Nhiều "cổ cồn trắng" cảm thấy áp lực khi bị đưa vào đội hình biểu diễn văn nghệ công ty. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
22h, Hải My (24 tuổi, quận 3, TP.HCM) mới về đến nhà. Giờ làm việc kết thúc lúc 18h, song cô cùng vài đồng nghiệp ở lại công ty để tập tiết mục văn nghệ cho buổi tiệc tất niên.
Năm nay, phòng của cô sẽ tập bài múa truyền thống với đội hình 8 người. Vừa chuyển sang công ty chưa lâu, My không dám từ chối hoạt động này.
"Công việc cuối năm rất bận mà sếp vẫn yêu cầu chúng tôi tập múa, hát. Vài ngày nữa là tiệc tất niên, chúng tôi vẫn chưa ai thuộc bài. Không khác gì các hoạt động thời trung học, đại học", cô nói với Zing.
Đùn đẩy, ngại tham gia
Cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên nhằm tổng kết năm cũ, tri ân nhân viên và gia tăng tinh thần đoàn kết trong tập thể. Không ít đơn vị mong muốn nhân viên trực tiếp thể hiện tiết mục văn nghệ để giúp buổi tiệc trở nên gần gũi hơn.
Tuy vậy, không phải nhân sự nào cũng hào hứng với những hoạt động như vậy.
Có những người khá yêu thích thể hiện tài năng, song nhiều người khác lại ngần ngại đứng trước đám đông. Việc tập luyện văn nghệ kéo dài sẽ càng gây khó khăn khi nhân viên không được công ty hỗ trợ về vật chất hoặc ưu tiên thời gian làm việc.
Hải My cho rằng tập văn nghệ cuối năm không khác gì làm thêm giờ không lương. |
Theo Hải My, lịch tập văn nghệ của bộ phận cô được sắp xếp vào thứ hai, tư, sáu hàng tuần tại phòng hội nghị của công ty.
Vốn dĩ từng người được thông báo về hoạt động này từ sớm, tuy nhiên không ai hào hứng tham gia. Trước buổi tiệc 2 tuần, nhóm mới bắt đầu cuống quýt.
"Không muốn phải đến công ty vào thứ 7, chủ nhật, chúng tôi chỉ có thể tập múa những ngày trong tuần. Đến khoảng 19h, ai cũng mệt và đói", nhân viên này kể lại.
Hải My còn được giao trách nhiệm trưởng nhóm. Mỗi ngày, ngoài giải quyết các dự án cuối năm, cô còn phải tìm kiếm động tác múa, đăng ký mượn phòng tập và nhắc nhở lịch cho từng nhân sự khác.
"Rất chán và mệt. Chúng tôi dự định múa qua quýt cho xong, nhưng cũng ngại bị mọi người chê cười", cô cho hay.
Duy Khang (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng tỏ ra e ngại khi được cấp trên yêu cầu phải biểu diễn hát tại tiệc cuối năm của công ty.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết công ty mình có một nhóm chat chung để cập nhật thông tin nội bộ tới khoảng 100 nhân sự. Khi nhân viên hành chính nhân sự (HR) đề cập đến việc mỗi phòng ban đều phải có tiết mục văn nghệ, nhóm chat đang hào hứng bỗng trở nên im lặng, không ai muốn lên tiếng.
"Chẳng ai muốn nhận thêm việc về mình", Khang cho hay.
Tuy vậy, Duy Khang lại được sếp trực tiếp tag tên vào cuộc hội thoại, yêu cầu anh đại diện phòng ban tham gia tiết mục hát vì cho rằng anh có năng khiếu. Điều này khiến anh không hài lòng vì bản thân không hứng thú.
"Trước đây, tôi từng biểu diễn tại trường học hoặc vài hoạt động ngẫu hứng tại công ty. Tuy nhiên, tôi không thích bị đùn đẩy trách nhiệm như vậy", Khang nói thêm.
Ngọc Uyên luôn là người hào hứng với các sự kiện tại công ty. |
Khác với Hải My và Duy Khang, Ngọc Uyên (25 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại khá hào hứng với những sự kiện, hoạt động tập thể tại công ty mình, trong đó có biểu diễn văn nghệ.
Nhân viên này cho biết mình là người hướng ngoại, từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa suốt thời THPT và đại học. Thậm chí, cô luôn là người đề xuất kế hoạch cho các buổi tiệc, teambuilding của tập thể.
Biết lợi thế của mình, Uyên nhận trách nhiệm lên ý tưởng tiết mục, tìm hiểu những đồng nghiệp cùng độ tuổi, sở thích tương đồng và kêu gọi mọi người tham gia.
"Chúng tôi khá thoải mái khi cùng nhau thực hiện những ý tưởng múa, hát vui vẻ nhất. Dù gì công ty cũng chỉ có 1-2 bữa tiệc mỗi năm", cô hào hứng.
Không chỉ tập văn nghệ, trong năm, Uyên cùng đồng nghiệp còn nhiều lần thực hiện các chương trình hóa trang vào dịp Trung thu, Halloween nhằm tăng sự tương tác, gắn kết trong môi trường làm việc.
Với Uyên, những giờ phút được tập múa, chuẩn bị đạo cụ với đồng nghiệp là một cách giúp cô xả stress, đồng thời mọi người cũng có thời gian chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Để văn nghệ là tự nguyện
Theo Ngọc Uyên, lý do khiến cô và nhiều đồng nghiệp khác thoải mái dành thời gian tham gia những hoạt động văn nghệ chính vì được công ty hỗ trợ, tạo điều kiện.
"Chúng tôi được hỗ trợ chi phí phục trang, make-up. Những buổi tập tối còn có đồ ăn đặt về tận văn phòng. Tiệc gala năm nào cũng sẽ trao giải cho những tiết mục đặc sắc nhất", Uyên kể.
Ngoài ra, theo Uyên, quan trọng hơn hết là mọi người trong công ty mình đều có cùng sở thích, chấp nhận hỗ trợ nhau cả về thời gian lẫn công việc. Vì vậy, hoạt động nội bộ trở nên vui vẻ, không còn là gánh nặng.
Duy Khang cho rằng công ty nên thuê nghệ sĩ biểu diễn văn nghệ, thay vì yêu cầu nhân viên. |
Đồng tình với Ngọc Uyên, Duy Khang cũng cho rằng sự ủng hộ, hỗ trợ từ tập thể chính là yếu tố quan trọng để mỗi nhân sự tự nguyện tham gia văn nghệ công ty nói riêng, hoạt động văn hóa nội bộ nói chung.
Nhiều lần đứng trên sân khấu tiệc tất nhiên, anh đều hụt hẫng vì tiết mục hát của mình chẳng có mấy ai chú ý.
Khi lên sân khấu, anh thấy mọi người vẫn đang hăng say dùng bữa. Một vài nhóm quá chén bắt đầu hô vang những khẩu hiệu "1,2,3 dô" rất lớn, át đi phần trình diễn của anh và band nhạc hôm đó.
Đây vốn dĩ là viễn cảnh Duy Khang có thể hình dung được tại một buổi tiệc tất niên của công ty. Trình diễn xong, anh trở lại bàn, nhanh chóng ăn uống rồi ra về.
Đối với Khang, việc sắp xếp chương trình văn nghệ trong tiệc cuối năm nên được bố trí khi mọi người chưa dùng tiệc, vẫn còn hào hứng khi mới đến sự kiện.
"Tốt hơn hết, công ty nên mời nghệ sĩ đến biểu diễn. Các ca sĩ, band nhạc sẽ trình diễn thú vị hơn, có cả vũ đạo lôi cuốn và dễ dàng thu hút mọi người", anh cho hay.
Trong khi đó, Hải My lại gặp sự cố khác khi cô cùng đồng nghiệp nhiều lần lời qua tiếng lại chỉ vì chuyện tập múa.
Theo đó, Hải My muốn thúc đẩy tiến độ để sớm hoàn chỉnh bài diễn, thành viên trong nhóm lại liên tục viện lý do về sớm, muốn thoái lui mặc dù trước đó đã đồng ý tham gia.
"Tôi biết không ai vui vẻ gì khi phải ở lại công ty đến muộn, nhưng tôi không còn cách nào khác. Buổi tập lúc nào cũng trong không khí nặng nề vì mọi người đều căng thẳng", My kể lại.
Cô cho rằng nếu muốn một tiết mục văn nghệ chất lượng, chỉn chu, sự đồng thuận của các nhân sự tham gia cần được đưa lên hàng đầu.
Để đạt được điều đó, công ty nên khích lệ tinh thần họ bằng những phần thưởng trao giải giá trị trong đêm gala hoặc có khoản trợ cấp xăng xe, ăn tối cho những ai tập văn nghệ. Buổi tất niên cũng nên được tổ chức vào thời điểm hợp lý, sau khi các dự án cuối năm đã hoàn thành được 90%.
"Việc tham gia múa, hát hay văn nghệ công ty nên là tự nguyện. Khi tinh thần thoải mái, không áp lực, mọi người mới có thể gắn bó, tạo ra tiết mục hấp dẫn được", cô nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.