Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, nói về thực trạng béo phì, cận thị của trẻ em Trung Quốc khiến những người làm giáo dục tại nước này buộc phải thúc đẩy việc học và thi môn Thể dục ngay từ trong lớp học.
Tracy Gao, mẹ của một học sinh lớp 6 ở Thượng Hải (Trung Quốc), mang tâm trạng lo lắng về thể lực của con trai mình.
“Nó ăn rất nhiều và không thích vận động gì cả. Ngay cả khi đi bộ vài trăm m hay chạy bộ một đoạn đường ngắn, thằng bé cũng hụt hơi”, cô nói và cho biết cậu bé cũng bị cận.
Ở trường, các giờ giáo dục thể chất thường xếp sau những môn chính trong lịch học. Học sinh cũng thường được yêu cầu nghỉ ngơi trong lớp vào giờ giải lao hơn là ra sân chơi.
Trẻ em Trung Quốc bị thừa cân, béo phì vào hàng cao nhất thế giới. Ảnh: AFP. |
“Đó là điểm chung của hầu hết trường học ở Thượng Hải. Suy nghĩ của nhà trường là không muốn chịu trách nhiệm về những tai nạn xảy ra khi trẻ em chạy nhảy, đùa nghịch”, người mẹ bày tỏ.
Tháng trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa công bố đưa môn Thể dục vào danh sách kiểm tra trong zhongkao, kỳ thi vào cấp 3 tại nước này. Môn học này giờ quan trọng ngang bằng với các môn Toán và tiếng Anh.
Môn Thể dục lên ngôi
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc từng chỉ ra nhược điểm trong quá trình đào tạo giáo dục thể chất tại trường học. Thể dục bị coi là môn phụ, thiếu giáo viên và trang thiết bị cần thiết. Thời gian học cũng không bị bắt buộc.
Thực trạng ấy đi ngược với những gì chính quyền mong muốn - đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh về thể thao, không chỉ với các VĐV thi đấu mà là toàn dân.
Sự thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh cấp 3 có thể khắc phục điều này và thành động lực để trường học lẫn các bậc phụ huynh đảm bảo trẻ vận động không chỉ trí não mà cả thể chất.
Nỗ lực đưa môn Thể dục vào danh sách bài kiểm tra vượt cấp được coi là cách thúc đẩy học sinh ở Trung Quốc chăm vận động hơn. Ảnh: Getty. |
Theo đánh giá của một số giáo viên cấp 2, bài kiểm tra thể thao dễ vượt qua hơn các môn học khác và hầu hết học sinh đều có thể đạt điểm cao.
Tại kỳ thi zhongkao ở Thượng Hải, môn Thể dục chiếm 30 điểm, các môn tiếng Trung, tiếng Anh và Toán chiếm 150 điểm.
Bài thi bao gồm chạy quãng ngắn, chạy quãng dài, bơi lội, nhảy xa, nhảy cao và các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền. Dù vậy, Gao cho biết cô nghi ngờ khả năng con trai mình có thể đạt điểm cao.
Ngược lại, ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, các trường đang áp dụng chương trình thí điểm. Thang điểm cho môn Thể dục là 100, trong khi các môn khác là 120.
Wang Dengfeng, người giám sát việc giảng dạy thể thao nghệ thuật tại Bộ Giáo dục, cho biết vì giáo dục thể chất không được coi trọng, thể lực và khả năng phối hợp của thanh thiếu niên Trung Quốc bị giảm sút.
“Tình trạng béo phì và dung tích phổi thấp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng”, ông Wang nói với đài truyền hình CCTV vào tháng trước.
Nhiều học sinh có vóc dáng thiếu cân đối, béo phì, thị lực kém do khối lượng bài tập về nhà lớn và dành nhiều thời gian cho chơi game. Ảnh: Getty. |
Cận thị đi đôi với béo phì
Đại dịch Covid-19 kéo dài cả năm cũng khiến nhiều trẻ em ở trong nhà và ít ra ngoài tập thể dục.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016, 35% trẻ em 5-9 tuổi ở Trung Quốc bị thừa cân hoặc béo phì, so với con số 32% ở Hàn Quốc, 18% ở Nhật Bản và 8% ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh được công bố vào năm ngoái cho thấy trong năm 2014, 21% trong số một triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì, tăng 5% so với năm 1995.
Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả, đến năm 2030, con số mắc nguy cơ xấu về sức khỏe liên quan đến tình trạng cân nặng sẽ lên đến 50 triệu người.
Tỷ lệ học sinh cấp 2 và sinh viên đại học tại Trung Quốc đeo kính vì mắt kém đều ở mức 70%. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, cận thị cũng là vấn đề đáng báo động.
Khoảng 1/5 dân số toàn cầu bị cận, nhưng ở Trung Quốc, nó ảnh hưởng đến hơn 40% người dân, tương đương 600 triệu người có thị lực kém.
Tỷ lệ học sinh cấp 2 và sinh viên đại học phải đeo kính vì thị lực kém đều ở mức 70%, xếp vào hàng cao nhất thế giới, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc vào năm 2018.
Wang Hongcai, giáo sư từ Viện Giáo dục thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết việc đánh giá môn Thể dục nghiêm ngặt hơn nhằm buộc các trường học và phụ huynh phải coi trọng bộ môn này.
“Học sinh bị căng thẳng sau quá trình học tập. Nhà trường, phụ huynh cần biết rằng tập thể dục có thể giảm stress và thực sự nâng cao kết quả học tập của các em”, vị giáo sư cho hay.
Tuy vậy, theo ông Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Thượng Hải, hệ thống tính điểm mới đặt ra nhiều thách thức.
“Cơ quan quản lý giáo dục nên xem xét đặc điểm thể chất của từng cá nhân và không tạo thêm gánh nặng, nếu không cả phụ huynh lẫn học sinh sẽ lo lắng thêm, trong khi thi cử vốn đã quá nhiều áp lực”, ông nói.