Phẫu thuật cao thêm 18cm để đi thi người mẫu
Chị Alexandra Transer, 30 tuổi ở Volgograd, Nga mới đây đã bỏ ra 6.000 USD để phẫu thuật kéo dài chân với hy vọng đi thi người mẫu. Theo Alexandra, cô có ước mơ trở thành người mẫu từ năm 14, nhưng đến năm 17 tuổi chiều cao khiêm tốn chỉ có 1m65, vì vậy đã quyết định tiết kiệm tiền để phẫu thuật nhằm tạo ra chiều cao trên 1m8 nhờ kỹ thuật Illizarov. Đây là thủ thuật khá phổ biến tại Liên Xô cũ từ những năm 50 ở thế kỷ trước, gần đây nó đã được cải tiến, trở thành kỹ thuật an toàn nhất thế giới hiện nay.
Kỹ thuật Illizarov do bác sĩ người Nga Ilizarov tìm ra năm 1951. Ban đầu được ứng dụng để tạo xương trên chó, về sau áp dụng cho con người, thông qua việc cắt xương, đặt khung dạng vòng bên ngoài, kéo dần với tốc độ chậm để tạo một khoảng trống nhất định. Theo thời gian, khối lượng xương đậm dần, rồi thông tủy tạo thành một ống xương mới hoàn chỉnh.
Cũng trong thời gian này, các mô mềm xung quanh cũng kéo ra, tái tạo giống như xương, cuối cùng chân dài thêm, có chức năng giống như các chi bình thường. Với thủ thuật nói trên, ước nguyện của Alexandra Transer trở thành sự thật. Theo đó, sau khi cắt xương, bác sĩ lắp một ống kim loại bên ngoài để giúp xương phục hồi. Trong thời gian kéo dài, Alexandra phải tự chỉnh ốc mỗi ngày vài lần theo hướng dẫn, đồng thời luyện tập để giúp xương phát triển cân đối.
Alexandra Transer với lồng kim loại bao quanh, tự vận động và điều chỉnh ốc xoắn hàng ngày |
Alexandra tiết lộ, 9 tháng đầu dài được khoảng 6 cm, sau đó phải qua hai ca phẫu thuật nữa, dự kiến đến năm 2018 sẽ có chiều cao cực đại 1m83, như vậy số tiền đầu tư 6.000 USD, Alexandra có thêm 18 cm chiều cao.
Cùng với Alexandra, một cô gái trẻ 21 tuổi người Trung Quốc tên là Xu Juan cũng áp dụng kỹ thuật này nhưng phải qua 4 cuộc phẫu thuật, có thêm 23 cm chiều cao. Xu Juan, chỉ kéo dài chân trái do bị nhiễm trùng, xương bị khuẩn gậm mòn từ khi còn bé tý. Bác sĩ đặt một lồng kim loại ôm lấy chân, mỗi ngày Xu Juan phải vặn ốc vài lần để có thêm 1 mm, tốc độ tuy chậm nhưng an toàn giúp dây thần kinh, mạch máu phát triển đồng bộ, hạn chế nguy cơ biến chứng, nhất là bại liệt vĩnh viễn do đứt dây thần kinh và mạch máu. Ca phẫu thuật của Xu Juan khá suôn sẻ, đến nay Xu Juan đi lại bình thường, hai chân cao bằng nhau.
Kỹ thuật Illizarov và những điều chưa được
Kỹ thuật Illizarov hay còn gọi là thủ thuật tạo xương từ xương hay thiết bị Illizarov, sử dụng thiết bị cố định bên ngoài chân (hay chi). Kỹ thuật này nổi tiếng khắp Liên Xô cũ, nhất là sau khi được dùng để nối chân cho VĐV nhảy sào giành huy chương vàng Valery Brumel năm 1968. Brumel vỡ xương chày trong một tai nạn giao thông và sau 3 năm với 20 ca phẫu thuật nhưng không thành công, cuối cùng nhờ kỹ thuật Illizarov đã chữa lành xương và tạo ra thêm 3,5 cm chiều cao do sự khác biệt giữa hai chân. Kỹ thuật này càng trở nên nổi tiếng sau năm 1980 khi được dùng để điều trị thành công cho nhà báo kiêm thám hiểm người Italia, Carlo Mauri bị gãy chân sau khi trượt tuyết. Sang đến thập niên 80, kỹ thuật Illizarov đã được giới thiệu rộng rãi sang phương Tây và được xem là “điểm nhấn” trong cuộc cách mạng chỉnh hình của nhân loại.
