Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Niềm vui và áp lực bên trong BV điều trị Covid-19 Trưng Vương

Bên trong phòng hồi sức Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, cặp vợ chồng lớn tuổi ở quận 7 mỉm cười nhận ra nhau sau cơn bạo bệnh do SARS-CoV-2.

Trong tâm trí bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, khoảnh khắc hai bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng hồi phục, bật khóc nhận ra "người bạn đời" vẫn còn sống, khiến ông và các đồng nghiệp không thể quên.

Bất ngờ trở thành cơ sở điều trị Covid-19 của thành phố, các y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương (được chuyển đổi công năng từ Bệnh viện Trưng Vương), đã chứng kiến nhiều niềm vui, nỗi buồn và cả nước mắt chia ly trong suốt 20 ngày qua.

Động lực

Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương chính thức được chuyển đổi công năng từ ngày 16/6. Đơn vị này phụ trách tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý kèm theo cần điều trị chuyên khoa sâu.

Bác sĩ Bình cho biết trong thời gian qua, khoa đã tiếp nhận, xử lý nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch. Trong đó, 20 bệnh nhân nặng diễn tiến tốt, được ra khỏi khu vực hồi sức.

Benh vien dieu tri Covid-19 Trung Vuong anh 1

Em bé con của người mẹ mắc Covid-19 chào đời khỏe mạnh từ phòng cấp cứu của Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trong 5 ca bệnh phải thở máy xâm lấn đa số đều từ 60 đến 67 tuổi, người trẻ nhất chỉ 30 tuổi. Tất cả bệnh nhân đều có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Họ được thở máy xâm lấn, điều trị an thần, giãn cơ, điều trị kháng viêm, kháng đông. Thời gian họ phải thở máy kéo dài trung bình 10 ngày.

Bác sĩ Bình xúc động chia sẻ câu chuyện về 2 bệnh nhân là vợ chồng, đều 67 tuổi, ở quận 7. Họ cùng được chuyển từ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ đến do suy hô hấp nặng, không tỉnh táo. Trong thời gian này, họ cùng được điều trị, chăm sóc tại phòng hồi sức tích cực.

Điều bất ngờ là cặp vợ chồng cùng hồi phục sau thời gian điều trị và được cai máy thở. "Khoảnh khắc vợ chồng bệnh nhân dần tỉnh táo, rưng rưng nhìn nhau và nhận ra nhau khiến chúng tôi không thể quên", bác sĩ Bình kể lại.

Không riêng câu chuyện này, phòng cấp cứu và phẫu thuật bên trong Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương còn là nơi chào đời của 2 em bé từ người mẹ mắc Covid-19. Nhiều bệnh nhân có tình trạng chấn thương, bệnh lý ruột thừa..., cũng được giải quyết. Trong nhiều lớp bảo hộ kín mít và ướt đẫm mồ hôi, những sự sống tiếp tục tái sinh. Niềm vui xuất viện cũng ngày một lớn dần.

"Sau hơn 2 tuần, 50 bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện được xuất viện, trong đó có những trường hợp ở thể nặng, phải nằm hồi sức cấp cứu. Điều đó cho thấy có tín hiệu rất khả quan, củng cố niềm tin để đội ngũ của bệnh viện tiếp tục thành công trong những ca sắp tới và trường hợp nặng", TS.BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, nhận định.

Ông cho biết trước khi khi dịch bệnh xảy ra và nhận nhiệm vụ này, bệnh viện đã có nhiều khóa tập huấn về chẩn đoán, điều trị, an toàn về kiểm soát nhiễm khuẩn, mang trang phục, biện pháp bảo hộ, quy trình đảm bảo an toàn.

Benh vien dieu tri Covid-19 Trung Vuong anh 2

Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: C.Luyến.

Vì vậy, khi bệnh viện nhận nhiệm vụ, các y bác sĩ thực hiện tương đối thành thạo, tự tin khi mang trang phục y tế đặc biệt trong môi trường rất áp lực và duy trì công việc mà không bị ảnh hưởng nhiều.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Covid-19 là bệnh mới, bệnh viện chưa có nhiều kinh nghiệm nên cần học hỏi, thích nghi.

