Năm 2023, giá trị xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc là 6,7 tỷ USD. Ảnh: NYTIMES. |
Trước khi thành lập công ty cách đây 15 năm để bán loại trái cây nặng mùi nhất thế giới, anh Eric Chan từng có một công việc lương cao, chuyên viết code cho vệ tinh và robot. Gia đình và bạn bè bối rối khi Chan quyết định đổi nghề.
Đổi đời
Sầu riêng từ lâu được mệnh danh là “Vua của các loại trái cây” ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Khi Chan bắt đầu khởi nghiệp ở quê hương Malaysia, sầu riêng còn rất rẻ và thường được bán ở phía sau những chiếc xe tải.
Và rồi sự quan tâm của người Trung Quốc tới trái cây này đã làm thay đổi tất cả.
Eric Chan nằm trong số nhiều nông dân trồng sầu riêng đã trở thành triệu phú. Ảnh: NY Times. |
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2023, giá trị xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á sang Trung Quốc là 6,7 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với 550 triệu USD vào năm 2017. Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của thế giới. Nước xuất khẩu lớn nhất cho đến nay là Thái Lan; Malaysia và Việt Nam là những nhà xuất khẩu lớn khác.
Ngày nay, các doanh nghiệp sầu riêng đang mở rộng nhanh chóng - một công ty Thái Lan đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm 2024 - và một số nông dân trồng sầu riêng đã trở thành triệu phú. Anh Chan là một trong số đó. Bảy năm trước, anh đã bán cổ phần kiểm soát của công ty chuyên sản xuất sầu riêng làm bánh quy, kem và thậm chí cả pizza với giá tương đương 4,5 triệu USD, gấp gần 50 lần khoản đầu tư ban đầu.
“Mọi người đều đang thu lợi tốt”, anh Chan nói về những người nông dân trồng sầu riêng từng nghèo khó ở Raub, một thành phố nhỏ cách Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, 90 phút lái xe. “Họ sửa sang lại nhà cửa. Và họ có đủ khả năng cho con du học đại học ở nước ngoài”, anh Chan cho hay.
Nông dân ở các vườn sầu riêng Đông Nam Á nói rằng chưa từng chứn g kiến điều gì giống như cơn sốt sầu riêng từ Trung Quốc.
Sự bùng nổ kinh tế mới
Theo New York Times, sự gia tăng xuất khẩu sầu riêng là thước đo sức mạnh của người tiêu dùng Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù theo các thước đo khác, nền kinh tế đại lục đang gặp nhiều thách thức. Khi một quốc gia ngày càng giàu có với 1,4 tỷ dân thích thú với một thứ gì đó, toàn bộ khu vực châu Á sẽ được định hình lại để đáp ứng nhu cầu, theo New York Times.
Diện tích vườn trồng sầu riêng ở Thái Lan đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Ở Malaysia, rừng rậm trên những ngọn đồi bên ngoài Raub đang bị san phẳng để nhường chỗ cho những đồn điền phục vụ cho cơn thèm sầu riêng của người tiêu dùng quốc gia tỷ dân.
Ông Mohamad Sabu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia, cho biết: “Tôi nghĩ sầu riêng sẽ là sự bùng nổ kinh tế mới cho Malaysia”.
Gai trên trái sầu riêng rất sắc nên cần rất cẩn thận khi xử lý. Ảnh: NYTimes. |
Cuộc chạy đua trồng thêm sầu riêng đang gây ra căng thẳng. Tranh chấp đất đai nổ ra. Những hàng rào thép gai đang mọc lên quanh một số vườn sầu riêng. “Ăn trộm sẽ bị bắt” - một tấm biển bên ngoài vườn trái cây ở Raub đã viết như vậy, kèm hình vẽ chiếc còng tay.
Trung Quốc không chỉ mua trái sầu riêng. Đầu tư của Trung Quốc đã chảy vào hoạt động kinh doanh hậu cần và đóng gói sầu riêng của Thái Lan. Theo ông Aat Pisanwanich, một chuyên gia Thái Lan về thương mại quốc tế, hiện tại, lợi ích từ Trung Quốc đã kiểm soát khoảng 70% hoạt động kinh doanh bán buôn và hậu cần liên quan tới sầu riêng.
Từ trái cây mọc hoang thành mặt hàng xuất khẩu xa xỉ
Ở châu Á, vị trí của sầu riêng trong thế giới trái cây được ví như “báu vật” truffle trong thế giới nấm ở phương Tây. Đặt lên bàn cân thì sầu riêng trở thành một trong những thứ đắt nhất trên hành tinh. Tùy thuộc vào giống, một trái sầu riêng có thể được bán với giá từ 10 USD đến hàng trăm USD.
