NƠI CÔ GIÁO CẦM ĐÈN TÍCH ĐIỆN DẠY HỌC
"Cắm bản vùng cao là khổ, là khó, nhưng nhìn lũ trẻ chậm con chữ sao nỡ được. Khó một chút nhưng sẽ yên lòng. Những đứa trẻ ở đây sẽ học thật ngoan, thật giỏi", cô Vân, giáo viên tiểu học ở Nghệ An nói.
Đường từ trung tâm thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương, Nghệ An) đến bản Cà Moong, xã Lượng Minh khoảng 60 km. Người muốn vào đây phải qua đường đèo, bên là vực sâu hun hút, bên là vách đá dựng cao.
Một cách khác là di chuyển bằng thuyền máy giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ rồi ngược hơn 5 km đường rừng chênh vênh mới tới nơi. Cũng vì thế mà nơi đây được ví như "thâm sơn cùng cốc".
Thầy Vi Viêng Xay, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lượng Minh, cùng cô giáo Lương Thị Hằng dẫn đường cho phóng viên vào điểm trường Cà Moong - nơi có 5 giáo viên cắm bản nhiều năm nay.
“Đường núi giờ không đi được đâu, mưa thế này xe lên đỉnh núi vứt lại rồi đi bộ thôi. Muốn vào bản phải đi thuyền qua thủy điện Bản Vẽ rồi đi bộ cả tiếng nữa nên không phải ai cũng dám vào Cà Moong”, thầy Viêng Xay cảnh báo trước chuyến đi. Hai giáo viên tiểu học đón chúng tôi bằng xe máy, vượt đoạn đường đèo dốc sương mù vây kín dài hơn 30 km để vào bến đò giữa lòng hồ thủy điện.
Điểm trường Cà Moong nằm giữ bản, bốn bề là núi rừng hun hút. |
"Không phải ai cũng dám vào Cà Moong"
Đến bến đò giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lúc 9h, không khí nhộn nhịp như ngày thường không còn hiện hữu. Thời tiết mưa và lạnh khiến những chuyến đò khách vào Cà Moong đã dừng chạy.
Mỗi ngày, thuyền chỉ đi vài chuyến, mỗi lượt khách phải trả 30.000 đồng. Người không may mắn đến chậm giờ phải thuê thuyền máy của dân sống ven lòng hồ với giá 150.000-250.000 đồng/chuyến. Gửi lại xe máy, 4 chúng tôi lên thuyền gỗ có lắp máy của người dân, vi vu giữa lòng hồ giữa tiết trời 13 độ C.
Những ngày nắng, để vào bản Cà Moong, người ta có thể di chuyển bằng xe máy dọc con đường đất men theo những cung đường đèo heo hút, vắng vẻ với những vách đá dựng đứng, trơn trượt để xuống bản.
Cà Moong là điểm trường xa nhất trong 9 điểm trường Tiểu học Lượng Minh. Ở đây, 5 thầy cô giáo thường trực (3 biên chế, 2 hợp đồng), họ đều ở độ tuổi từ 24 đến 35. Để lên trường dạy chữ, ai cũng đều vượt quãng đường xa xôi, người gần cũng 40 km, xa thì cả trăm km.
Gần 1 giờ lênh đênh trên chuyến thuyền máy giữa lòng hồ, chúng tôi tiếp tục hành trình trên con đường rừng với những con dốc quanh co, dựng đứng. Con đường lởm chởm đá ướt sau trận mưa và sương rừng dày đặc.
Con đường độc đạo vào Cà Moong hiểm trở do núi lở. |
“Xe máy đường này không đi được, nửa đường là phải để lại, đi bộ. Đường vào bản trước còn dễ đi nhưng đợt mưa lũ vừa qua khiến ngọn đồi no nước, tuôn chảy theo dòng khe Bông làm sạt đi phân nửa”, thầy Viêng Xay chia sẻ về những khó khăn của giáo viên khi tiếp cận điểm trường. Ông cho biết từng không ít lần cùng đồng nghiệp ngã nhào giữa con đường trơn trượt.
Khổ nhưng quen rồi, không lên là nhớ tụi nhỏ
Qua 2 con dốc dựng đứng, phóng tầm mắt phía sau màn sương vắt ngang ngọn núi là hàng chục nóc nhà ở bản Cà Moong. Bản làng với hơn 150 hộ dân, 100% là người Khơ Mú nằm cạnh khe suối Bông, bốn bề núi trọc. Xung quanh làng lơ thơ vài cây xoan đào to bằng bắp chân người lớn.
Nằm giữa bản có 3 dãy nhà màu vàng, mái xanh với lá cờ đỏ sao vàng cao chót vót. Đó là điểm trường Cà Moong.
Có mặt tại trường lúc tầm trưa, học sinh đã vãn lớp. Từ trong gian bếp dựng tạm cạnh khu nội trú, 5 thầy cô bước ra vui mừng, chào hỏi khi thấy đồng nghiệp cùng hai vị khách lạ.
“Các anh vừa tắm bùn để lên thăm chúng em đấy à”, một cô giáo đùa vui khi thấy chúng tôi xuất hiện với đôi giày trên tay, chân lem luốc bùn đất.
Ở Cà Moong, thầy Lô Văn Tuân là người có thâm niên cắm bản lâu nhất. Giáo viên này vốn gốc ở xã Kim Đa nhưng thủy điện Bản Vẽ xây dựng, gia đình anh phải di dời về xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương).
Ngày được chuyển công tác dạy gần nhà, Tuân băn khoăn rồi bảo vợ đưa hai con nhỏ cùng ông bà nội về quê sinh sống. Riêng anh tình nguyện ở lại với trẻ em trên vùng “ốc đảo” này.
Thấm thoát đã 8 năm, thầy giáo sinh năm 1985 cứ luân chuyển từ Xốp Cháo sang Cà Moong, rồi lại từ Cà Moong sang Xốp Cháo. Với anh, việc vượt rừng, cõng xe qua núi dường như đã trở thành câu chuyện quen thuộc.
“Cuối tuần ai nấy đều về thăm nhà một ngày rồi chuẩn bị đồ đạc, vác ba lô lên bản cho tuần mới. Đường vào khó đi nên hầu hết lúc lên mọi người lại tập trung thành nhóm từ thị trấn, lỡ xe hỏng còn có người giúp, không thì chỉ có khóc giữa đường”, thầy Tuân tâm sự.
Vừa nhận công tác ở điểm trường cách xa trung tâm xã được hơn 2 tháng, thầy Hoàng Mạnh Toàn vẫn chưa hết những cảm giác lần đầu tiên bước chân vào điểm trường bốn bề là núi.
“Không nhớ rõ ngã xe bao nhiêu lần, chỉ biết là thường xuyên. Có lúc mưa, đường trơn, xe lên giữa núi là ngã phành phạch, hoặc bánh xe kẹt cứng bùn đất, muốn đi cũng chết cứng nên đành để lại trên đỉnh núi đi bộ xuống trường”, thầy Toàn nói.
Cuộc sống tách biệt, sóng điện thoại lúc được lúc mất, không Internet cũng là thử thách lớn với thầy cô giáo trẻ. Nghe tin vợ ốm, thầy Toàn phải gác máy lên khung cửa số phòng ngủ để đón sóng gọi động viên vợ.
Giáo viên này đã có con trai 5 tuổi, vợ cũng là giáo viên nên vợ chồng anh phải gửi con cho ông bà chăm sóc, cuối tuần mới được đoàn tụ. Những ngày đầu đi dạy, con đòi bố, mẹ. Thương con nhưng vì nhiệm vụ đưa con chữ lên non, vợ chồng anh đành cố gắng.
Thầy Đào Trọng Kiều, giáo viên trẻ nhất từ miền xuôi lên đây nhận nhiệm vụ hơn năm nay. Nam giáo viên sinh năm 1994 cho biết từng dạy ở nhiều điểm trường trong huyện Tương Dương nhưng Cà Moong được đánh giá là nơi khó khăn nhất.
