Điện ảnh Việt vẫn đang mày mò với thể loại phim cổ trang nhưng tiền, kỹ thuật và tâm lý khán giả là rào cản khiến những nhà làm phim "nhụt chí anh hùng".
Trước Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca hay Mỹ nhân kế, điện ảnh Việt Nam từng cho ra đời nhiều bộ phim thuộc thể loại cổ trang như Đêm hội Long Trì, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Phạm Công - Cúc Hoa… Tuy nhiên, dòng phim này vẫn là "ca khó" đối với các nhà sản xuất và đạo diễn.
|
2 cha con nghệ sĩ Lý Huỳnh - Lý Hùng trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm. |
Những khó khăn của phim cổ trang Việt
Kinh phí là khó khăn đầu tiên. Phim cổ trang thường đòi hỏi khoản đầu tư gấp 3 - 4 lần, thậm chí hơn thế nữa so với phim hiện đại, ví dụ như Khát vọng Thăng Long là 60 tỷ đồng, Thiên mệnh anh hùng 25 tỷ đồng, Mỹ nhân kế 17 tỷ đồng, Tây Sơn hào kiệt 12 tỷ đồng, Cuộc chiến với chằn tinh 10 tỷ đồng… Muốn thu hồi vốn đã là việc không dễ dàng, chứ đừng nói đến chuyện có lãi. Bởi thế, dù rất tâm huyết nhưng rất ít nhà sản xuất dám tham gia "canh bạc bạc tỷ" này. Nếu có gan thì cũng chỉ làm một phim cho thỏa, sau đó…. bỏ của chạy lấy người.
Việt Nam chưa có phim trường riêng đạt tiêu chuẩn nên hầu hết đều đi thuê mượn bối cảnh. Với phim cổ trang, công viêc này càng gian nan hơn khi phải tự dựng cảnh, kéo quân đến những nơi chưa bị bê tông hóa để quay, hoặc vào đền, chùa "ăn gian" góc máy tạo không gian xưa. Bộ phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã ngốn một số tiền không nhỏ cho bối cảnh Đường Sơn quán của các mỹ nhân ở một khu resorf ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Còn để đưa vào khuôn hình những cảnh làng quê, đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phải di chuyển từ Ninh Bình, Hoa Lư, Đền Đô lên đến Buôn Ma Thuột.
Đi cùng với khó khăn về bối cảnh là chuyện trang phục, đạo cụ vì những yếu tố này rất quan trọng trong một tác phẩm cổ trang. Nếu trước đây người ta phải đặt may hoặc thuê trang phục cải lương thì hiện nay, các đoàn phim phải tìm đến nhà thiết kế có hiểu biết về trang phục xưa của người Việt. Bộ phim Khát vọng Thăng Long mời nhà thiết kế Trần Bảo Chi từ Pháp sang, bộ phim Mỹ nhân kế có sự tham gia của Nguyễn Công Trí… Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức nhưng khi ra rạp, trang phục của các nhân vật vẫn bị chê giống Hàn, giống Hoa. Riêng vấn đề đạo cụ thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt, nhất là khi phim cần đến những diễn viên 4 chân có bờm. Ngựa của Việt Nam thấp bé, không thể "đóng vai" ngựa chiến nên nếu miễn cưỡng sử dụng sẽ tạo hiệu ứng ngược. Do vậy, các đoàn phim Tây Sơn hào kiệt, Thiên mệnh anh hùng hay Khát vọng Thăng Long đều phải vất vả đi tìm những chú ngựa ngoại.
|
Phim Khát vọng Thăng Long. |
|
Phim Long thành cầm giả ca. |
Ngoài những khó khăn trên, yếu tố kỹ xảo và võ thuật cũng là điểm yếu kém nên phim cổ trang Việt rất ít những đại cảnh hoành tráng vốn là nét đặc sắc của thể loại này. Tuy nhiên, chuyện tiền nong có thể giải quyết, về bối cảnh, trang phục, kỹ xảo vẫn tìm ra hướng khắc phục, nhưng tâm lý khán giả chính là rào cản lớn nhất mà những nhà làm phim cổ trang Việt phải đối đầu. Do đã xem quá nhiều phim cổ trang Hoa ngữ, gần đây là cổ trang Hàn Quốc nên khi phim cổ trang Việt ra rạp luôn bị so sánh, mổ xẻ một cách không thương tiếc khiến sự cố gắng của các nhà làm phim phủi sạch sau những cú tạt nước lạnh từ người xem.
