Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi ám ảnh bị bạo hành, ấu dâm của trẻ nhỏ ngay trong nhà

Do các em phải học trực tuyến, hạn chế ra ngoài trong mùa dịch nên giáo viên và các nhân viên xã hội khó có thể phát hiện ra dấu hiệu trẻ nhỏ bị ngược đãi ở nhà.

Zing trích dịch bài đăng từ New York Times, đề cập đến vấn đề dịch Covid-19 làm tê liệt hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại Mỹ, khiến nhiều em rơi vào tình trạng bị hành hung, bỏ đói trong thời gian cách ly tại nhà, cũng như ngăn cản việc đoàn tụ hoặc nhận con nuôi của nhiều gia đình.

Số lượng báo cáo về các vụ bạo hành, lạm dụng trẻ em ở thành phố New York (Mỹ) giảm đột ngột kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tưởng rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng các nhà chức trách cảm thấy lo ngại về vấn đề này.

Theo cảnh sát và các công tố viên bảo vệ quyền trẻ em, sự sụt giảm đột ngột có thể là dấu hiệu của làn sóng bạo hành trẻ nhỏ đang diễn ra bên trong các gia đình. Sau khi dịch bệnh tràn tới New York, hệ thống “yếu ớt” vốn dùng để bảo vệ trẻ em ở thành phố này đã sụp đổ.

bao hanh tre em anh 1

Trẻ em không an toàn trong chính gia đình mình. Ảnh: Getty Images.

Đối với những em sống trong cảnh bị bố mẹ, người thân hành hung, ngược đãi thường xuyên, lệnh cách ly tại nhà thời gian vừa qua như một cơn ác mộng. Có thể nói, Covid-19 đã đẩy các em vào tình thế nguy hiểm nhất.

Thông thường, giáo viên là những người đầu tiên phát hiện ra vết bầm tím trên người học sinh hoặc dấu hiệu các em bị bỏ đói hay đối xử tệ bạc. Tuy nhiên, hiện nay họ chỉ có thể gặp học trò qua lớp trực tuyến.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, cơ quan phúc lợi trẻ em thành phố New York ghi nhận trung bình hơn 1.300 trường hợp bạo hành trẻ nhỏ mỗi tuần. Tuy nhiên, con số này giảm tới 51% ở cùng kỳ năm nay, chỉ còn 672 vụ/tuần.

“Những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ như các bác sĩ nhi khoa, giáo viên, nhân viên công tác xã hội… nay không được gặp các em nữa. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra với lũ trẻ”, luật sư quận Bronx Darcel Clark cho biết.

bao hanh tre em anh 2

Nạn thất nghiệp do dịch bệnh gây áp lực lớn lên các gia đình. Ảnh: New York Times.

Trói tay, đánh đập, bỏ đói con cái

Theo các chuyên gia về phúc lợi trẻ em, các vấn đề xã hội diễn ra gần đây, bao gồm nạn thất nghiệp, bị cách ly tại nhà, nghiện rượu và chất cấm, là những yếu tố dễ bùng phát bạo hành trẻ nhỏ trong gia đình.

Nghiêm trọng hơn, các em còn dễ dàng trở thành đối tượng của những kẻ ấu dâm. Chỉ tính riêng quận Bronx, số trường hợp bị bắt giữ vì lạm dụng tình dục trẻ em tăng cao kể từ đầu mùa dịch.

Trong số những vụ án được Cơ quan Quản lý Dịch vụ Trẻ em ở New York (CAS) xử lý gần đây, một người mẹ nuôi 53 tuổi bị bắt giữ sau khi có người phát hiện vết bầm trên cổ tay con trai 8 tuổi của bà.

Theo điều tra, bà mẹ này đã trói tay chân cậu bé vào 4 góc giường và thắt chặt bằng dây zip nhựa cho tới khi bị bầm tím, xước xát. Bà cho biết đó là cách duy nhất để kiểm soát con trai vì cậu bé luôn muốn trốn ra ngoài chơi xe trượt scooter.

bao hanh tre em anh 3

Covid-19 khiến hệ thống “yếu ớt” vốn dùng để bảo vệ trẻ em ở Mỹ sụp đổ. Ảnh: Andy Dean Photography.

Ở một gia đình khác, hai em nhỏ, một bé 4 tuổi và bé còn lại 11 tuổi, phải tự chăm sóc bản thân trong một khoảng thời gian dài, bao gồm cả việc đi chợ. Không ai biết các em bị ngược đãi cho tới khi mẹ ruột phóng hỏa căn nhà trong lúc sử dụng ma túy.

Trước đó, người phụ nữ này luôn ở trạng thái say xỉn và đổ tội cho lũ trẻ ăn cắp thức ăn trong bếp. Hiện các nhà chức trách đã đưa hai đứa trẻ đến một nơi an toàn hơn.

Cũng trong mùa dịch, một thiếu niên được phát hiện sống một mình chăm sóc cho 3 con mèo và 1 con chó sau khi mẹ của em qua đời vì Covid-19. Các nhà chức trách liền đưa cậu bé vào một trung tâm trẻ mồ côi cho tới khi mẹ đỡ đầu xuất hiện và đón em về nuôi.

