Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam tiếp viên Trung Quốc bị đuổi việc vì lộ clip hôn đồng giới

Trong clip ghi âm, người giám sát tại hãng hàng không nói quyết định sa thải nam tiếp viên họ Chai vì danh dự công ty. Không chấp nhận, Chai quyết khởi kiện công ty cũ.

Zing trích dịch bài đăng trên Inkstone, đề cập đến câu chuyện nam tiếp viên hàng không tại Trung Quốc bị công ty sa thải, sau khi clip ghi lại cảnh anh ta hôn đồng nghiệp nam bị tung lên mạng.

Mùa thu năm ngoái, một video trích từ camera giám sát bị tung lên mạng, trong đó ghi lại cảnh 2 người đàn ông Trung Quốc đang hôn nhau say đắm trong thang máy. Clip sau đó trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội của nước này.

Danh tính hai nhân vật cũng nhanh chóng bị tìm ra. Người đàn ông được xác định mang họ Chai, là tiếp viên của hãng hàng không China Southern Airlines. Người còn lại là đồng nghiệp làm cùng anh tại hãng.

Chai ngay lập tức bị đình chỉ. 6 tháng sau đó, hãng hàng không quyết định ngưng hợp đồng, sa thải anh.

Bất bình trước quyết định, Chai kiện công ty cũ lên tòa án, với cáo buộc đuổi việc không có lý do chính đáng, đồng thời yêu cầu hoàn trả 6 tháng lương.

nam tiep vien hang khong bi kien vi lo clip hon moi dong gioi anh 1

Clip ghi lại cảnh Chai đang hôn người đồng nghiệp nam trong thang máy. Ảnh: Weibo.

Bị sa thải vì "danh tiếng của công ty"

Trong bản ghi âm sau này được Chai tiết lộ trên mạng, giám sát viên tại công ty nói trong cuộc họp riêng rằng chuyện đuổi việc anh “là vì danh tiếng của hãng hàng không”.

Ngày 2/11, một tòa án địa phương ở phía nam thành phố Thâm Quyến, tiến hành xét xử vụ việc, song đến giờ vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

“Dù thắng hay thua, vụ kiện này vẫn rất quan trọng”, Zhu Bao, một luật sư ở Bắc Kinh, người đã đại diện cho các khách hàng đồng tính ở Trung Quốc từ năm 2013, cho biết.

Theo Zhu, trường hợp này phản ánh sự thay đổi nhận thức trong xã hội Trung Quốc, nơi kiện tụng được sử dụng như một công cụ nâng cao nhận thức cho giới LGBT. Cộng đồng người đồng tính đang cố gắng đấu tranh, giành được sự bảo vệ của pháp luật.

“Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp bị sa thải với lý do tương tự trong quá khứ. Nhưng hiếm người nào chịu đưa nó ra tòa án giải quyết. Khi Chai chịu bước ra và đi kiện, đó là tiến bộ thực sự”, Zhu nói.

nam tiep vien hang khong bi kien vi lo clip hon moi dong gioi anh 2

Bất bình vì bị sa thải, Chai quyết định khởi kiện công ty cũ. Ảnh: AFP.

Những năm gần đây, cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang đấu tranh mạnh mẽ cho quyền bình đẳng của họ. Họ sẵn sàng kiện các phòng khám tự xưng là chữa bệnh đồng tính nam, cho đến các công ty kỳ thị nhân viên là người đồng giới và thậm chí kiện cả chính quyền.

Năm 2015, một cặp đồng tính nam sống ở thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), miền Trung nước này, kiện chính quyền địa phương vì đã từ chối đơn đăng ký kết hôn của họ.

Hai người thua kiện, nhưng truyền thông nước này gọi đây là “vụ kiện về quyền bình đẳng trong hôn nhân đầu tiên của Trung Quốc”.

Tháng 9 năm nay, tòa án ở thành phố Hạ Môn xét xử vụ án về quyền nuôi con đầu tiên của một cặp đồng tính nữ, đặt ra tiền lệ pháp lý ở Trung Quốc và tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi về các gia đình đồng tính. Tòa án đã trao cho một người mẹ toàn quyền nuôi con, người mẹ còn lại đang kháng cáo.

Luật Xúc tiến Việc làm ban hành năm 2008 quy định rằng người lao động không phải chịu phân biệt đối xử bất kể “dân tộc, chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng tôn giáo...” của họ. Các luật sư như Zhu tin rằng thuật ngữ “giới tính” bao gồm khuynh hướng tình dục.

Trở lại phiên tòa ở Thâm Quyến, các nhân chứng cho hay luật sư của Chai đã đệ lên thẩm phán bằng chứng bản ghi âm các cuộc trò chuyện giữa Chai và những người giám sát tại công ty sau khi video hôn nhau lan truyền.

nam tiep vien hang khong bi kien vi lo clip hon moi dong gioi anh 3

Những năm gần đây, cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang đấu tranh mạnh mẽ cho quyền bình đẳng của họ. Ảnh: The Guardian.

Trong một cuộc họp, một nữ giám sát viên đã nói với Chai rằng hành động của anh là "bất thường”, "đi ngược lại đạo đức xã hội”.

Yang Yi (33 tuổi), nhân chứng tại phiên điều trần ở Thâm Quyến và là thành viên của Tổ chức Vận động Quyền LGBT Trung Quốc, cho biết các luật sư đại diện cho China Southern Airlines đã bác bỏ đoạn ghi âm và nói rằng nó không liên quan đến vụ việc.

“Luật sư khẳng định phía thân chủ họ không phân biệt đối xử,” Yang nói và cho biết thêm rằng ông cảm thấy hãng hàng không muốn hướng vụ việc ra khỏi lời buộc tội phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Vào tháng 6, Chai giành được chiến thắng nhỏ, khi anh kiện một đồng nghiệp nam khác họ Yu vì tội phỉ báng. Sau khi video lan truyền, Yu đăng tải bài viết trên mạng nói rằng Chai từng quấy rối và cưỡng hôn mình. Song, đây được xác định là thông tin bịa đặt.

Sau vụ kiện, Yu hiện vẫn làm phi công tại China Southern Airlines và không gặp bất cứ rắc rối nào từ công ty.

Phân biệt đối xử len lỏi mọi nơi

Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT ở Trung Quốc chọn không tiết lộ khuynh hướng tình dục của họ tại nơi làm việc, vì họ “không rõ” về mức độ chấp nhận của nó.

Ivy Wong, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Đa dạng và Hòa nhập có trụ sở tại Thượng Hải, đánh giá rằng Trung Quốc đang “ở giai đoạn đầu” trong việc đưa khái niệm chấp nhận người đồng tính vào nơi làm việc.

Trong 3 năm qua, Wong và các nhà tổ chức khác bắt đầu làm việc với các công ty để phát triển văn hóa này tại môi trường văn phòng.

nam tiep vien hang khong bi kien vi lo clip hon moi dong gioi anh 4

Tại Trung Quốc, các công ty đa quốc gia thường dễ dàng chấp nhận nhân viên là người đồng tính hơn các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: China News.

Trong đó, các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ và y sinh, đang chấp nhận nhân viên là người đồng tính nhiều hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Năm 2016, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, trung tâm LGBT tại Bắc Kinh và Đại học Bắc Kinh tiến hành khảo sát đối tượng người đồng giới, với câu hỏi liệu họ có tin rằng bản thân sẽ được mọi người chấp nhận giới tính thật hay không.

Kết quả chỉ ra hơn 64% trong số 30.000 người tham gia chọn “phân vân” với câu hỏi liệu cấp trên có chấp nhận bạn, chỉ 17% khẳng định “có”.

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn so với câu hỏi dành cho gia đình. Chỉ 8% nghĩ rằng bố mẹ sẽ chấp nhận, 58% trả lời “không”.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra chỉ 5% số người tham gia chịu tiết lộ sự thật với người thân hoặc bạn bè. Hầu hết chọn im lặng, che giấu.

Năm 1997, Trung Quốc chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi các hành vi vi phạm pháp luật. Năm 2001, đồng giới được xóa khỏi danh sách những chứng rối loạn tâm thần.

Song, sau chừng đó năm, sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng này vẫn len lỏi ở khắp mọi nơi, từ môi trường làm việc cho đến các dịch vụ khác như chăm sóc sức khỏe. Thực tế ấy dẫn đến một điều dễ hiểu là nhiều người đồng tính chọn sống trong bóng tối, không dám công khai giới tính.

Ba năm theo kiện vụ SGK Trung Quốc nói đồng tính là bệnh

Dù chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các chứng bệnh tâm thần từ lâu, nhiều cuốn sách giáo khoa ở nước này vẫn mô tả đồng giới theo cách xúc phạm.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm