí nhưng thường mọi người làm từ hai việc trở lên”.
Theo cô gái này, làm thêm giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa Nhật, học hỏi được nhiều thứ từ họ, từ sinh hoạt, đến giao tiếp hay cách cư xử đối với cộng đồng, cá nhân. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với hầu hết du học sinh Việt ở đây là không giỏi ngôn ngữ của họ nên khó khăn trong giao tiếp.
Trung Quốc: Cấm du học sinh làm thêm
Nguyễn Hồng (26 tuổi, ở Thiên Tân) cho hay theo luật của Trung Quốc, bất cứ ai nhập cảnh với visa du học đều không được phép làm thêm. Nếu bị phát hiện, du học sinh sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí cắt học bổng và đuổi về nước.
Tuy nhiên, vì động lực kiếm tiền và trải nghiệm, nhiều bạn trẻ vẫn bất chấp “đi làm chui”. Các công việc thường là gia sư tiếng Anh, nhận dịch, làm đồ ăn rao vặt trên các trang mạng hay nhân viên bán hàng.
Số tiền kiếm được từ các công việc này từ 1.000-3.000 nhân dân tệ (3 - 10 triệu). Một số người dùng để chi tiêu hàng ngày, mua sắm, đi du lịch, số khác tiết kiệm hoặc gửi về cho bố mẹ.
Tuy nhiên, cả Nguyễn Hồng và Lê Yến (đang học ở Thượng Hải) đều thừa nhận, sinh viên Việt rất khó tìm việc bởi không giỏi tiếng Trung, nói không được như người bản xứ.
Riêng công việc gia sư tiếng Anh thì càng khó hơn vì chủ yếu người dân thuê các sinh viên đến từ Mỹ hoặc châu Âu.