“Học sinh ở đây là đồng bào Khơ Mú, việc bất đồng ngôn ngữ, tiếp thu kiến thức của các em gặp rất nhiều khó khăn. Thầy cô lên đây đều phải học tiếng của người bản địa để dễ trao đổi với các em hơn”, thầy Kiều nói.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng 5 giáo viên tại Cà Moong vẫn không một lời than vãn. Những nỗi buồn khi sống biệt lập, xa gia đình, vợ con nhưng họ vẫn động viên nhau cùng cố gắng đưa con chữ cho lũ trẻ vùng cao.
5 anh em là gia đình nhỏ
Ở cùng dãy nhà tạm trú, 5 cô thầy là 5 hoàn cảnh, gia đình riêng nhưng ở đây họ là một gia đình. Sống cùng nhau, mỗi người một việc. Người rảnh sẽ phụ giúp nấu bữa trưa, bữa tối.
“Buổi sáng mì tôm là nhanh nhất, đến trưa với tối mới nấu cơm. Không có chợ nên bữa ăn có thịt chỉ là ba ngày đầu tuần, mấy ngày sau may mắn bà con làm con heo mang biếu, còn không chỉ ăn trứng với rau. Ăn thế để giữ eo các anh ạ”, cô Lương Thị Vân cười nói.
Mùa đông gió lạnh, nước sinh hoạt lạnh hơn nước đá, nhưng các thầy cô luôn thay nhau "bật bình nóng lạnh" để tắm. Nghe tưởng đùa như thật, hóa ra cái bình nóng lạnh ấy là nồi nước sôi đun bằng than củi. Điều kiện sống ở đây cũng chỉ đáp ứng được cho thầy cô giáo ở mức tối thiểu nhưng họ luôn vui cười, không lời than vãn.
Các cô giáo chỉ mang quần áo đủ ấm và gọn nhẹ nhất, không biết chăm sóc sắc đẹp thế nào giữa nơi "thâm sơn cùng cốc", bởi vì "đẹp cho ai nhìn, đầu tuần tóc mượt, cuối tuần về đã xoăn”.
Điện là từ năng lượng Mặt Trời, để sạc đèn tích điện thắp sáng và sạc điện thoại. Giáo án phải soạn trước cả tuần bằng laptop để lên dạy. Nước khe suối dẫn về, nấu bếp củi, bữa sáng nào cũng là mì tôm, cứ vậy đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu.
Cầm đèn tích điện thắp chữ trên non
Với những giáo viên ở đây, mỗi ngày đi dạy, đủ học sinh đến trường là vui nhất. Cứ vắng một em, thầy cô lại lo lắng, cùng trưởng bản đến gõ cửa từng nhà tìm học sinh, khuyên các em đến trường.
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn, hay cũng bố mẹ đi rẫy hoặc ở nhà trông em đều được giáo viên vận động đi học đầy đủ.
Mỗi đêm, học sinh ở bản Cà Moong lại soi đèn pin đến trường. |
Học sinh ở Cà Moong không sõi tiếng Kinh nên việc tiếp thu chậm, một bài toán phải giảng đến cả chục lần. Cách phát âm cũng phải chỉnh hết lần này đến lần khác. Nhưng dù theo cách nào, 5 thầy cô ở đây vẫn kiên nhẫn truyền đạt kiến thức cho học trò, giúp các em học tiếng, đánh vần, viết chữ, làm toán.
Ngoài những giờ dạy ban ngày, 3 tối trong tuần, thầy cô cắt cử nhau mở lớp dạy thêm. Lớp học tự nguyện, không thu thêm học phí. Cứ thế, nhiều năm qua, đêm đến, tiếng ê a của lũ trẻ lại vang khắp bản làng, xé tan sự vắng lặng của núi rừng.
Cô Lương Thị Vân (25 tuổi) là người Thái ở xã Xá Lượng, cách Cà Moong hơn 30 km. Đoạn đường không xa lắm nhưng phải qua ít nhất 2 cái đèo, hàng chục con dốc lớn nhỏ xuyên qua những khu rừng.
Làm nghề gõ đầu trẻ gần 2 năm ở đây, cô Vân nhớ ngày đầu xin lên Cà Moong dạy học. Bố mẹ lo lắng, sợ con gái còn trẻ, đi dạy ở vùng khó khăn, sẽ không thể vượt qua.
Cô Vân được giao dạy lớp 1 với 22 học sinh. Với nữ giáo viên, những đứa trẻ lớp một nói tiếng Kinh không sõi là điều khó khăn nhất. Những ngày đầu, cô phải nhờ lớp trưởng Moong Thị Thương - cô bé là người duy nhất nghe hiểu và nói được chút ít tiếng Kinh. Từ đó, cô bé 6 tuổi thành thông dịch viên đặc biệt cho cô giáo.
“Nói các em không hiểu thì phải nhờ Thương, rồi học thêm tiếng Khơ Mú để giao tiếp và dạy các em dễ hơn. Lâu dần, dân bản thấy nói tiếng thông thạo nên đặt luôn cho cái tên Moong Vân hay Cụt Vân theo họ của người dân ở đây”, cô Vân kể.
Nữ giáo viên sinh năm 1994 tâm sự cuộc sống tách biệt, sóng điện thoại lúc được lúc mất, không Internet là thử thách lớn với các thầy cô giáo trẻ. Dạy học xong, đến đêm, chị em gắng soạn bài cho ngày mai rồi ngủ sớm.
Nhiều lúc buồn, nhất là khi đau ốm, gia đình ở xa nên tủi thân rồi khóc nhưng rồi cố gắng. Nay, mọi người đều quen, 5 giáo viên như một gia đình nhỏ, học sinh ngoan hiền nên mỗi ngày không được lên đây lại nhớ tụi nhỏ.
Nhớ gia đình nhưng giữa nơi rừng núi hoang vu, sóng điện thoại chập chờn việc liên hệ với bạn bè, người thân là điều dường như khó tưởng với giáo viên ở đây. |
Hơn người em cùng tên 1 tuổi, Vi Thị Hồng Vân đang chủ nhiệm lớp 4, cũng là người Thái lên bản người Khơ Mú dạy học. Đầu tuần, cô Vân từ xã Yên Thắng lên Lượng Minh với đoạn đường hơn 60 km.
Đến giờ lên lớp, nữ giáo viên chuẩn bị sách vở cho học sinh của mình. Như một thói quen hàng ngày, Vân hỏi han từng học sinh việc ăn uống, tắm rửa rồi điểm danh, mắc chiếc bóng tích điện lên đầu bảng, một cái ở giữ lớp, cái còn lại cầm ở tay rồi bắt đầu bài học.
“Ban đêm không có điện, để các em ở nhà sợ bố mẹ không kèm cặp được, giáo viên góp tiền mua bóng tích điện để có đủ ánh sáng hướng dẫn các em học vào buổi tối. Cũng may phụ huynh ủng hộ, các em nghe lời nên cũng đỡ”, Vân chia sẻ..
Tiếng trống đêm vang lên xua tan không khí nơi bản vắng. Phía cổng trường, những đứa trẻ với chiếc đèn pin đội đầu í ới gọi nhau vào lớp học. |
Dạy học 1 năm ở điểm trường khó khăn nhất xã Lượng Minh, nữ giáo viên chia sẻ cái khó nhất là thiếu điện. Các thầy cô vẫn thường nói đùa mà thật "Bản ở giữa hai đầu hai nhà máy thủy điện mà không có điện". Với họ, có điện học sinh sẽ được học đầy đủ hơn, không còn cảnh phải thắp đèn tích điện dạy các em.
"Cắm bản vùng cao là khổ, là khó, nhưng nhìn lũ trẻ không có con chữ sao nỡ được. Khó một chút nhưng sẽ yên lòng. Rồi những đứa trẻ ở đây sẽ học thật ngoan, thật giỏi", cô Vân bày tỏ.