Gần đây, Nhật Bản công khai thông tin và sa thải những người có hành vi thiếu chuẩn mực. Ảnh: Shutterstock. |
Ngày 19/12, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Nhật Bản Eneos Holdings tuyên bố sa thải Chủ tịch Takeshi Saito sau khi phát hiện ông có hành vi không đứng đắn với một người phụ nữ trong bữa tiệc rượu.
Theo South China Morning Post, việc sa thải này được các nhà vận động bình đẳng giới ca ngợi, cho thấy trách nhiệm giải trình đối với hành vi quấy rối ngay cả ở cấp cao nhất.
Thế nhưng, một số người thận trọng hơn, đặt câu hỏi liệu đây có thực sự là dấu hiệu thay đổi trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản hay không khi thay vì được giải quyết đến gốc rễ, những trường hợp như vậy chỉ được đưa ra ánh sáng khi người ta tố giác tới những người đứng đầu.
Liên tiếp bê bối
Tháng 11, Eneos Holdings đã nhận được thông báo về hành vi sai trái của Chủ tịch Takeshi Saito thông qua hệ thống tố cáo nội bộ. Sau đó, tập đoàn đã điều tra để xác minh. Ông Saito thừa nhận đã uống rượu quá mức dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Vị chủ tịch cũng bày tỏ sự hối tiếc vì đã mất tự chủ. Trong các cuộc phỏng vấn, ông Saito đã cúi đầu nhận lỗi.
Vụ bê bối này đã giáng thêm một đòn mạnh vào Eneos Holdings khi trước đó, năm 2022, cựu CEO Tsutomu Sugimori phải từ chức sau khi có thông tin cho rằng ông ta quấy rối tình dục và làm bị thương một nữ nhân viên tại quán bar.
Trong cuộc họp thông báo việc cách chức ông Takeshi Saito, Eneos Holdings khẳng định hành vi của ông là không thể chấp nhận được. Công ty sẽ yêu cầu ông trả một phần tiền bồi thường.
“Thật đáng tiếc khi những vụ bê bối như thế này đã xảy ra tại công ty chúng tôi trong 2 năm liên tiếp. Chúng tôi xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho các bên liên quan và sẽ xem xét mọi phương án để cải thiện công tác quản trị”, ông Seiichiro Nishioka, thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty, cho biết trong một cuộc họp báo.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tổ chức các hội thảo nhằm làm rõ hành vi có thể chấp nhận hoặc không tại môi trường làm việc. Ảnh: Shutterstock. |
Ai là người cần được hướng dẫn?
Giáo sư Xã hội học Chisato Kitanaka, Đại học Hiroshima, cho biết nhiều đàn ông - nhất là những người đàn ông lớn tuổi nắm giữ vị trí quyền lực - không hiểu bản chất của hành vi đụng chạm không mong muốn là quấy rối.
Gần đây, cô được một doanh nghiệp mời tham dự một sự kiện thảo luận về quấy rối tình dục và hành vi không phù hợp tại nơi làm việc. Một người đàn ông lớn tuổi đã yêu cầu cô giải thích về ranh giới của hành vi không phù hợp.
“Ông ấy không biết vì chưa bao giờ được ai nói rõ ràng. Ông ấy thực sự cần ai đó giải thích”, Giáo sư Chisato Kitanaka nói.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tổ chức các hội thảo nhằm làm rõ hành vi có thể chấp nhận hoặc không tại môi trường làm việc.
Dù vậy, các chuyên gia cho biết thành viên quản lý cấp cao thường vắng mặt trong các sự kiện như vậy, trong khi họ là những người cần được hướng dẫn nhất. Những người điều hành lớn tuổi bước vào thương trường từ những năm 1970-1980 - thời mà các quy định về bình đẳng giới tại công sở không được nói đến.
“Phải đến những năm 2000, chính phủ Nhật Bản mới ban hành các quy định pháp lý liên quan đến các hành vi trong môi trường làm việc", Giáo sư Chisato Kitanaka nói thêm.
Dù vậy, Giáo sư Xã hội học cũng cảm thấy việc Eneos Holdings hành động nhanh chóng và công khai là tín hiệu tốt. Bà nhận định doanh nghiệp này đã làm đúng. Các công ty khác sẽ nhìn vào họ để học tập.
Một số chuyên gia cho rằng các công ty không thực sự thay đổi thái độ bên trong, mà chỉ hành động vì áp lực xã hội. Ảnh: Pexels. |
Việc thay đổi chỉ là hình thức?
Khác với Giáo sư Chisato Kitanaka, Giáo sư Kinh tế Noriko Hama, Đại học Doshisha, Kyoto, lại ít lạc quan hơn. Nói với This Week in Asia, bà cho biết không coi vụ việc tại Eneos Holdings là dấu hiệu của sự thay đổi.
“Tôi cho rằng các công ty không thực sự thay đổi thái độ bên trong, mà chỉ hành động vì áp lực xã hội. Các hành động này nhằm xoa dịu dư luận và tránh trách nhiệm, thay vì xuất phát từ mong muốn thực sự ngăn chặn quấy rối tình dục”, Giáo sự Noriko Hama nói.
Nữ giáo sư nhận định thái độ quấy rối đã ăn sâu vào các công ty lớn, chúng tồn tại ngay từ khi doanh nghiệp được thành lập.
“Đó là đặc điểm điển hình của các tổ chức được điều hành bởi những người đàn ông quyền lực. Và chúng ta thấy nó lặp đi lặp lại ở các tổ chức khác nhau”, Giáo sư Hama nhận định.
Chỉ riêng năm nay, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, gây chấn động dư luận. Hồi tháng 4, ban quản lý công ty Johnny & Associates đã thừa nhận hành vi lạm dụng tình dục hàng trăm bé trai của Johnny Kitagawa - người sáng lập quá cố của công ty.
Đầu tháng 12, 3 binh sĩ đã bị kết án tấn công tình dục một nữ đồng nghiệp. Trước đó, tháng 11, chính quyền tỉnh Saitama tuyên bố sẽ có những hành động mạnh mẽ chống lại nạn quấy rối tình dục sau khi một phóng viên nữ bị các thành viên nam của hội đồng thành phố buông những lời lẽ thô tục.
Giáo sư Noriko Hama cho rằng đó là ví dụ về thái độ tự cho mình đứng trên luật pháp của các nhà lãnh đạo cấp cao trong một tổ chức - những người cảm thấy họ gần như không thể bị trừng phạt.
“Điều đó đã trở thành chuẩn mực trong ‘cộng đồng' các nhà quản lý cấp cao. Họ cùng chia sẻ niềm tin và thái độ đó. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ coi quấy rối là hành vi bình thường. Và, tôi không nghĩ rằng có sự thay đổi thái độ thực sự, trừ khi thay đổi thế hệ lãnh đạo", Giáo sư Hama nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.