Alexandra Transer trước (trái) và sau phẫu thuật |
Mặc dù được xem là an toàn nhưng Illizarov vẫn còn tồn tại một số nhược điểm, như thời gian mang khung quá dài, thường từ 2-2,5 tháng cho 1 cm được nối dài thêm, có nghĩa, người bệnh phải chờ hàng năm. Ngoài ra, nó có thể gây ra một loạt các vấn đề biến chứng như:
- Nhiễm trùng cục bộ tại vị trí trục vít và dây bó xung quanh. Biến chứng thường gặp, từ sưng, tấy đỏ, thậm chí còn sưng mủ, kèm theo sốt và ớn lạnh, nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể là do môi trường vệ sinh không đảm bảo, sức khỏe miễn dịch của người bệnh kém, băng gạc không được tiệt trùng thấu đáo... Tuy nhiên, hiện tượng này có thể khắc phục được bằng kháng sinh.
- Đau sưng: đau là sự cố rất phổ biến của kỹ thuật Illizarov, ví dụ do chèn ép gây tụ máu trong bắp chân. Nếu nặng có thể mổ lấy máu tụ ứ trong khoang hoặc dùng thuốc giảm đau. Liều dùng tùy theo ngưỡng chịu đau của từng người. Nếu co thắt cơ bắp, có thể dùng liều thấp Valium trong thời gian ngắn. Nếu xuất hiện các cơn đau bất thường cần đi khám để xử trí thích hợp, không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau, nó sẽ làm sai lệch triệu chứng, dẫn đến tai biến khó lường.
- Biến chứng thần kinh mạch máu: tổn thương này thường gây ra do phẫu thuật viên ít kinh nghiệm, hoặc làm sai qui trình mổ xẻ. Nếu nặng, có thể mở rộng đường mổ nối lại mạch máu bị tổn thương hay bị đứt. Tổn thương thần kinh thường gặp nhất là thần kinh mác chung đi sau chỏm xương mác, làm mất khả năng co duỗi cổ chân. Tỉ lệ xảy ra không đáng kể, có thể tự phục hồi sau phẫu thuật khoảng 1 năm.
- Co rút mô mềm: đây là một biến chứng thường gặp trong các phẫu thuật xương khớp nói chung và trong kỹ thuật Illizarov nói riêng, đặc biệt là co rút Tendo-Achilles. Hiện tượng co rút này có thể ngăn ngừa bằng cách dùng nẹp đúng cách các khớp xương và ứng dụng liệu pháp vật lý trị liệu, nếu cần có thể phải phẫu thuật kéo dài dây chằng.
- Hiện tượng trật khớp khuỷu khớp liền kề: có thể ngăn ngừa bằng cách khám lâm sàng và X-quang các khớp xương liền kề để nới lỏng khung và dùng khung tăng cường.
- Các vấn đề về xương tại vị trí kéo dài: rất đa dạng nhưng chủ yếu là chậm liên kết hoặc liên kết xương quá sớm, hoặc không có liên kết. Liên kết xương chậm hay kéo dài là biến chứng thường gặp của kỹ thuật Illizarov, có thể ngăn ngừa, điều chỉnh tốc độ liên kết. Một số trường hợp, nhất là ở trẻ nhỏ nếu mắc bệnh không tạo sụn thì quá trình tạo thành xương rất nhanh.
Loãng xương cũng là một biến chứng thường gặp trong thủ thuật kéo dài xương. Nguyên nhân có thể là do xương bị teo hoàn toàn có thể do điều chỉnh không thích hợp lồng khung bên ngoài hoặc tháo khung quá sớm, và cả những lý do chưa được biết đến. Ngoài ra còn những biến chứng như hoại tử chi do người bệnh tăng chỉnh khung quá nhanh, quá dài. Viêm chân đinh, tê bàn chân sau phẫu thuật, có thể là do mạch máu và thần kinh không giãn nỡ kịp với tốc độ kéo dài của khung.
Hiện tượng cử động cổ chân và khớp gối khó khăn là do các chân đinh nằm gần gối và cổ chân gây đau nhức, cũng có thể do gân cơ không dãn nở kịp với tốc độ kéo dãn của xương. Vì vậy cần tăng chỉnh tốc độ khung hợp lý, năng vận động các khuỷu khớp theo khuyến cáo của bác sĩ.Nhập nội dung bài viết...