Luật sư Clark cho biết có một giáo viên đã gọi tới các nhà chức trách sau khi thấy một phụ huynh đánh con ngay trong buổi học online. Trên thực tế, có nhiều học sinh ở gia đình thu nhập thấp còn không được học trực tuyến, khiến cho các thầy cô không thể kịp phát hiện và giúp đỡ các em tránh khỏi bạo hành.

Gia đình không được đoàn tụ

Khi phụ huynh không đủ điều kiện nuôi dạy như dùng ma túy, nghiện rượu, ngược đãi thể chất và tinh thần, trẻ em được cơ quan CAS đưa vào trung tâm nuôi dưỡng. Trong những năm 1980, các trung tâm chăm sóc rơi vào tình trạng quá tải. Vì vậy, cơ quan bắt buộc phải tìm cách khác.

bao hanh tre em anh 4

Bên trong trung tâm chăm sóc trẻ em Children's Home & Aid tại Mỹ. Ảnh: Children's Home & Aid.

Ở một số vụ, CAS chỉ đưa trẻ nhỏ vào trung tâm nuôi dưỡng một thời gian để xử lý những trường hợp phụ huynh vi phạm pháp luật. Sau đó, các em sẽ được đoàn tụ cùng gia đình, với điều kiện bố mẹ sẽ được giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, dù cho lũ trẻ trở về nhà hay đưa sang gia đình khác nhận nuôi thì mọi hoạt động đều bị hoãn lại do dịch Covid-19.

Hiện nay, các thẩm phán chỉ ưu tiên xử lý những trường hợp trẻ em đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm do số lượng phòng xử án giảm từ 162 xuống còn 11 phòng và phải hoạt động online.

Ngoài ra, bố mẹ đẻ cũng không được tới thăm con cái ở trung tâm nuôi dưỡng hoặc các gia đình nhận nuôi ở thời điểm này. Nhiều bố mẹ nuôi bày tỏ sự quan ngại khi những người tới thăm sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm virus.

Liam (14 tuổi) hiện sống tại Làng Trẻ em, một trung tâm chăm sóc ở New York. Chính ra cậu bé sẽ được đoàn tụ với gia đình vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thành phố đóng cửa mọi dịch vụ không cần thiết, trong đó bao gồm việc trở về nhà của em.

Trong nhiều tuần nay, gia đình Liam cũng không được tới thăm cậu bé mà chỉ được gọi điện qua video. Liam chia sẻ rằng em nhớ bố mẹ và cả nhà rất nhiều.

Theo Georgia Booth, Phó chủ tịch Hiệp hội Trợ giúp Trẻ em, những chuyến thăm nom của gia đình chính là chìa khóa quyết định trong việc quyết định có nên đưa trẻ em trở lại ngôi nhà của chúng hay không.

bao hanh tre em anh 5

Chiếc khẩu trang Jane chuẩn bị để đón con gái hồi tháng 3, nhưng phiên tòa lần đó bị hoãn lại vì dịch. Ảnh: New York Tiimes.

Ông Hanshell, một ủy viên tại CAS, cho biết cơ quan khuyến khích các trung tâm nuôi dưỡng tổ chức các chuyến thăm nom ngoài công viên hay các địa điểm công cộng, để bố mẹ có thể gặp con cái mà giảm thiểu khả năng lây nhiễm virus.

Không chỉ có Liam, một người mẹ tên Jane (41 tuổi) cũng mong mỏi đến tháng 3 để giành quyền nuôi Anna, đứa con gái 2 tuổi của cô. Anna bị đưa đi ngay từ khi mới lọt lòng do Jane từng sử dụng ma túy. Cô cũng đánh mất quyền bố mẹ đối với 5 đứa con trước đó.

Hiện nay, Jane đã cai nghiện và tham gia lớp học làm phụ huynh để sau này có thể nuôi dưỡng Anna đúng cách. Cô có việc làm ở siêu thị Whole Foods và mới đây được thăng chức làm trợ lý điều hành. Cô cũng đủ tiền để tự thuê nhà, không còn sống tạm bợ tại các khu ổ chuột nữa.

Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của Jane, tuần vừa qua, tòa án trả lại cô quyền làm bố mẹ đối với Anna. Dù phiên tòa bị hoãn lại hơn 3 tháng vì dịch bệnh, Jane vẫn vô cùng hạnh phúc khi lần đầu tiên được ôm và ru con gái ngủ trong vòng tay.

Tranh cãi việc cô dâu Vũng Tàu nhờ 6 bé gái bê tráp trong đám hỏi

Trước bình luận không hay từ dân mạng, cô dâu Minh Tâm cho hay cô đã xin phép và được sự đồng ý từ phụ huynh 6 bé gái bê tráp cho mình trong đám hỏi. Các em cũng tỏ ra thích thú.

Mark Zuckerberg da sai hinh anh

Mark Zuckerberg đã sai

0

Nhiều tờ báo lớn gọi tuyên bố của Mark Zuckerberg về sự thiếu hụt năng lượng nam tính tại các doanh nghiệp là "sai lầm", "nực cười" và "khó hiểu".

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm