Nỗi đau sau cú vấp ngã clip đen
Xuất hiện trên clip đen, trong khi hậu quả đối với “nam diễn viên chính” có vẻ nhẹ, nhưng nữ sinh thì chịu áp lực lớn tinh thần từ dư luận xã hội.
Ảnh minh họa. |
“Vết thương” khó liền da
Trên thực tế, ngay sau khi công khai clip đen, lập tức những học sinh này sẽ phải chịu búa rìu dư luận trong khi “chờ đợi” các hình thức kỷ luật của gia đình và nhà trường. Các em sẽ phải đối mặt với những lời bàn tán, chỉ trích từ ở ngoài đường cho tới trong lớp học, và có lẽ nặng nề nhất là sự “tấn công” của cư dân cộng đồng mạng. Căng thẳng và ngại tới trường vì sợ tiếp xúc với mọi người là trạng thái không tránh khỏi trong tình huống này. Có nhiều trường hợp bị stress nặng có thể tìm đến cái chết.
Cô Lưu Thị Minh Nguyệt, giáo viên tham vấn tâm lý trường THPT Mạc Đĩnh Chi, chia sẻ: “Những học sinh bị quay lén chắc chắn sẽ cảm thấy xấu hổ, sợ hãi và co cụm lại. Các em khó lòng vượt qua được cú vấp ngã đầu đời này nếu không có sự giúp đỡ, quan tâm của người lớn và bạn bè. Hơn thế nữa, chuyện này có thể ảnh hưởng không ít đến tương lai, hạnh phúc sau này của các em”.
Còn Thạc sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: “Hình ảnh của những học sinh trong clip đen sẽ bị bôi đen nghiêm trọng trong mắt bạn bè và mọi người quen biết. Niềm tin của cha mẹ, thầy cô vào các em sẽ xói mòn sâu sắc. Không chỉ vậy, những lời “ném đá” từ cộng đồng mạng hoặc người thân quen sẽ khiến cho cái tôi của cá nhân chao đảo, nặng thì tự hủy hoại mạng sống để trốn tránh thực tại, nhẹ thì nghỉ học hoặc thu mình trước mọi người. Đặc biệt, nếu bị quay lén thì đây sẽ là một vết sẹo khó phai mờ, khiến bản thân nạn nhân mất niềm tin vào sự tốt đẹp của việc quan hệ chân chính vì tình yêu thật sự”.
Trong khi đó, Thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên - tham vấn tâm lý tại Nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM - nhận định: “Những kẻ xấu có thể lợi dụng các clip đó để thực hiện hành vi uy hiếp hoặc ép buộc các em làm những việc mà chúng muốn hoặc phát tán clip đó rộng rãi hơn. Không chỉ riêng cá nhân mà cả gia đình các em cũng sẽ gánh chịu những điều không hay từ dư luận”.
Phải gánh chịu hậu quả là điều chắc chắn, tuy nhiên các em cần phải biết vượt qua những vấp ngã này. “Các em cũng cần biết rằng, lần sai phạm này chưa phải là mất hết tất cả. Ta không thể xóa bỏ quá khứ nhưng hoàn toàn có thể xây dựng tương lai. Hãy chứng minh mình đã thay đổi, có một lối sống lành mạnh và có ích, ắt sẽ lấy lại được lòng tin của mọi người. Hãy xem như đó là khoản “học phí” cho một bài học đắt giá để từ nay về sau “khôn” hơn, trưởng thành hơn. Xem đây như một dịp để rèn luyện bản lĩnh đứng dậy của bản thân, bởi tính cách sẽ trưởng thành trong bão táp”, một chuyên gia tư vấn tâm lý đưa ra lời khuyên.
Ngày càng xuất hiện nhiều clip nóng của trẻ vị thành viên. Ảnh minh họa. |
Xử phạt thế nào cho đúng?
Với những trường hợp clip đen của học bị tung lên mạng, hầu hết các trường đều kỷ luật bằng cách cho các em nghỉ học một tuần để có thời gian suy nghĩ và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các giáo viên và chuyên gia tâm lý cho rằng đây chưa phải là một hình thức để các em nhận ra lỗi lầm của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Trong giáo dục, trách phạt là phương pháp thuộc nhóm kích thích và điều chỉnh hành vi của học sinh, có nghĩa là nhà trường sử dụng phương pháp này để chấm dứt hành vi sai và điều chỉnh nó theo hướng đúng. Do đó, một nguyên tắc tối quan trọng của trách phạt là hình thức phạt phải liên quan đến lỗi phạt và có tác dụng giúp người bị phạt nhận ra lỗi lầm để sửa đổi. Việc nhà trường phạt đuổi học một tuần, tuy được xem là hình phạt nghiêm khắc, có thể khiến học sinh sợ nhưng chưa phải là cách giúp các em nhận ra hậu quả thực sự của việc tung clip đen lên mạng cũng như không nhận thức đầy đủ về việc mình đã làm”.
Cô Lưu Thị Minh Nguyệt thì chia sẻ: “Trước khi đưa ra bất cứ hình thức kỷ luật nào, nhà trường cần xét đối tượng bị kỷ luật có ăn năn hay không, tâm lý như thế nào… Nếu cho HS nghỉ học một tuần, khi đi học lại em đó có ổn định được tâm lý hay không? Với những đối tượng ăn năn, hối lỗi và cảm thấy rất xấu hổ trước bạn bè, nhà trường, nên cho các em đi học bình thường để đối diện và chấp nhận thực tại. Còn đối với trường hợp học sinh không ăn năn, hối hận vì nghĩ rằng hành động như vậy mới là sành điệu, mới là người lớn thì có thể cho nghỉ học một tuần để các em suy ngẫm lại hành động của mình, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình”.
Nhiều giáo viên và những người làm công tác tư vấn tâm lý cũng đồng tình rằng dùng hình thức kỷ luật là nhằm mục đích thức tỉnh, cho các em biết đó là hành vi xấu. Tuy nhiên, phạt nghỉ học phải đi kèm theo hình thức giáo dục khác, nếu không thì đôi khi việc cho nghỉ học sẽ phản tác dụng, khiến các em chán nản và dễ buông thả hơn.
Quan tâm đến tâm lý học sinh Theo Thạc sĩ Đào Thị Duy Duyên, đình chỉ học một tuần cũng có thể áp dụng nếu nó giúp cho dư luận lắng xuống, nhưng không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ học tập mà trong quá trình cho các em nghỉ, nhà trường cần tích cực tìm cách trao đổi và tham khảo những yếu tố xung quanh để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em lại có những hành vi đó. Phụ huynh và nhà trường cần đặc biệt chú ý những nguyên nhân về mặt tâm lý, vì thường những em có biểu hiện hành vi lệch lạc đều xuất phát từ một sự khiếm khuyết về mặt tâm lý nhất định. Và việc này cần phải có đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường đảm nhận. Từ việc xác định nguyên nhân chính xác mới có thể thay đổi được gốc của vấn đề, nếu không việc cho nghỉ học chỉ là giải pháp tình thế, rồi sau đó mọi việc có thể sẽ tái diễn. Hình ảnh của những học sinh trong clip đen sẽ bị bôi đen nghiêm trọng trong mắt bạn bè và mọi người quen biết. Niềm tin của cha mẹ, thầy cô vào các em sẽ xói mòn sâu sắc. |
Theo Giáo dục TP.HCM