Sáng 15/1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong bước sang ngày làm việc thứ 2.
Bị cáo rất đau lòng
Tiếp tục đứng lên bục xét hỏi, bị cáo Trương Quý Dương khai Bệnh viện đa khoa Hòa Bình không đủ khả năng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO dùng cho máy lọc thận. Do đó, đơn vị phải thuê đối tác bên ngoài để sửa chữa. Khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm thuộc về bệnh viện.
Nói về quy trình sửa máy, bị cáo Dương cho biết sau khi Khoa Hồi sức đề nghị, Phòng Vật tư sẽ đánh giá tình trạng thiết bị rồi gửi đề xuất cho phó giám đốc phụ trách trực tiếp ký. Sau đó, văn bản này được chuyển cho giám đốc phê duyệt.
Để xảy ra sự cố, ông Dương thừa nhận bản thân có trách nhiệm chung. Tuy nhiên, trách nhiệm đó còn thuộc từng phòng ban chuyên môn phụ trách từng đầu việc. Bị cáo Dương kiến nghị tòa làm rõ trách nhiệm nào trực tiếp liên quan đến ông ta, trách nhiệm nào gián tiếp.
Bị cáo Trương Quý Dương bị VKS truy tố tội danh có khung hình phạt 3-12 năm tù. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ông Dương lý giải, các nội dung liên quan thiết bị y tế, bàn giao máy móc đều được Phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu giao việc cho từng cá nhân. Còn Phòng tài chính phụ trách kinh phí, giám đốc bệnh viện chỉ quản lý chung.
“Bị cáo không biết thời gian, công việc cụ thể của từng khoa mà do khoa đó chủ động. Trừ khi có việc gì đó bất bình thường thì các khoa mới báo cáo cho bị cáo”, ông Dương khai.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: Những lần sửa chữa trước, bị cáo có biết sau khi sửa việc chạy thận vẫn diễn ra bình thường? Đáp lời, bị cáo sinh năm 1962 khai, ông ta quản lý bệnh viện dựa vào tham mưu của các phòng ban chuyên môn và giám sát qua nhiều kênh như trực tiếp kiểm tra, phó giám đốc báo cáo hoặc thông quan các đợt thanh tra định kỳ.
"Bệnh viện luôn có kịch bản đối phó với từng tình huống khác nhau. Bị cáo quản lý chung còn kịch bản cụ thể do lãnh đạo khoa, phòng đề xuất”, ông Dương phân trần.
Vậy bị cáo thấy mình có trách nhiệm gì trong hoạt động lọc máu tại bệnh viện không? Ông Dương trả lời: Đối với mọi việc xảy ra trong đơn vị bị cáo đều có trách nhiệm.
Trong việc hợp tác với đối tác Thiên Sơn khi chạy thận, bị cáo Dương giải thích, đối với bệnh viện chịu trách nhiệm về chuyên môn, bố trí cán bộ và phân ca kíp chạy thận trong một ngày. Còn Công ty Thiên Sơn phải cung cấp đủ máy theo yêu cầu, cử kỹ thuật viên hướng dẫn vận hành máy móc.
“Còn kỹ thuật lọc máu do cán bộ bệnh viện phụ trách. Thực tế, cán bộ của đơn vị đã được đào tạo kỹ thuật này trong nhiều năm”, cựu giám đốc bệnh viện quả quyết.
Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm lần 4. Ảnh: Hoàng Lam. |
VKS truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo thấy có đúng? Ông Dương giãi bày, về mặt tình cảm, ông ta với Hoàng Công Lương tình như con cháu, nghĩa như thầy trò nên rất tin tưởng vào bác sĩ 33 tuổi.
“Lương bị như vậy, bị cáo rất đau lòng. Nỗi đau của bác sĩ Lương cũng là nỗi đau của bị cáo”, ông Dương nói và trình bày thêm, với tội danh VKS truy tố, ông ta không dám nói đến từ oan, chỉ mong cơ quan tố tụng cho phép bản thân được trình bày đầy đủ để làm căn cứ phán xét.
Ai quản lý hệ thống lọc nước chạy thận?
Chiều 14/1, trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc bệnh viện) khai, sau khi đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận nhân tạo, Khoa Hồi sức đã giao cho bác sĩ Hoàng Công Tình (Phó trưởng khoa) quản lý hệ thống này.
Ông Khiếu trình bày, sáng 29/5/2017 hôm xảy ra vụ ngộ độc làm 9 người tử vong, máy lọc RO được sửa chữa nhưng không ai báo cáo cho ông ta việc hệ thống này đã bảo dưỡng xong hay chưa.
“Bị cáo không ra lệnh hay chỉ đạo cho ai ngày hôm đó được phép sử dụng hệ thống RO do chưa được báo cáo sửa chữa xong hay chưa”, ông Khiếu trần tình.
Khi chủ tọa hỏi về trách nhiệm để xảy ra sự cố, cựu Phó giám đốc bệnh viện khai ông ta chỉ quản lý chung các công việc ở Khoa Hồi sức. Còn bác sĩ Hoàng Công Tình phụ trách chuyên môn, Trần Thị Hằng là điều dưỡng viên.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu là một trong 5 người được tại ngoại. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trước đó, HĐXX truy vấn bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện) về nguồn gốc hợp đồng máy chạy thận với Công ty Thiên Sơn. Ông Dương khai do kinh phí hạn chế nên bệnh viện đã dùng vốn xã hội hóa, thuê doanh nghiệp bên ngoài để vận hành máy chạy thận.
Trước khi hợp tác với Thiên Sơn, bệnh viện đã được Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương. Ông Dương khẳng định, suốt quá trình hợp tác, công ty của bị cáo Đỗ Anh Tuấn đã đáp ứng được yêu cầu.
Về quyền lợi, cựu Giám đốc bệnh viện cho biết lợi nhuận được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, giá chạy thận là 400.000 đồng/ca. Trong đó, Công ty Thiên Sơn hưởng 360.000 đồng.
Giai đoạn 2 được khoán giá 7,7 USD/ca, trong đó Thiên Sơn hưởng toàn bộ lợi nhuận.