Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nối dài giấc mơ chữ của trẻ thiệt thòi

Suốt gần hai năm, vào thứ hai hằng tuần Nguyễn Thị Quỳnh (ĐH Ngoại thương cơ sở 2) lại đi xe buýt từ huyện Hóc Môn đến Nhà n toàn Thảo Đàn để dạy học cho các trẻ đường phố

Ngoài Quỳnh, còn có hơn 40 “giáo viên” khác là sinh viên hoặc người đã đi làm đang thầm lặng làm công việc nối dài giấc mơ chữ, giấc mơ làm người có ích của trẻ thiệt thòi. Ngoài “gia đình riêng” đó, hơn 40 bạn trẻ ấy còn có một “gia đình chung” khác là nhóm tình nguyện “Đồng hành ước mơ”.

Tình nguyện viên nhóm “Đồng hành ước mơ” dạy học cho các em nhỏ tại Nhà an toàn Thảo Đàn vào một buổi tối thứ hai.

Như nhiều nhóm tình nguyện khác, “Đồng hành ước mơ” ra đời từ thao thức của hai cô gái lúc ấy đều là sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM Đặng Trần Ngọc Ngân và Đỗ Ngọc Thảo, rằng làm sao để đồng hành với trẻ khuyết tật, trẻ các mái ấm nhà mở trong chặng đường học tập và bằng tình yêu chân thành góp phần làm phai mờ những vết sẹo tinh thần của trẻ. Tháng 10/2010, nhóm “Đồng hành ước mơ” ra đời, 20 thành viên lứa đầu đều là sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Đến nay, nhóm có gần 50 thành viên là sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và những bạn trẻ đã đi làm.

Ngọc Ngân - chủ nhiệm nhóm - thiết kế mô hình dạy chữ sao cho mỗi tình nguyện viên chỉ dạy 2 giờ/tuần và “một kèm một hoặc hai”. Ngọc Ngân lý giải: “Mô hình này đảm bảo một tình nguyện viên thật sự có tâm huyết sẽ đi được một chặng đường khá dài cùng nhóm, dù có thể họ có nhiều mối quan tâm khác. Chúng tôi mong ngọn lửa tình nguyện của các bạn chỉ cần cháy 70-80% nhưng hãy cháy cùng nhóm, cùng trẻ thiệt thòi ít nhất ba tháng. Chúng tôi không mong những ngọn lửa cháy lần đầu đến 150- 200% rồi nhanh chóng lụi tàn”.

Cũng chính vì mô hình “một kèm một hoặc hai” và thầy - trò sẽ đi suốt với nhau nhiều tháng nhiều năm mà tình cảm giữa các tình nguyện viên và “tụi nhỏ” ngày càng nồng thắm. Phạm Thị Bảo Yến (sinh viên năm 4 ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) dạy hai cậu bé Tấn và Tín vốn là anh em, đang cùng học lớp 6 tại Nhà tình thương Diệu Giác (Q.2) chia sẻ: “Chông gai nhất là giai đoạn đầu tiếp cận trẻ. Các trẻ thường không hợp tác bằng cách quậy phá, không chịu học, la hét… Tình nguyện viên cần hết sức nhẫn nại, tâm lý, yêu trẻ và tin rằng mình có thể thay đổi trẻ. Vượt qua giai đoạn này thì những chặng sau sẽ suôn sẻ hơn. Tôi xem hai học trò như em trai, vui nhất là khi nhìn thấy sự tiến bộ của các em, được nghe hai em kể chuyện trường lớp, thậm chí cả chuyện có cảm tình với bạn gái nào đó và nhờ mình tư vấn”.

Còn tại Nhà an toàn Thảo Đàn (Q.Gò Vấp), các bạn nhỏ thường ríu rít gọi tên các anh chị tình nguyện viên và “đu” theo mỗi khi anh chị đến lớp. Lớp tuy chỉ vài học trò nhưng có nhiều trình độ từ lớp 1 đến lớp 8, các thầy cô “xoay như chong chóng” theo tiếng í ới của các bạn nhỏ và đôi lúc chỉ đơn giản là nũng nịu. Nguyễn Thị Quỳnh (sinh viên năm 4 ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) - dạy tại đây - cho biết: “Tôi tin rằng việc học tốt sẽ góp phần giúp các em có tương lai tươi sáng. Chẳng mong gì hơn việc các em lên lớp đều và đi được một chặng học tập dài, ngoan ngoãn, rèn luyện những đức tính tốt. Chúng tôi cũng tin rằng việc đến và gắn bó với trẻ dài lâu sẽ góp phần mang đến cho các em cảm giác luôn có ai đó thật sự quan tâm và yêu thương mình”.

Trong hơn ba năm qua, các điểm đến của chương trình dạy học “Đồng hành ước mơ” gồm Nhà an toàn Thảo Đàn (Q.Gò Vấp), Nhà tình thương Diệu Giác (Q.2) và Cơ sở nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng (Q.10) với tổng số khoảng 40 trẻ. Khẩu hiệu của nhóm là “Thắp sáng con đường đến những ước mơ” còn hiện hữu trong hoạt động thu gom sách cho trẻ nghèo. Từ chương trình này, 700 đầu sách và nhiều dụng cụ học tập được tặng Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ (huyện Nhà Bè).

Trong hành trình phía trước, những cánh chim đầu đàn của “Đồng hành ước mơ” đang mong muốn phát triển nhóm thành tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp dịch vụ tình nguyện viên. Ý tưởng tình nguyện này đã được áp dụng tại một số nước song vẫn còn rất mới tại Việt Nam. Ngọc Ngân nói: “Chúng tôi hi vọng sẽ làm được điều này vừa để nhóm có kinh phí hoạt động vững chắc thay vì chủ yếu dựa vào đóng góp của tình nguyện viên và các mạnh thường quân, vừa góp phần thay đổi suy nghĩ của cộng đồng rằng tình nguyện thì không bao giờ liên quan đến tiền, từ đó giúp cộng đồng phân biệt rõ hơn giữa tình nguyện và từ thiện”.

 

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/590831/noi-dai-giac-mo-chu-cua-tre-thiet-thoi.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm