Sáng sớm cận Tết, sân Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có trên 100 người nói chuyện rôm rả. Thỉnh thoảng, họ nhìn ra cổng như chờ một điều gì đó. Đúng 6h, mọi người reo lên: "Ông Năm Liệt chở cháo tới rồi".
Đại tá Trần Quyết Liệt (phải) trực tiếp múc cháo cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: Việt Tường. |
Năm Liệt là đại tá Trần Quyết Liệt, Trưởng Công an huyện Mỹ Tú. Ông có tuổi thơ cơ cực, phải đội bún đi đổi gạo, gánh thùng cà rem suốt ngày mới có được cái ăn.
Được tổ chức điều động về cơ sở hơn một năm trước khi đang làm Chánh Thanh tra Công an tỉnh Sóc Trăng, đại tá Liệt có dịp đến Bệnh viện Mỹ Tú và thấy người nghèo điều trị tại đây có bữa ăn sáng rất đạm bạc. Để cải thiện bữa ăn này, ông Liệt bàn với lãnh đạo bệnh viện là chuyển từ cháo trắng từ thiện sang cháo thịt và việc này sẽ do công an huyện đảm trách.
Được bệnh viện đồng ý, Năm Liệt mở cuộc vận động chi phí từ bạn bè, đồng nghiệp. Đầu tiên, vị đại tá "điểm danh" hết những người thường mời ông ăn sáng, uống cà phê. Theo ông, những người này không cần mời ăn uống, mỗi tháng chỉ cho một tô phở, quy ra tiền được 2 kg gạo là ông Liệt đã vui.
"Người bạn nào rủ nhậu thì tôi nói với anh em, tiền đãi tôi uống bia cứ quy ra thịt. Mỗi tháng một người cho 3 kg thịt là đủ nấu nồi cháo cho mấy chục người ăn", ông Liệt chia sẻ.
Khi được bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ, vị trưởng công an huyện có được gần 5 triệu đồng. Sau đó, ông Liệt tiếp tục vận đồng và đích thân ra chợ để tìm nơi bán gạo với thịt heo ngon. Hành, ngò, củ cải cà rốt cũng được vị đại tá trực tiếp mua rồi ông cùng vài cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vào bếp nấu cháo cho bệnh nhân nghèo từ 4h mỗi ngày.
Những đêm không trực tại đơn vị, ông Liệt phải rời nhà hơn 3h để di chuyển từ TP Sóc Trăng vào huyện Mỹ Tú. Thấy ông rạng sáng nào cũng vào bếp, gần 20 cán bộ, chiến sĩ đã xung phong thức sớm cùng lãnh đạo và thay phiên nhau vo gạo, xay thịt, gọt củ cải…
Công an huyện Mỹ Tú tặng quà Tết cho người nghèo. Ảnh: Nhật Tân. |
Trò chuyện cùng phóng viên Zing.vn, ông Liệt nói rằng, người bệnh luôn có tâm lý được ăn cháo ngon thì sức khỏe mau bình phục. Do đó, không riêng gì gạo, thịt mà vị đại tá còn chọn thật kỹ từng củ cải đỏ và cọng hành, ngò để nồi cháo đảm bảo dinh dưỡng và mùi thơm đặc trưng.
Hơn 5h30, nồi "cháo công an" nấu chín. Người chỉ huy nhanh tay nêm hành, ngò rồi cùng 5 cán bộ, chiến sĩ trong trang phục chỉnh tề, đưa cháo lên ôtô chở đến bệnh viện. Theo thứ tự, người già được ưu tiên nhận cháo trước, sau đó là trẻ em, phụ nữ. Khoảng nửa giờ sau, những muỗng cháo cuối cùng được ông Liệt cho vào tô của bệnh nhân thứ 120, 121… và 130.
"Những ngày mới nấu, bệnh nhân đăng ký ăn 'cháo công an' khoảng 50 người. Sau đó, thấy chúng tôi nấu ngon, vừa miệng nên bà con đăng ký tăng dần. Hiện, một nồi cháo trị giá khoảng 400.000 - 450.000 đồng, gồm 4 kg gạo, 3,5 kg thịt, 2 kg cà rốt và hành ngò", ông Liệt nói.
Không riêng gì những buổi cấp phát cháo, mỗi khi đi làm việc thiện ông Liệt đều gọi cảnh sát giao thông đi cùng. Theo người chỉ huy, cảnh sát giao thông làm từ thiện sẽ giúp bà con thấy những người mặc áo vàng rất gần gũi với họ, chứ không phải cảnh sát giao thông chỉ biết tuýt còi bắt xe vi phạm luật.
Đối với cán bộ trẻ, những lần đi làm từ thiện, nấu và cấp phát cháo cho bệnh nhân nghèo sẽ giúp những chiến sĩ công an thấy được hoàn cảnh khó khăn của bà con. Qua đó, các chiến sĩ ngày càng quý mến, kính trọng người dân nhiều hơn và chăm sóc họ như chính người thân của mình.
Chia sẻ khó khăn với người nghèo, tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an Mỹ Tú đã cùng các nhà từ thiện duy trì nồi "cháo công an" bằng cách giúp thêm bình gas, ký gạo. Đó là mỗi sĩ quan một tháng ủng hộ hai tô phở, chiến sĩ thì ủng hộ một nửa để ông Liệt quy ra tiền mua gạo, thịt, gas, bột nêm…
Mỗi lần múc cháo cho bà con, ông Liệt nghe ai đó khen cháo ngon thì ông đều căn dặn: "Cô bác ăn cháo thấy ngon sẽ mau hết bệnh. Về nhà thì cố gắng giúp tôi kèm cặp mấy đứa nhỏ, đừng cho tụi nó phá làng, phá xóm. Có như vậy thì chúng tôi mới có thời gian để nấu cháo cho bà con ăn".
Từ tấm chân tình của vị đại tá, những người từng ăn "cháo công an" tại bệnh viện khi hết bệnh đã thường xuyên ủng hộ chi phí, gạo, thịt cho Công an Mỹ Tú để ông Liệt cùng cán bộ, chiến sĩ tiếp tục làm việc thiện.
Trong đó, có một phụ nữ ở TP HCM từng bị bệnh khi về thăm quê, giờ đây, hàng tháng chị đều gửi đến Công an Mỹ Tú vài gói bột nêm, đường, bột ngọt. Hiện, gạo và chi phí các Mạnh Thường Quân đóng góp, ông Năm Liệt có thể nấu cháo "gối đầu" thêm 4 tháng nữa.
Ông Năm Liệt (phải) trao quà hỗ trợ gia đình có nhà bị cháy ở Mỹ Tú. Ảnh: Nhật Tân. |
Những ngày cận Tết Bính Thân, ngoài việc nấu cháo, ông Liệt còn ngược xuôi vận động hàng trăm phần quà và một ít tiền cho người nghèo ăn Tết. Trước đó, vị đại tá cũng vận động được nhiều chiếc xe đạp, hàng nghìn quyển tập cho học sinh nghèo.
Theo ông Liệt, công an tích cực làm từ thiện là để giúp dân nghèo. Khi có thêm một người tốt thì xã hội giảm đi một tội phạm. Đây chính là cách để Mỹ Tú giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
"Người dân tin yêu công an thì khi làm việc gì họ cũng phải đắn đo suy nghĩ đến lòng tốt của công an. Năm qua, tỷ lệ tội phạm đã giảm rất nhiều với các năm. Công an nấu cháo từ thiện, cấp phát cho dân đã làm họ tin yêu, gần gũi với công an hơn. Vì vậy, đã có rất nhiều người thông tin, hỗ trợ công an ngăn ngừa, truy bắt tội phạm", ông Năm Liệt chia sẻ.