“Cơ sở nào thích nghi sớm thì sẽ thành công sớm. Có nhiều cái đi vào điều trị mới biết được khác biệt rất nhiều so với lý thuyết. Khoa đã thích ứng nhanh với quá trình đó nên thu được một số kết quả ban đầu như vậy. Tôi hy vọng hướng đi của khoa thích hợp để cứu được nhiều bệnh nhân hơn nữa, trong thời gian tới có thể có nhiều bệnh nhân xuất viện hơn”, bác sĩ Bình nói.

Áp lực

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, cho biết từ bệnh viện đa chuyên khoa, trong thời gian rất ngắn (3 ngày), bệnh viện phải thiết lập tổ chức, quy trình vận hành để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Đây là căn bệnh hoàn toàn mới mà bệnh viện chưa từng điều trị và có kinh nghiệm. Đó là khó khăn mà bệnh viện phải đương đầu”, lãnh đạo bệnh viện cho hay.

Bác sĩ Chiến cho biết hiện tại, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 624 người, trong đó có 92 trẻ em. 91 bệnh nhân thở oxy, 12 ca thở máy xâm lấn và 9 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC).

Ông nhớ lại thời điểm khó khăn lớn nhất là những xe cấp cứu ra vào bệnh viện, liên tục những bệnh nhân từ nặng đến rất nặng được chuyển đến. Bên cạnh đó, bệnh viện còn xử trí ca cấp cứu khẩn như một người bị thủng ruột, mổ bắt con cho hai sản phụ mắc Coivd-19.

Theo bác Chiến, dựa vào hướng dẫn chẩn đoán dự phòng Covid-19 của Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học công nghệ đã ban hành tài liệu hướng dẫn về tiếp cận bệnh nhân Covid-19 để thống nhất cho tất cả bác sĩ trong bệnh viện.

Benh vien dieu tri Covid-19 Trung Vuong anh 3

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương. Ảnh: C.Luyến.

Ngoài ra, trên cơ sở hướng dẫn điều trị, phác đồ của bệnh viện đưa ra khuyến cáo sử dụng sớm thuốc kháng viêm, kháng đông, đồng thời sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn. Nếu không có bằng chứng cho thấy viêm phổi là do vi trùng, các bác sĩ sẽ không dùng kháng sinh.

“Áp dụng những thống nhất như vậy giúp chúng tôi giảm áp lực, giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng lên các khoa cấp cứu hồi sức”, bác sĩ Chiến chia sẻ.

Về nhân lực, lãnh đạo Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương cho biết hiện tại, cơ sở này vẫn tự cân đối, chưa cần yêu cầu chi viện từ các đơn vị khác. Chỉ có một đội của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang khám, điều trị cho các bệnh nhi ở đây vì trước đó, đơn vị này không có khoa Nhi.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, với chỉ tiêu giao thêm giường cấp cứu hồi sức từ 100 lên 150 giường, có thể bệnh viện cần nhờ điều động nguồn lực từ các đơn vị khác”, ông Chiến nhận định.

Bác sĩ Chiến cho hay hiện nay, tại bệnh viện, các bác sĩ làm việc theo ca kíp. Sau giờ làm việc, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân không trở về nhà mà lưu trú tại khách sạn do bệnh viện bố trí.

Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng chia thành nhiều đội ngũ làm việc. Mỗi đội sẽ làm việc trong khoảng thời gian 3 tuần, sau đó đội khác sẽ vào thay. Sau khi hết thời gian này, các nhân viên y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian 5 ngày. Nếu có kết quả âm tính, họ sẽ được về nhà nghỉ ngơi trong 2 tuần.

Từ 27/4 đến nay, TP.HCM có số lượng bệnh nhân Covid-19 cao nhất cả nước với hơn 10.000 người. Sở Y tế TP.HCM thông tin số F0 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn vượt mốc 9.000 ca.

Dự báo trong thời gian tới, bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, TP.HCM đã chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có 10.000-15.000 ca mắc trên địa bàn. TP.HCM bắt đầu nâng mức giãn cách xã hội từ Chỉ thị 10 lên Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.

17 bệnh nhân ở TP.HCM được chữa khỏi Covid-19

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong ngày 6/7, thành phố có 17 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi là 571 người.

Dịch Covid-19

Bích Huệ - Phương Mai

Bạn có thể quan tâm