Việc khán giả xem phim cổ trang Việt với cặp kính thành kiến đã vô tình làm nản chí nhiều nhà sản xuất, đạo diễn có tâm huyết góp phần phát triển thể loại phim đặc thù này. Và chi phí sản xuất cao, doanh thu thấp đã trở thành bài toán khó mỗi khi có ai đó muốn thực hiện phim cổ trang. Ngoài Mỹ nhân kế thu hút người xem, hầu hết những tác phẩm cổ trang Việt gần đây như Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca hay Cuộc chiến với chằn tinh đều không đạt con số mong muốn. Ngay đến bộ phim Thiên mệnh anh hùng được đánh giá cao cũng cùng chung số phận khi thu không đủ bù chi.
Phim cổ trang Việt, có đi mới thành đường
Trong khi phim cổ trang ở nhiều nước châu Á mở rộng ở nhiều đề tài từ lịch sử, dã sử đến kiếm hiệp, fantasy (tưởng tượng) thì phim cổ trang Việt thường bị đặt định là phim lịch sử, điều đó vô tình cản trở sức sáng tạo của các nhà làm phim. Bởi đã là phim lịch sử thì nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử như thế nào thì phản ánh như thế, với 70% sự thật lịch sử và 30% dành cho hư cấu. Tuy nhiên, thời gian gần đây quan niệm này đã cởi mở khi xuất hiện một số tác phẩm sáng tạo nên nền lịch sử như Thiên mệnh anh hùng, hay thuần fantasy với bối cảnh xưa như Mỹ nhân kế.
Không chỉ Việt Nam, mà các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng không có nhiều phim cổ trang lịch sử và phần lớn đều chỉ là phim bàn chuyện lịch sử theo góc nhìn của thời đại. Đã thế, chúng ta lại ở kế bên một ông lớn có truyền thống làm phim cổ trang rất mạnh nên nhiều khán giả bị "ám ảnh", luôn có sự so bì khi một bộ phim cổ trang Việt ra đời.
|
Phim Thiên mệnh anh hùng. |
|
Phim Tây Sơn hào kiệt. |
|
Phim Mỹ nhân kế. |
|
Phim Cuộc chiến với chằn tinh. |
Nói về vấn đề này, đạo diễn Victor Vũ cho biết: "Phim cổ trang, kiếm hiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh và coi là 'giống Trung Quốc'. Tuy nhiên, thể loại phim này có từ rất lâu rồi, nếu để ý kỹ thì sẽ thấy kiếm hiệp không phải là dòng phim của riêng Trung Quốc vì Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ cũng đều có. Đối với tôi, yếu tố bay nhảy trong phim kiếm hiệp là một vẻ đẹp của điện ảnh chứ không phải là một cái gì đó của Trung Quốc".
Là nhà sản xuất phim tư nhân duy nhất làm nhiều bộ phim cổ trang chiếu rạp (Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái, Tây Sơn hào kiệt), nghệ sĩ Lý Huỳnh tự tin cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất thể loại phim này. Vì thế ông nhìn rõ hơn ai hết những khó khăn khi thực hiện một bộ phim cổ trang, nhất là cổ trang lịch sử. Theo nghệ sĩ Lý Huỳnh, cho đến thời điểm hiện tại, mảng đề tài cổ trang lịch sử, dã sử vẫn còn quá ít ỏi trên màn ảnh Việt vì dòng phim này khó làm, tốn kém và không dễ thuyết phục khán giả đến rạp. Tuy nhiên, ông cùng nhiều nhà sản xuất khác vẫn cố gắng làm vì mục đích dùng điện ảnh để góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc từ thế hệ trẻ.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn: "Hiện tại, dòng phim cổ trang Việt Nam đang yếu nhất mà chúng ta cứ né tránh hoài thì bao giờ mới mạnh. Hôm nay tôi ráng sức, nếu không đủ thì được bảy phần, người sau sẽ nâng lên cao hơn nữa".
Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng mỗi người góp một chút công sức và quan trọng hơn là sự ủng hộ của khán giả, dòng phim cổ trang Việt sẽ sớm mở ra một con đường riêng.