Nhưng nhu cầu bùng nổ từ Trung Quốc, vốn đã đẩy giá sầu riêng lên gấp 15 lần trong thập kỷ qua, khiến người tiêu dùng Đông Nam Á thất vọng khi sầu riêng chuyển từ một loại trái cây dồi dào mọc hoang hay trong vườn nhà thành một mặt hàng xa xỉ dành cho xuất khẩu.
Các quốc gia đang xuất khẩu loại trái cây vốn là một phần không thể thiếu trong bản sắc và văn hóa của mình, đặc biệt là ở Malaysia, nơi sầu riêng là biểu tượng quốc gia thống nhất giữa nhiều dân tộc. Ông Hishamuddin Rais, đạo diễn phim và nhà hoạt động người Malaysia, cho biết: “Thượng đế đã cho chúng tôi trái sầu riêng”.
Nhu cầu sầu riêng gia tăng của Trung Quốc cũng đang định hình lại chuỗi cung ứng “vua của các loại trái cây”. Việc vận chuyển sầu riêng bằng xe tải đến các điểm đến trong khu vực như Kuala Lumpur, Singapore hoặc Bangkok tương đối thuận tiện. Nhưng vận chuyển đến Quảng Châu, Bắc Kinh và xa hơn nữa, đặc biệt là khi trái đã chín và có hương vị thơm ngon nhất, có thể rất nguy hiểm. Mùi sầu riêng có thể giống như rò rỉ khí gas.
Malaysia đã cố gắng giải quyết vấn đề vận chuyển bằng cách đông lạnh trái cây trước khi vận chuyển. Một trong những người tiên phong của phương thức này là Anna Teo. Từng là một tiếp viên hàng không, Teo đã nhận thấy trong chuyến đi của mình rằng sầu riêng rất hiếm ở nước ngoài.
Cô bỏ công việc trong ngành hàng không và thử nghiệm kỹ thuật đông lạnh trong một nhà kho thuê, cũng như đến tìm hiểu các trang trại sầu riêng. Teo nhận thấy rằng việc đông lạnh không chỉ làm giảm mùi của sầu riêng mà còn kéo dài thời hạn sử dụng.
Hiện nay, ở ngoại ô Kuala Lumpur, Teo có hơn 200 nhân viên tại công ty do cô thành lập mang tên Hernan, chuyên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng như bánh mochi và các sản phẩm sầu riêng khác.
Anna Teo đã bỏ công việc trong ngành hàng không và thử nghiệm kỹ thuật đông lạnh sầu riêng. Ảnh: NYTimes. |
Trong khi đó, Thái Lan đã vận chuyển sầu riêng tươi trong container đông lạnh trong nhiều năm. Ngành sầu riêng Thái Lan tập trung ở tỉnh Chanthaburi, gần biên giới với Campuchia. Vào mùa thu hoạch cao điểm, vào tháng 5 và tháng 6, những đống sầu riêng chất chồng khắp nơi.
Khoảng 1.000 container vận chuyển sầu riêng rời khỏi các cơ sở đóng gói khắp Chanthaburi mỗi ngày, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông sầu riêng ngang với các giao lộ nhộn nhịp ở Bangkok. Một số container được chất lên cái mà truyền thông Thái Lan gọi là Tàu Durian, một dịch vụ đường sắt chở hàng nối Thái Lan và Trung Quốc bằng cách sử dụng đường ray mà Trung Quốc dùng cho đường sắt cao tốc.
Trên khắp Chanthaburi, dấu hiệu của sự giàu có từ sầu riêng hiện diện khắp nơi: những ngôi nhà hiện đại và những bệnh viện mới. Một trung tâm mua sắm, khánh thành cách đây hai năm, đã tổ chức triển lãm ôtô hồi tháng tư.
“Khi bạn từ một tỉnh khác đến đây, bạn sẽ nhận ra những người trồng sầu riêng rất giàu có”, ông Abhisit Meechai, chủ một đại lý ôtô đang bán cả những chiếc MG, thương hiệu nổi tiếng của Anh thuộc sở hữu của công ty sản xuất ôtô Trung Quốc SAIC Motor, cho biết.
“Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách chỉ qua trang bìa”, ông Abhisit nói về những khách hàng của mình là nông dân trồng sầu riêng. “Họ đến trong bộ quần áo lấm lem. Nhưng họ mua xe trả bằng tiền mặt”.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.